Vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Dòng tiền 2.000 tỷ đồng đi qua, để lại câu chuyện 'đất vàng' 220 Bình Thới
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã công bố kết luận điều tra giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Các hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan việc phát hành trái phiếu được làm rõ.
Có 4 pháp nhân là An Đông, Quang Thuận, Sunny World và Setra được dùng để phát hành trái phiếu, hiện dư nợ hơn 30.000 tỷ đồng, trong đó Setra phát hành 20 mã trái phiếu có tổng dư nợ 2.000 tỷ đồng. Các trái phiếu này đều không có tài sản đảm bảo.
Vòng quay dòng tiền khống 2.000 tỷ đồng
Kết quả điều tra xác định ngày 4/8/2020, ông Trần Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT của Setra, ký biên bản họp phê duyệt việc phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, không kèm chứng quyền, không tài sản đảm bảo. Sau đó Setra ký kết với chứng khoán TVSI gói hợp đồng tư vấn phát hành trái phiếu.
Ngày 28/8/2020, Setra và công ty Điền Gia Cát (trái chủ sơ cấp) ký kết 20 hợp đồng đặt mua trái phiếu, tổng giá trị 2.000 tỷ đồng.
Để có mục đích phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu, cùng ngày 28/8, Setra và CTCP Đầu tư phát triển hạ tầng và bất động sản Việt Nam (VIPD) ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh khai thác dự án Trung tâm thương mại và căn hộ tại số 220 Bình Thới, phường 11, quận 11, TP HCM. Nội dung chính là Setra góp 2.000 tỷ đồng, chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản VIPD, thời hạn hợp tác 60 tháng.
Căn cứ kết quả rà soát, ghép nối chứng từ do ngân hàng SCB cung cấp, đã xác định đường đi lệnh dòng tiền 2.000 tỷ đồng là trong cùng một ngày 28/8/2020.
Theo đó, 4 cá nhân ký 21 chứng từ, nộp 2.000 tỷ đồng vào tài khoản tiền mặt của công ty Điền Gia Cát -> Công ty Điền Gia Cát thực hiện 11 lệnh chuyển tiền tổng giá trị 2.000 tỷ sang tài khoản của Setra -> Setra thực hiện 11 giao dịch, chuyển 2.000 tỷ đồng đến tài khoản công ty VIPD -> VIPD thực hiện 11 giao dịch, chuyển 2.000 tỷ đồng tới tài khoản của công ty Vĩnh Tường Hưng, sau đó Vĩnh Tường Hưng thực hiện 14 giao dịch chuyển 2.000 tỷ đến tài khoản của 4 cá nhân -> 4 cá nhân ký 21 chứng từ rút toàn bộ 2.000 tỷ đồng tiền mặt.
Lời khai của các giao dịch viên, kiểm soát viên ngân hàng SCB xác định, họ được chỉ đạo thực hiện các giao dịch dòng tiền 2.000 tỷ đồng nêu trên mà không có tiền mặt nộp vào, rút ra.
Câu chuyện đất vàng 220 Bình Thới về tay tư nhân
Dòng tiền khống 2.000 tỷ đồng đi qua, đọng lại là cái tên VIPD và hợp đồng hợp tác kinh doanh liên quan Dự án Trung tâm thương mại và căn hộ tại số 220 Bình Thới - dự án nằm trên lô đất vàng thành phố Hồ Chí Minh. Dự án đình đám này đã khiến không ít lãnh đạo của Tổng công ty Máy động lực và máy công trình Việt Nam (VEAM – VEA) bị phạt tù.
Liên quan vụ án, cuối tháng 12/2023, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại VEAM kết thúc, 3 lãnh đạo VEAM bị tuyên án tù, trong đó: Nguyễn Thanh Giang (Tổng Giám đốc giai đoạn 2000-2011) và Lâm Chí Quang (Chủ tịch HĐQT giai đoạn 2004-2011) bị tuyên 5 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí;
Nguyễn Văn Khôi (Ủy viên HĐQT kiêm Trưởng BKS giai đoạn 2007-2010) bị phạt 30 tháng tù treo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, thời gian thử thách 60 tháng;
Ngoài ra, Đào Huấn Ngữ (Giám đốc Công ty Đúc số 1 giai đoạn 2002-2011) bị phạt 33 tháng tù về “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Phiên tòa sơ thẩm vụ án xảy ra tại VEAM tháng 12/2023 |
Đất vàng 220 Bình Thới trước đó là trụ sở của Công ty Đúc 1 (đơn vị hạch toán phụ thuộc của VEAM). Lợi dụng việc di dời công ty Đúc 1 vào khu công nghiệp theo chủ trương của UBND TP HCM, từ 2006-2008, VEAM, khi đó do Nguyễn Thanh Giang là Tổng Giám đốc, đã ký hợp đồng hợp tác với Công ty Phương Nam góp vốn thành lập Liên doanh Đúc Phương Nam. Đồng thời, đề nghị UBND TP HCM cấp “sổ” của lô đất tại 220 Bình Thới cho công ty Đúc 1, kèm điều kiện là sau đó VEAM sẽ chuyển quyền sử dụng lô đất cho Liên doanh Đúc Phương Nam.
Khi lô đất 220 Bình Thới được cấp sổ xong để xây dựng Trung tâm thương mại, thì Đúc Phương Nam ký hợp đồng với công ty An Phú để thành lập CTCP Bất động sản Phú Vinh nhằm thực hiện dự án; bản thân công ty Đúc Phương Nam thì giải thể.
Khi Đúc Phương Nam giải thể, Nguyễn Thanh Giang đã đề nghị và được HĐQT (gồm Lâm Chí Quang, Nguyễn Thanh Khôi, Nguyễn Văn Chương, Nguyễn Thanh Giang) thống nhất, phê duyệt việc VEAM góp vốn bằng quyền sử dụng đất tại 220 Bình Thới trị giá 115 tỷ đồng, cử Đào Huấn Ngữ (Giám đốc công ty Đúc số 1) làm đại diện phần vốn góp của VEAM, bàn giao đất vàng cho Công ty Phú Vinh.
Tháng 10/2008, VEAM nhanh chóng ra quyết định chuyển nhượng lại toàn bộ cổ phần tại Phú Vinh cho công ty Phương Nam, thoái vốn, không còn là cổ đông lớn của Phú Vinh, không còn quyền lợi liên quan đến đất vàng 220 Bình Thới.
Bản án nhận định, Quang, Giang và Ngữ đã lợi dụng chức vụ, tìm đối tác hợp tác đầu tư, sau đó chuyển nhượng cổ phần để lấy tiền di dời công ty Đúc 1, sau đó thực hiện thủ tục góp vốn cổ phần bằng quyền sử dụng đất 220 Bình Thới nhưng không thực hiện định giá, đấu giá là vi phạm quy định pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước 165 tỷ đồng.
Khi đại án Vạn Thịnh Phát xảy ra, Chứng khoán TVSI là một trong những mắt xích, khiến nhiều người nhìn kỹ lại lịch sử công ty chứng khoán này, và bất ngờ khi cái tên Phú Vinh xuất hiện.
Cụ thể, năm 2011, trên BCTC của TVSI ghi nhận một khoản phải thu trị giá 350 tỷ đồng với Phú Vinh. TVSI cho biết công ty đang nắm giữ tài sản đảm bảo liên quan đến các hợp đồng mua bán lại chứng khoán của các công ty chưa niêm yết, trong đó có Bất động sản Phú Vinh. Theo đó, cổ phần Phú Vinh có giá trung bình 10.000 đồng/cổ phần, cũng tương ứng số tiền 350 tỷ đồng là 35 triệu cổ phần.
Danh sách các khoản phải thu cùng phát sinh năm 2021 của TVSI còn có những cái tên khá bất ngờ như SCB, như CTCP Đầu tư Kim Cương Xanh (200 tỷ đồng), Setra (150 tỷ đồng)… Số phải thu này cũng chỉ tồn tại 1 năm, đến năm 2012 đã đưa về 0.
Bất động sản Phú Vinh sau đó “im hơi lặng tiếng”, đến năm 2013, nhiều thông tin cho thấy, Phú Vinh đổi tên thành CTCP Đầu tư phát triển hạ tầng và bất động sản Việt Nam (VIPD), vốn điều lệ 400 tỷ đồng.
Khi vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát khởi tố, cái tên VIPD một lần nữa được nhắc tới. Lần lại lịch sử, VIPD là doanh nghiệp có những kỳ tích liên quan đến việc thay đổi vốn điều lệ. Cụ thể, ngay sau khi đổi tên từ BĐS Phú Vinh sang VIPD, là quá trình tăng vốn khủng từ 400 tỷ đồng lên 6.000 tỷ , tương ứng gấp 15 lần chỉ trong vòng 1 năm. Tiếp đó, tháng 11/2012 VIPD lại tăng vốn gấp đôi lên 12.000 tỷ đồng.
Hết tăng vốn đến giảm vốn, tháng 4/2017, VIPD giảm vốn điều lệ xuống còn 11.026 tỷ đồng rồi lại tăng lên thành 11.800 tỷ đồng vào tháng 6/2017.
Tháng 10/2017, Nguyễn Vũ Anh Thi tiếp nhận vị trí Tổng Giám đốc từ ông Nguyễn Tuấn Anh. Nguyễn Vũ Anh Thi là cái tên quen thuộc trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, là cánh tay đắc lực của Trương Mỹ Lan.
Cập nhật mới nhất, tháng 6/2020 VIPD bất ngờ giảm vốn điều lệ “sốc”, xuống còn 992,34 tỷ đồng từ mức 11.800 tỷ đồng trước đó.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn