Vừa vào HĐQT Vinasun, 1 thành viên bán toàn bộ 14% vốn

Ông Lê Hải Đoàn, Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, HoSE: VNS) vừa đăng ký bán ra toàn bộ hơn 9 triệu cổ phiếu VNS trong thời gian từ ngày 7/5 đến ngày 3/6. Số cổ phần này tương đương với 13,65% vốn của hãng taxi này.

Tạm tính theo thị giá của VNS trên thị trường chứng khoán, vị doanh nhân này có thể thu về 97 tỷ đồng nếu bán hết số cổ phiếu này. Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức thoả thuận và khớp lệnh trên sàn. Theo ông Lê Hải Đoàn, mục đích thực hiện giao dịch nhằm tái cơ cấu danh mục.

Được biết, ông Đoàn mới đây đã được bầu vào HĐQT tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên diễn ra vào ngày 24/4 vừa qua. Ông trở thành cổ đông lớn của Vinasun trong tháng cuối năm 2024, sau khi nâng tỷ lệ sở hữu lên 6.01% vốn điều lệ (tương đương sở hữu hơn 4 triệu cp). Sau đó, trong tháng 1/2025, ông Đoàn mua thỏa thuận thêm 2 triệu cổ phiếu nữa từ Tael Two Partners Ltd – cổ đông vừa thoái toàn bộ vốn tại Vinasun sau hơn 10 năm gắn bó - qua đó nâng tỷ lệ lên 8.96%.

Ông Lê Hải Đoàn, thành viên HĐQT mới của Vinasun

Ngoài Vinasun, ông Đoàn hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hipt – doanh nghiệp đang nắm giữ 3,58% vốn của Vinasun. Mới đây, một công ty khác do ông Đoàn làm giám đốc và đại diện pháp luật – Công ty Cổ phần VBP, đã đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu VNS trong thời gian từ ngày 7/5 đến ngày 3/6.

Giao dịch được thực hiện theo phương thức thoả thuận và khớp lệnh, với mục đích đầu tư. Không ngoại trừ khả năng đây là giao dịch thoả thuận giữa ông Lê Hải Đoàn và công ty có liên quan.

Về diễn biến cổ phiếu VNS trên thị trường chứng khoán, nhiều cổ đông cho rằng thị giá của VNS đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm, và đề nghị ban lãnh đạo tính đến phương án mua lại cổ phiếu. Tuy nhiên, trả lời cho vấn đề này, lãnh đạo Vinasun cho biết lượng cổ phiếu VNS trôi nổi trên thị trường chỉ vào khoảng 2-3%, tức là phần lớn cổ phiếu đã nằm trong tay cổ đông lớn.

Trong khi việc mua cổ phiếu quỹ lại phụ thuộc vào dòng tiền. Do đó, trước hết, Vinasun cần đảm bảo cổ tức ổn định khoảng 10-15%/năm và duy trì đầu tư xe mới, bao gồm cả các chi phí như lệ phí trước bạ. Theo ban lãnh đạo hãng xe, sự thay đổi về đội xe sẽ giúp Vinasun tái định vị thương hiệu, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường.

Được biết, trong năm 2024, Vinasun đã tập trung vào việc đầu tư và chuyển đổi đội xe sang xe hybrid. Theo kế hoạch, trong năm 2024 và 2025, hãng sẽ đưa vào hoạt động tổng cộng 2.000 xe hybrid, bao gồm các mẫu Toyota Yaris Cross Hybrid, Corolla Altis Hybrid và Innova Cross Hybrid.​

Giới quan sát đánh giá đây là bước đi khác biệt của Vinasun trong cuộc đua xanh hoá, khi mà hàng loạt hãng xe taxi khác đang chuyển dần sang xe điện sau sự xuất hiện của Xanh SM. Tập đoàn Mai Linh vào cuối năm 2024 cũng đã ký kết hợp tác với Xanh SM, đầu tư gần 4.000 xe điện VinFast.

Năm 2025, Vinasun lên kế hoạch doanh thu hợp nhất gần 977 tỷ đồng, giảm khoảng 3% so với kết quả năm trước. Lợi nhuận sau thuế dự kiến còn gần 54 tỷ đồng, giảm hơn 36% so với năm 2024. Cổ tức năm 2025 dự kiến chia ở mức 10%, thấp hơn mức 15% của năm trước.

Ông Trần Anh Minh, Phó tổng giám đốc Vinasun cho biết: “Kinh doanh ngành nghề này là một cuộc chiến dài hạn. Grab suốt ngần ấy năm, họ vẫn chưa có lời, vẫn lỗ luỹ kế khoảng 3 ngàn tỷ đồng vào cuối năm 2024. Chúng ta đưa kế hoạch lãi vài chục tỷ, nhìn thì nhỏ bé, nhưng đây là môi trường có nhiều đối thủ cạnh tranh. Chúng ta có lãi và không phải từ dòng xe cũ. Sắp tới, sẽ là những chiếc xe mới của năm 2025, không đối thủ nào có. Mong cổ đông chia sẻ với tâm tư, nguyện vọng của ban lãnh đạo”.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn