Vụ Vạn Thịnh Phát: Lộ số tiền NHNN và các tổ chức tín dụng ‘cấp’ cho SCB tái cơ cấu, lên đến 40.000 tỷ

Phiên xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB và các bên liên quan đang diễn ra, các bị cáo nói lời cuối cùng tại tòa. Nhiều tình tiết chưa từng xuất hiện trong cáo trạng lộ diện.

NHNN và các tổ chức tín dụng “bơm” gần 40.000 tỷ đồng để tái cơ cấu SCB

Lời cuối cùng của bị cáo Lê Khánh Hiền đã lộ nhiều thông tin liên quan đến thời điểm tái cơ cấu ngân hàng SCB.

Lê Khánh Hiền là một trong 4 Tổng Giám đốc của SCB bị khởi tố trong vụ án. Theo cáo trạng, Lê Khánh Hiền làm việc tại SCB gần 3 năm, ở giai đoạn trước và sau khi sáp nhập 3 ngân hàng, từ tháng 1/2010 đến ngày 15/10/2013. Sau khi Lê Khánh Hiền nghỉ việc vào năm 2013, Võ Tấn Hoàng Văn lên thay thế.

Lời cuối cùng tại tòa, nói về những ngày làm việc tại SCB, Lê Khánh Hiền đề nghị HĐXX xem xét đến hoàn cảnh và bối cảnh thời điểm bị cáo làm việc là trong giai đoạn SCB tái cơ cấu.

Hiền khai, nhiệm vụ của bị cáo lúc đó là cùng cùng SCB thực hiện công việc hoàn trả các khoản nợ tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các khoản vay liên ngân hàng.

Lê Khánh Hiền cho biết, trong 11 tháng làm việc sau sáp nhập, bị cáo đã cùng toàn thể cán bộ ngân hàng SCB triển khai thực hiện công việc; hoàn trả xong khoản tái cấp vốn của NHNN cả gốc và lãi hơn 19.000 tỷ đồng và các khoản vay liên ngân hàng lên đến gần 20.000 tỷ đồng. Trong số đó, riêng khoản nợ của BIDV là 2.500 tỷ đồng. Như vậy theo lời khai của Lê Khánh Hiền, NHNN và các tổ chức tín dụng đã "bơm" cho SCB đến gần 40.000 tỷ đồng để tái cơ cấu.

Cũng theo bị cáo, SCB ngoài việc hoàn trả khoản cấp vốn tái cơ cấu, còn đóng được trạng thái âm nguồn vàng, đóng góp vào chính sách của Nhà nước trong vấn đề kinh doanh vàng.

Screenshot 2024-04-05 at 17.03.49

Đại diện VKS: Trương Mỹ Lan không có tiềm lực tài chính

Liên quan việc tái cơ cấu ngân hàng SCB, là luận điểm xuyên suốt vụ án, lời khai của Trương Mỹ Lan liên tục nhắc tới “công” khi cho rằng bản thân và gia đình đã đưa nhiều tài sản có giá trị cho SCB mượn để tái cơ cấu.

Báo Dân Việt đưa tin, tại tòa, đại diện VKS cho rằng lời khai này của Trương Mỹ Lan không đúng sự thật.

Các tài liệu trong hồ sơ về các chứng từ rút, nộp tiền, báo cáo, tờ trình của SCB về 5 phương án tái cơ cấu, các văn bản phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN)... có đủ căn cứ xác định bà Lan không cho SCB mượn tài sản, mà dùng thủ đoạn đưa tài sản vào để tạo lập khoản vay mới, trả nợ cho các khoản cũ của chính bị cáo và các công ty liên quan tại các ngân hàng từ trước khi hợp nhất.

Screenshot 2024-04-05 at 17.18.57

Theo phương án cơ cấu, Trương Mỹ Lan dùng 5 tài sản, gồm tòa nhà Windsor Plaza, các dự án 289 - Trần Hưng Đạo, khu 5-2, Times Square, Chợ Vải đưa vào SCB xử lý các khoản nợ phát sinh trước hợp nhất là 48.759 tỷ đồng gốc và lãi.

Thực tế, bà Lan không bị thiệt hại, bởi bị cáo sau đó đã lấy các tài sản này ra bằng cách rút, hoán đổi, mua lại bằng chính tiền giải ngân khoản vay theo phương án, dự án, số tài sản này, với giá trị 55.000 tỷ đồng. Trong khi đó, số tiền SCB giải ngân thông qua phương án tái cơ cấu để trả cho các khoản nợ cũ là 57.000 tỷ đồng.

Theo VKS, thực tế bị cáo Trương Mỹ Lan không hề có nhiều tài sản như bị cáo trình bày. Bị cáo không phải là người có nguồn lực tài chính dồi dào để bảo trợ cho SCB, thậm chí, trước khi hợp nhất, bị cáo Trương Mỹ Lan còn rất nhiều khoản nợ tại SCB, Ngân hàng Tín Nghĩa. Khi hợp nhất, SCB xác định đây là những khoản nợ khó thu, tài sản đăng bán có giá trị thấp.

VKS cho rằng, nếu có đủ nguồn lực tài chính thì bị cáo đã tất toán các khoản nợ, khoản phải thu tại thời điểm hợp lý nhất. Tuy vậy bị cáo không hề có tiềm lực tài chính nhưng lại muốn sử dụng SCB như 1 công cụ tài chính, huy động tiền của dân phục vụ cho nhiều mục đích, trong đó có mục đích kinh doanh bất động sản.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn