Vừa bán ra, Dragon Capital lại tăng sở hữu cổ phiếu PVS lên hơn 7%
Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã PVS-HNX) để báo cáo về thay đổi sở hữu của nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan là cổ đông lớn, nhà đầu tư nắm giữ từ 5% trở lên cổ phiếu.
Theo đó, ngày 25/11/2024, nhóm quỹ Dragon Capital đã thông qua hai quỹ thành viên để mua vào tổng 1,42 triệu cổ phiếu PVS.
Cụ thể, quỹ thành viên Amersham Industries Limited đã mua vào 1,4 triệu cổ phiếu PVS và quỹ Norges Bank mua vào 20.000 cổ phiếu.
Sau giao dịch, số lượng cổ phiếu PVS do quỹ ngoại này nắm giữ tăng từ gần 32,53 triệu cổ phiếu, chiếm 6,8054% lên hơn 33,95 triệu cổ phiếu, chiếm 7,1025%.
Tạm tính giá cổ phiếu PVS theo phiên giao dịch đóng cửa ngày 25/11/2024 là 34.200 đồng/cổ phiếu, ước tính Dragon Capital đã chi ra khoảng hơn 48,56 tỷ đồng để mua vào số lượng cổ phiếu nêu trên.
Ngày thay đổi tỷ lệ sở hữu của cả nhóm đầu tư nước ngoài có liên quan vượt quá các ngưỡng 1% là ngày 27/11/2024.
Hiện, giá cổ phiếu PVS giảm còn 33.600 đồng/cổ phiếu với 1.563.830 cổ phiếu được giao dịch.
Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 21/11/2024, Dragon Capital đã thông qua 2 quỹ thành viên để mua vào 170.000 cổ phiếu PVS và 1 quỹ thành viên để bán ra 1,4 triệu cổ phiếu.
Cụ thể, quỹ thành viên Amersham Industries Limited mua vào 20.000 cổ phiếu PVS, quỹ Norges Bank mua 150.000 cổ phiếu, quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited bán ra 1,4 triệu cổ phiếu PVS. Như vậy, trong giao dịch Dragon Capital đã bán ròng tổng 1,23 triệu cổ phiếu PVS.
Sau giao dịch, số lượng cổ phiếu PVS do quỹ ngoại này nắm giữ giảm từ gần 33,6 trịêu cổ phiếu xuống hơn 32,3 triệu cổ phiếu, tương đương giảm tỷ lệ sở hữu từ 7,0209% xuống 6,7636%.
Tạm tính giá cổ phiếu PVS theo phiên giao dịch đóng cửa ngày 21/11/2024 là 33.600 đồng/cổ phiếu, ước tính Dragon Capital thu về hơn 41,3 tỷ đồng từ giao dịch trên.
Ngày thay đổi tỷ lệ sở hữu của cả nhóm đầu tư nước ngoài có liên quan vượt quá các ngưỡng 1% là ngày 25/11/2024.
Ở chiều ngược lại, Vietnam Investment Property Holding Limited, người có liên quan đến Ủy viên HĐQT độc lập là ông Hoàng Xuân Quốc đăng ký bán 8.000.000 CP nhằm cơ cấu danh mục đầu tư theo phương thức giao dịch là thỏa thuận và khớp lệnh. Thời gian từ ngày 2/12-31/12/2024.
Hiện, tổ chức này đang sở hữu 15.684.286 CP, chiếm 3,28% vốn tại PVS.
Mới đây, VCSC điều chỉnh giảm 4% giá mục tiêu cho Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) xuống còn 48.800 đồng/cổ phiếu nhưng duy trì khuyến nghị "mua".
VCSC cho biết giá mục tiêu thấp hơn chủ yếu do (1) VCSC điều chỉnh giảm 9% dự báo tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2024-2028 (tương ứng -4%/-9%/-23%/-16%/+11% cho dự báo các năm 2024/25/26/27/28), được bù đắp một phần bởi (2) tác động tích cực của việc cập nhật mô hình định giá đến cuối năm 2025.
VCSC giảm dự báo tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số do (1) giả định backlog M&C giai đoạn 2024-2028 giảm 19% do (a) loại bỏ hợp đồng đường ống dẫn khí ngoài khơi trị giá 310 triệu USD của Lô B trong định giá, (b) và việc trì hoãn một năm đối với dự án Cá Voi Xanh đến giai đoạn 2027-2030 và Kho cảng LNG Sơn Mỹ đến giai đoạn 2027-2030 và các yếu tố này ảnh hưởng nhiều hơn so với (2) mức tăng 8% trong dự báo tổng lợi nhuận từ các liên doanh FSO/FPSO.
Ngoài ra, VCSC dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2024 sẽ tăng trưởng 5% so với cùng kỳ, được thúc đẩy bởi (1) lợi nhuận gộp M&C tăng 93% và (2) lợi nhuận từ các liên doanh FSO/FPSO tăng 29%. Trong 9 tháng năm 2024, lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 631 tỷ đồng (+9% YoY).
VCSC cũng kỳ vọng PVS sẽ ghi nhận lợi nhuận đáng kể trong quý 4/2024 trở đi, do PVS đã nhận được 587 tỷ đồng tiền ứng trước cho dự án Lạc Đà Vàng vào ngày 30/9 và gói thầu EPCI 1 của Lô B đã chính thức khởi công vào đầu tháng 9.
Đối với năm 2025, VCSC kỳ vọng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số báo cáo sẽ tăng 32% YoY, nhờ lợi nhuận gộp M&C tăng 1,2 lần (với doanh thu tăng 80% và biên lợi nhuận gộp tăng lên 3,5%).
Xem thêm tại vneconomy.vn