Vừa có lãi, Bách Hóa Xanh rục rịch mở loạt cửa hàng mới trong tháng 8

Fanpage tuyển dụng của Bách Hóa Xanh đã công bố hoạt động khai trương trong tháng 8/2024. Theo đó chuỗi siêu thị dự kiến mở mới 7 cửa hàng tại 4 tỉnh thành là TP.HCM (3 cửa hàng), Long An (1 cửa hàng), Bình Dương (1 cửa hàng) và Đồng Nai (2 cửa hàng).

Dù số lượng mở mới chưa phải quá lớn nhưng đây được xem là thông tin tích cực khi mà quy mô cửa hàng Bách Hóa Xanh chủ yếu đi ngang trong hơn 2 năm qua. Tính đến cuối quý 2/2024, Bách Hóa Xanh có 1.701 cửa hàng, tăng 3 cửa hàng so với đầu năm 2024.

photo-1723175256035

Trước đó, giai đoạn đầu 2022 chứng kiến động thái mạnh tay đóng hàng trăm cửa hàng Bách Hóa Xanh nhằm tái cấu trúc song song với tái định vị thương hiệu từ "chợ hiện đại" sang "siêu thị mini".  Động thái rục rịch mở rộng trở lại ghi nhận sau khi chuỗi siêu thị lần đầu có lãi. 

Theo BCTC quý 2/2024 của Đầu tư Thế giới Di động (MWG), doanh thu nửa đầu năm của Bách Hóa Xanh đạt 19.400 tỷ, tăng trưởng 42% so với cùng kỳ và mức cao nhất từng đạt được, riêng trong quý 2 doanh thu đạt khoảng 10.300 tỷ. Kết quả, chuỗi siêu thị đã lần đầu tiên "đem tiền về cho mẹ" khi lãi gần 7 tỷ đồng trong quý 2.

Xét theo từng tháng, doanh thu quý này đều cao hơn quý trước, đến tháng 6/2023 đã vượt ngưỡng 3.650 tỷ đồng. Đáng chú ý, doanh thu bình quân mỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh đã đạt đỉnh 2,1 tỷ đồng/cửa hàng/tháng - con số cao nhất từ trước tới nay, ngoại trừ giai đoạn tháng 7/2021 chịu tác động từ dịch bệnh Covid dẫn tới doanh thu từng đột biến chạm tới mốc này.

Để có được thành tích như này, phía Bách Hóa Xanh cho biết đã có chiến lược từ đầu năm là tăng trưởng về doanh thu và tập trung tối ưu chi phí, trong đó có 2 mảng lớn là chi phí vận hành cửa hàng và chi phí vận hành logistics. Dù sức mua tiêu dùng được đánh giá là không tăng hoặc tăng không mạnh nhưng điểm lợi thế của Bách Hóa Xanh là xu thế chuyển dịch từ kênh truyền thống sang hiện đại vẫn đang tiếp diễn.

photo-1723175324441

Liên tiếp những cột mốc mới được ghi nhận trong thời gian qua đang minh chứng rõ cho kỳ vọng của ban lãnh đạo MWG đối với Bách Hóa Xanh, như nhận định của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài "chuỗi siêu thị sẽ là nhân tố "gánh" đà tăng trưởng của toàn MWG trong 5 năm tới".

Theo ông Tài từng chia sẻ, Bách Hóa Xanh sẽ phát triển đến một quy mô đủ lớn và niêm yết lên sàn theo như cam kết với nhà đầu tư và mong đợi của các cổ đông.

"Khi quy mô đủ lớn, con số vài nghìn tỷ lợi nhuận xuất đầu lộ diện, đó là thời điểm Bách Hóa Xanh sẽ sẵn sàng bước lên sàn chứng khoán", ông Tài nhấn mạnh.

CEO Bách Hoá Xanh Phạm Văn Trọng cũng tự tin cho biết cá nhân ông tin rằng khoảng 1-2 năm nữa, lợi nhuận "4 chữ số" là khả thi (nghìn tỷ lợi nhuận).

Tiềm năng mở rộng lớn, doanh thu 2024 có thể vượt 39.000 tỷ

Tại báo cáo mới công bố, Chứng khoán FPTS đánh giá sau khi tái định vị thành mô hình siêu thị mini, Bách Hóa Xanh hiện chỉ còn giữ lại mô hình cửa hàng tiêu chuẩn (diện tích 150-200 m2), với danh mục gồm khoảng 3.000 sản phẩm. So với các chuỗi siêu thị mini khác (WinMart+, Satrafoods, Co.op Food), danh mục sản phẩm của BHX đa dạng hơn ở cả mặt hàng tươi sống và hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Đây là lợi thế cạnh tranh của BHX, giúp thu hút khách hàng mới và gia tăng tần suất mua hàng của khách hàng hiện hữu. Bên cạnh đó, các sản phẩm tươi sống cũng đóng vai trò là kênh dẫn truyền để khách hàng mua thêm các sản phẩm FMCG với biên lãi gộp cao hơn.

FPTS cho rằng chuỗi BHX định hướng sẽ mở dày thay vì mở rộng để tối ưu công suất hoạt động của trung tâm phân phối. Dự phóng chuỗi bán lẻ thực phẩm thuộc Thế Giới Di Động sẽ nâng số lượng cửa hàng lên 1.740 cửa hàng vào cuối năm 2024, trước khi mở mới thêm 100 cửa hàng/năm trong giai đoạn 2025-2029. 

Doanh thu toàn chuỗi BHX năm 2024 dự kiến sẽ phục hồi lên mức 39.300 tỷ đồng (tăng 24%), trước khi tăng trưởng ở mức CAGR 15%/năm trong giai đoạn 2024-2029 (cao hơn mứctăng trưởng ngành 13%/năm). Doanh thu trung bình/cửa hàng có thể chạm ngưỡng 2,65 tỷ đồng/tháng trong năm 2029.

photo-1723175375995


Xem thêm tại cafef.vn