“Vua tôm” Minh Phú hướng về thị trường nội địa: Thất thế tại Mỹ trước tôm Ấn Độ và Ecuador khi giá thành cao hơn 30%, thậm chí gấp đôi
"Với thị trường Mỹ, hoạt động xuất khẩu của Minh Phú không còn đáng kể như trước", Chủ tịch Thuỷ sản Minh Phú (mã chứng khoán MPC) - ông Lê Văn Quang – chia sẻ với cổ đông tại ĐHĐCĐ vừa diễn ra.
Lý giải cho việc này, ông Quang cho biết do những năm trước đây Ecuador và Ấn Độ còn kém xuất khẩu vào thị trường này, tuy nhiên sau đó các nước này bắt đầu xuất khẩu mạnh tay, hơn nữa còn bán bất chấp giá, Ecuador thậm chí còn lỗ. Minh Phú chủ trương sẽ bán vào thị trường Mỹ với 20% sản lượng. Đồng thời, chuyển hướng sang Trung Quốc, là đất nước có hơn 1 tỷ dân, sức tiêu thụ rất lớn, lại có biên giới với Việt Nam giúp tránh những rủi ro về vận chuyển đường dài trên biển. Do đó, Minh Phú định hướng để tăng bán hàng vào thị trường tiềm năng này lên 10%, sau đó là 20% và cao hơn trong tương lai.
"Thất thế" trước tôm Ấn Độ và Ecuador khi giá thành đang cao hơn 30%, thậm chí gấp đôi nước bạn
Mặt khác, đại diện "vua tôm" Minh Phú cũng bày tỏ Việt Nam đang "thất thế" với tôm Ấn và Tôm Ecuador trên trường xuất khẩu.
"Ngành tôm Việt Nam hiện khó cạnh tranh do tỷ lệ nuôi tôm thành công thấp, chỉ 40%; trong khi Ấn Độ là 70%, còn Ecuador lên đến 90%. Điều đó làm giá thành của Việt Nam cao hơn Ấn Độ 30% và gấp đôi Ecuador", ông Quang nói.
Những thử thách trên trường xuất khẩu ảnh hưởng đáng kể đến tình hình kinh doanh của Minh Phú. Năm 2023 Minh Phú lỗ sau thuế 105 tỷ, trong khi cùng kỳ lãi 839 tỷ đồng. Đây cũng là lần đầu sau 8 năm Công ty báo lỗ.
Tại Đại hội, nói về tình hình kinh doanh nửa đầu năm, ông Quang chia sẻ vẫn chưa khả quan, thực hiện còn cách xa kế hoạch. Tuy sản xuất tăng nhưng xuất khẩu đang kém, ảnh hưởng từ việc Mỹ áp thuế cao với Trung Quốc, khiến Trung Quốc "lấy" hết tàu, container về nước. Điều này được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt qua tháng 7, từ đó giúp cải thiện tình hình xuất khẩu của công ty.
Một điểm nữa làm kết quả kinh doanh chưa đạt như kỳ vọng là việc tuyển công nhân cho nhà máy gặp khó. Từ đầu tháng 3, ông Quang yêu cầu mỗi nhà máy đến tháng 7 phải tuyển dụng đủ 7.000 công nhân trở lên, nhưng hiện vẫn chưa đạt. Dù vậy, năng suất tính trên mỗi công nhân vẫn tăng nếu so với số người hiện tại.
15 năm trước mất thị phần do giá bán Minh Phú cao hơn 20-30% đối thủ nội địa
Những khó khăn về xuất khẩu đã được Minh Phú chia sẻ tại buổi ký kết chiến lược với Bách Hoá Xanh. Tại đây, ông Quang cũng nhấn mạnh chiến lược sẽ quay về thị trường nội địa.
Hiện, Minh Phú được biết đến là nhà nuôi trồng xuất khẩu tôm lớn của Việt Nam. Từ năm 2024, thông qua ký kết chiến lược lần này, Minh Phú cũng cho biết sắp tới sẽ khai thác mạnh trở lại thị trường nội địa, đưa tổng tỷ trọng/doanh thu từ mức 1% hiện tại phục hồi lên 5-10%.
Thực tế, cách đây hơn 15 năm, Chủ tịch nhấn mạnh Minh Phú bán thị trường nội địa mạnh. Vì hồi đó tiêu chuẩn kiểm tra chất lượng sản phẩm các nước còn dễ. Sau đó, khách hàng như Nhật, châu Âu, Mỹ siết lại tiêu chuẩn, ví dụ tiêu chuẩn kiềm kháng sinh là không được có kháng sinh trong sản phẩm tồn, bắt buộc Minh Phú phải siết lại, kiểm soát từ khâu thu mua giám sát thu hoạch và vận chuyển về nhà máy.
Hệ quả, giá thành đội cao lên.
Trong khi lúc đó ở Việt nam xảy ra tình trạng tôm nhiễm kháng sinh nhiều, có nhiều đối tượng gian dối còn làm tôm ngâm, tôm tiêm chích… khiến giá bán tôm Minh Phú bất giờ cao hơn 20-30% các đối thủ khác, dẫn đến thị phần Minh Phú giảm.
Minh Phú theo ông Quang tự tin quay về thị trường nội địa do đã nghiên cứu được công nghệ mới, nên có thể vừa đạt chất lượng và hạ giá thành phải chăng. Chưa kể, Minh Phú cũng có tham vọng là hạ giá tôm trong nước xuống.
Ông Quang cập nhật, hiện lượng tiêu thụ của Bách Hoá Xanh chưa mạnh, lượng bán không hết họ sẽ hủy. Minh Phú hợp tác với đơn vị này để mua lại lượng tôm này (cuối ngày bán không hết) để chế biến lại, vì công ty đã kiểm soát hết về chất lượng. Mặt khác, Minh Phú đang làm chương trình tiếp thị đến các nhà hàng, khách sạn để tăng sức mua trong thời gian tới.
Năm 2024, Minh Phú dự trình cổ đông thông qua kế hoạch doanh thu đạt 18.568,7 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 1.265,7 tỷ đồng - con số cao nhất lịch sử của doanh nghiệp này.
Nếu đạt được, Minh Phú dự chia cổ tức 2024 với tỷ lệ lên đến 50-70%. Ngoài ra, nếu HĐQT đạt kế hoạch đề ra, mức trích thưởng cho HĐQT, Ban Kiểm soát, Ban Điều hành và CBCNV là 8% lợi nhuận sau thuế. Nếu vượt kế hoạch, mức trích thưởng cho cho HĐQT, Ban Kiểm soát, Ban Điều hành và CBCNV là 15% phần lợi nhuận sau thuế vượt kế hoạch.
Tính đến hết tháng 5/2024, Minh Phú cho biết sản lượng hàng truyền thống chiếm 57,04% và hàng giá trị gia tăng chiếm 42,96% cơ cấu sản xuất. Công ty hướng đến hàng truyền thống 60% và còn lại 40% là hàng giá trị gia tăng.
Xem thêm tại cafef.vn