Vượt qua áp lực điều chỉnh

VN-Index: Lực cầu bắt đáy xuất hiện

Trong tuần giao dịch từ ngày 5 - 9/8/2024, VN-Index giảm 1%, đóng cửa tại 1.223,64 điểm. Đây là tuần giảm điểm do áp lực bán mạnh ngay từ đầu tuần, tiếp nối 2 phiên lao dốc cuối tuần trước, xuất phát từ tâm lý lo ngại rủi ro của nhà đầu tư khi tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động.

Xu hướng giảm đã chi phối thị trường từ giữa tháng 7, đẩy VN-Index xuyên thủng nhiều ngưỡng hỗ trợ quan trọng, bao gồm ngưỡng 1.250 điểm, khiến áp lực bán càng trở nên mạnh hơn.

Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy đã xuất hiện tại vùng hỗ trợ 1.180 - 1.200 điểm. Dòng tiền tập trung vào các mã cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc VN30, đặc biệt là các cổ phiếu đầu ngành có kết quả kinh doanh khả quan. Bên cạnh đó, dòng tiền ở các phiên cuối tuần chủ động luân chuyển sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ trong các ngành có câu chuyện đầu tư ngắn hạn hấp dẫn như đầu tư công, dệt may, bán lẻ và nhóm cổ phiếu thuộc Vingroup. Điều này giúp thị trường duy trì được sự ổn định và hạn chế đà giảm sâu hơn, riêng phiên cuối tuần tăng gần 1,3%.

Dù vậy, với xu hướng giảm vẫn đang chi phối, nhiều khả năng đây chỉ là nhịp hồi phục kỹ thuật từ các ngưỡng hỗ trợ mạnh. VN-Index cần thêm các phiên kiểm nghiệm để xác định rõ ràng các ngưỡng hỗ trợ và kháng cự. Do đó, chỉ số chung được kỳ vọng sẽ di chuyển trong vùng 1.180 - 1.250 điểm trong ngắn hạn.

Cảng biển: Kỳ vọng tích cực nhờ thương mại khả quan

Kinh tế thế giới đang gặp khó khăn, nhưng thương mại Việt Nam vẫn tăng trưởng với tốc độ khả quan. Sản xuất công nghiệp tháng 7/2024 tăng trưởng 11,2%. Xuất khẩu tháng 7 tăng 24,7% so với cùng kỳ năm ngoái, lũy kế thương mại thặng dư sau 7 tháng là 14,1 tỷ USD.

Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn với thế giới, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt 683 tỷ USD, vượt quy mô GDP. Để đạt được điều này, Chính phủ đã có nhiều chính sách nhằm thu hút vốn FDI và kích thích thương mại, thúc đẩy tăng trưởng thương mại và thực tế cho thấy các chính sách này phát huy hiệu quả trong giai đoạn vừa qua.

Tăng trưởng thương mại và sản xuất kéo theo lưu lượng hàng hóa tăng, đặc biệt là đường biển. Tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển trong 7 tháng đầu năm 2024 ước đạt 501,117 triệu tấn, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, hàng container thông qua cảng biển trong 7 tháng đầu năm nay ước đạt 16,902 triệu TEU, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cước vận chuyển tăng do sự thay đổi về lộ trình vận tải, kéo theo giá dịch vụ tại cảng có xu hướng tăng nhẹ.

Các doanh nghiệp vận hành dịch vụ cảng biển đang hưởng lợi từ lưu lượng hàng hóa tăng và giá dịch vụ tăng. Doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp cảng biển kỳ vọng sẽ tăng trưởng. Các doanh nghiệp sở hữu cảng biển nước sâu có triển vọng hơn khi có thể tiếp nhận tàu trọng tải lớn. Các doanh nghiệp cảng biển còn dư địa công suất, hoạt động chính ở khu vực Hải Phòng, TP.HCM và Vũng Tàu có tiềm năng tăng trưởng cao nhất. Nhìn chung, xu hướng tăng trưởng của các doanh nghiệp ngành cảng biển có thể được duy trì trong thời gian tới, theo đà phục hồi kinh tế.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn