Vừa mua vào, Dragon Capital quay lại bán ra cổ phiếu FRT
Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (mã FRT-HOSE) vừa báo cáo thay đổi sở hữu ngưỡng 1% của nhóm nhà đầu tư nước ngoài của Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT.
Theo đó, nhóm quỹ Dragon Capital đã bán ra 165.000 cổ phiếu FRT để giảm sở hữu từ 11,06%, về 10,94% vốn điều lệ vào ngày 11/1 - trong đó, quỹ CTBC Vietnam Equity Fund bán ra 150.000 cổ phiếu và quỹ KB Vietnam Focus Balanced Fund bán ra 15.000 cổ phiếu.
Được biết, ngày 25/9/2023, nhóm quỹ Dragon Capital đã mua 490.000 cổ phiếu FRT; ngày 26/10/2023, nhóm quỹ Dragon Capital đã mua 180.000 cổ phiếu FRT và đến ngày 19/12/2023, nhóm quỹ Dragon Capital đã mua thêm 50.000 cổ phiếu FRT.
Mới đây, SSI Research đã có báo cập nhật đối với FRT với lợi nhuận dự kiến phục hồi trong các quý sắp tới. Theo SSI Research, mặc dù FRT ghi nhận lỗ 13 tỷ đồng trong quý 3/2023 nhưng vẫn cải thiện so với quý trước nhờ lợi nhuận của chuỗi nhà thuốc Long Châu cải thiện trong khi cuộc chiến giá cả bớt căng thẳng hơn sau khi hàng tồn kho iPhone 14 gần như đã được giải phóng trong quý 2/2023. Tuy nhiên, lợi nhuận 9T2023 thấp hơn dự báo cả năm của SSI Research do nhu cầu yếu.
Hiện tại, SSI Research dự báo lợi nhuận ròng của FRT trong quý 4/2023 đạt 30 tỷ đồng (giảm 69% so với cùng kỳ so với mức lỗ ròng 13 tỷ đồng trong quý 3/2023), nhờ mùa cao điểm của cả iPhone và điện thoại di động khác và cuộc chiến giá cả bớt căng thẳng hơn. Do đó, SSI Research ước tính năm 2023 công ty ghi nhận lỗ 196 tỷ đồng (từ lãi 200 tỷ đồng) nhưng có lãi trở lại trong năm 2024, SSI Research ước tính lợi nhuận năm 2024 đạt 439 tỷ đồng (từ 446 tỷ đồng) nhờ (1) lợi nhuận từ FPT Shop phục hồi và (2) lợi nhuận của chuỗi nhà thuốc Long Châu tiếp tục cải thiện nhờ các hoạt động mở mới và gia tăng biên lợi nhuận.
SSI Research lưu ý rằng tỷ lệ sở hữu của FRT trong chuỗi nhà thuốc Long Châu đã giảm từ 89,8% trong Q2/2023 xuống 84,6% trong quý 3/2023 do nhân viên của Long Châu tăng vốn. Từ năm 2018, FRT đã cho phép nhân viên Long Châu được góp tối đa 25% vốn Long Châu. Do nhân viên Long Châu chậm góp vốn nên tỷ lệ sở hữu của FRT tại Long Châu ở mức cao hơn hẳn 75% kể từ năm 2018 đến nay.
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo, nhân viên Long Châu sẽ tăng vốn trong thời gian tới để tỷ lệ sở hữu của nhân viên tại Long Châu đến cuối năm 2023-2024 sẽ lần lượt đạt 20%-25%. Do đó, chúng tôi điều chỉnh giá mục tiêu cho FRT dựa trên tỷ lệ sở hữu mới.
Theo SSI Research cho biết vị thế đòn bẩy cao là điểm cần lưu tâm chính đối với FRT, đặc biệt là trong môi trường lãi suất tăng cao (quý 4/2022 và Q1/2023). Áp lực vốn của FRT đã giảm bớt khi chi phí vay trong quý 3/2023 giảm 200 điểm cơ bản so với mức đỉnh và lợi nhuận từ chuỗi nhà thuốc cải thiện. Với chi phí vay thấp hơn, FRT có thể đẩy nhanh tốc độ mở mới cho chuỗi Long Châu để giành thị phần trong bối cảnh đối thủ An Khang và Pharmacity vẫn đang chật vật với mô hình kinh doanh của họ. Quy mô lớn hơn sẽ giúp tăng biên lợi nhuận cho Long Châu về lâu dài. Như vậy, việc giảm chi phí vay có ý nghĩa quan trọng đối với một công ty có vốn vay cao như FRT.
Do đó SSI Research nâng hệ số P/S mục tiêu cho chuỗi nhà thuốc từ 0,8x lên 1x. Do đó, SSI Research nâng giá mục tiêu 1 năm lên 117.000 đồng/cổ phiếu (từ 105.000 đồng). Do giá cổ phiếu FRT đã tăng 35% kể từ khuyến nghị MUA gần đây nhất của SSI Research, theo đó, SSI Research đưa ra khuyến nghị "khả quan" đối với cổ phiếu FRT với tiềm năng tăng giá là 13,5%.
Trên thị trường, sau khi lập đỉnh 107.000 đồng/cổ phiếu (chốt phiên ngày 29/12/2023), nay giá cổ phiếu này giảm về 96.900 đồng/cổ phiếu (chốt phiên ngày 15/1/2023).
Xem thêm tại vneconomy.vn