Vừa báo lãi trở lại trong quý III/2024, Chứng khoán Apec bị xử phạt

CTCP Chứng khoán châu Á Thái Bình Dương (Chứng khoán Apec, mã: APS) vừa công bố thông tin về việc nhận được quyết định xử phạt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).

Theo Quyết định số 413/QĐ-XPHC của Chánh Thanh tra UBCKNN, Chứng khoán Apec bị phạt với số tiền 62,5 triệu đồng, do báo cáo không đúng thời hạn về kết quả giao dịch bán 8,1 triệu cổ phiếu API hồi năm 2023.

Cụ thể, APS đăng ký bán 8,1 triệu cổ phiếu API của CTCP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (Apec Investment, mã: API) từ ngày 06 - 20/06/2023, tuy nhiên đến ngày 18/08/2023 Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) mới nhận được báo cáo kết quả giao dịch.

Thực tế, APS cũng không bán được bất kỳ cổ phiếu API nào trong giai đoạn kể trên, với lý do thị trường không thuận lợi. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của tổ chức này tại API được giữ nguyên 11,3%, tương ứng hơn 11 triệu cổ phiếu.

Đáng nói, mục đích thực hiện giao dịch trên là thực hiện theo Quyết định số 1041/QĐ-XPHC ngày 21/12/2022 của UBCKNN sau khi Chứng khoán Apec bị phạt hành chính 250 triệu đồng do "không đăng ký chào mua công khai theo quy định pháp luật".

Cụ thể, từ ngày 22/09 - 15/10/2021, APS đã mua vào 4,5 triệu cổ phiếu API, dẫn đến số lượng cổ phiếu sở hữu của Công ty và người có liên quan vượt mức quy định (ông Nguyễn Đỗ Lăng - thời điểm đó vừa là thành viên HĐQT API, vừa là thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc APS), tăng từ gần 8 triệu cổ phiếu lên gần 12,5 triệu cổ phiếu API, tương ứng tỷ lệ tăng từ 22,59% lên 35,31%, mà không đăng ký chào mua công khai.

Biện pháp khắc phục hậu quả là APS buộc phải bán cổ phiếu để giảm tỷ lệ nắm giữ xuống dưới mức phải chào mua công khai đối với hành vi vi phạm trong thời hạn tối đa 06 tháng.

Ngày 18/10 vừa qua, APS có công văn về việc khắc phục tình trạng cổ phiếu vào diện bị cảnh báo và kiểm soát. Cụ thể, APS vào diện cảnh báo theo Quyết định ngày 1/4/2024 của HNX do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tài ngày 31/12/2023 là số âm và tổ chức kiểm toán có ý kiến ngoại trừ về BCTC của công ty.

Cùng ngày, HNX tiếp tục có quyết định đưa cổ phiếu APS vào diện kiểm soát do lợi nhuận sau thuế năm 2022 và 2023 trên BCTC năm 2023 đã được kiểm toán là số âm.

Giải trình về việc này, Chứng khoán Apec cho biết đang thu hồi dần khoản công nợ tạm ứng 172,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, APS cũng chú trọng đẩy mạnh hoạt động tự doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ cắt giảm tối đa các chi phí. Kết quả là lợi nhuận sau thuế tại quý III/2024 đạt 14,1 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính quý III/2024, APS ghi nhận doanh thu hoạt động hơn 41 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động tự doanh đóng góp 34 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ.

Trong kỳ, chi phí hoạt động được tiết giảm 76% về còn hơn 19 tỷ đồng. Nhờ đó, APS báo lãi ròng 14,1 tỷ đồng, tăng 144% so với khoản lỗ gần 32 tỷ đồng cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, APS mang về doanh thu hoạt động hơn 220 tỷ đồng, chỉ bằng hơn một nửa cùng kỳ. Cũng nhờ tiết giảm chi phí mà lợi nhuận sau thuế đạt hơn 49 tỷ đồng, cải thiện hơn nhiều khoản lỗ 168 tỷ đồng cùng kỳ.

Tại ngày 30/9/2024, tổng tài sản của APS đạt hơn 840 tỷ đồng, tăng hơn 37 tỷ đồng so với đầu năm. Các khoản cho vay tăng nhẹ lên mức 152 tỷ đồng.

Danh mục tài sản chính FVTPL có giá gốc hơn 680 tỷ đồng, tăng 27 tỷ đồng so với đầu năm gồm 458 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết, 222 tỷ đồng cổ phiếu chưa niêm yết, còn lại là cổ phiếu giao dịch trên UPCoM.

Vừa báo lãi trở lại trong quý III/2024, Chứng khoán Apec bị xử phạt- Ảnh 1.

Danh mục cổ phiếu niêm yết của APS đang lỗ 150 tỷ đồng

Danh mục cổ phiếu niêm yết đang tạm lỗ gần 150 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất là cổ phiếu API, IDJ, TNH; lãi đáng kể nhất chỉ có MWG.

Danh mục cổ phiếu chưa niêm yết cũng lỗ khoảng 30 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất là cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Appec Group.

Tổng nợ phải trả giảm hơn một nửa chỉ còn trên 10 tỷ đồng, đáng kể nhất là 4,6 tỷ đồng trái phiếu.


Xem thêm tại cafef.vn