Vướng mặt bằng, nhiều dự án ở Bình Định chấm dứt hoạt động
Chủ đầu tư không ứng tiền giải phóng mặt bằng
Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Phú Sơn Thuận được Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu vui chơi giải trí Đầm Thị Nại vào ngày 27/5/2022. Tổng vốn đầu tư của Dự án là 795,672 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 120 tỷ đồng, vốn huy động là hơn 675,6 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện Dự án là 36 tháng kể từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, cho thuê đất.
Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định thông tin, tính đến ngày 19/3/2024, tỉnh đã phê duyệt 3 phương án đối với 26 trường hợp với tổng giá trị bồi thường, hỗ trợ 60,7 tỷ đồng và tổng diện tích đất thu hồi 7,73 ha. Tỉnh đã làm việc nhiều lần, nhưng “nhà đầu tư vẫn chưa ứng tiền”.
Lý do được nhà đầu tư đưa ra là “UBND tỉnh chưa phê duyệt Quy hoạch tỷ lệ 1/500 của Dự án, nên không có cơ sở để ứng kinh phí chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng” (đến ngày 28/3/2024, UBND tỉnh Bình Định có quyết định phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu vui chơi giải trí đầm Thị Nại).
Tại Thông báo số 76 ngày 28/2/2024, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giao Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định làm việc với nhà đầu tư chuyển đủ số kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân trước ngày 10/3/2024.
“Trường hợp quá thời hạn nêu trên, nhà đầu tư chưa chuyển đủ số kinh phí để chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định chủ trì, đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành”, nội dung thông báo đề cập.
Liên quan đến chỉ đạo trên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư sáng 24/4/2024, ông Đặng Vĩnh Sơn, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định cho biết, chủ đầu tư vẫn “chưa thực hiện”. Ban Quản lý đang hoàn chỉnh thủ tục chấm dứt hoạt động dự án đầu tư này theo khoản 2, Điều 48, Luật Đầu tư.
Xin chấm dứt dự án vì vướng mặt bằng
Đầu tháng 4/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đồng ý chủ trương chấm dứt hoạt động Dự án Nhà máy sản xuất ván MDF, HDF và OKAL Bình Định của Công ty cổ phần Lâm nghiệp Kim Thành Lập. Về lý do chấm dứt, nhà đầu tư tự quyết định chấm dứt hoạt động của Dự án theo quy định.
Công ty cổ phần Lâm nghiệp Kim Thành Lập giải trình, trong quá trình chuẩn bị các thủ tục để đầu tư dự án đã gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, Cụm công nghiệp Giao Hội (nơi doanh nghiệp thực hiện dự án) chưa có quyết định thành lập, nên công tác giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng kỹ thuật chưa được thực hiện. Vị trí cụm công nghiệp này là vùng đồi núi, phải mất ít nhất 4 - 5 năm mới có thể xong san lấp mặt bằng, đồng nghĩa với việc Dự án cũng mất từng đó năm mới bắt đầu triển khai, “sẽ mất hoàn toàn cơ hội đầu tư”. Đồng thời, tiền giải phóng mặt bằng tại thị xã Hoài Nhơn quá cao so với mặt bằng chung của tỉnh.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, từ đầu năm đến ngày 6/4/2024, ngoài dự án trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đồng ý chủ trương chấm dứt hoạt động đối 5 dự án khác đều vì lý do “nhà đầu tư tự quyết định chấm dứt hoạt động của dự án theo quy định”. Trong đó có Dự án Trang trại chăn nuôi heo thịt công nghệ cao do Công ty TNHH Chăn nuôi New Hope Bình Định (100% vốn nước ngoài) làm chủ đầu tư.
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định thông tin, trong quý I/2024, công tác giải phóng mặt bằng tại một số địa phương Phù Mỹ, Vân Canh, Quy Nhơn... còn rất chậm. Điều này đã ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án Nhà máy May Vinatex Mỹ Chánh của Công ty cổ phần Vinatex Đà Nẵng; Nhà ở xã hội Nhơn Phú 2 của Công ty TNHH SOLRISE Nhơn Phú; Xưởng sản xuất bàn ghế nhựa giả mây của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Xuất nhập khẩu VIC; Khu kho bãi, dịch vụ, logistics (KB-DV 04) và (KBDV 05) của Công ty TNHH Nông Trại Xanh...
Xem thêm tại baodautu.vn