Vượt qua nỗi sợ ‘Sell in May’, VN-Index hướng đến vùng 1.425 điểm?
Trong phiên ngày 22/5, thị trường chứng khoán đã gặp thất bại trong chặng đường chinh phục ngưỡng kháng cự 1.280 điểm. Dưới áp lực bán tăng cao đến từ các cổ phiếu VN30 khiến cho VN-Index giảm hơn 10 điểm về mức 1.266.
Trước đó, VN-Index đã lấy lại hơn 100 điểm sau nhịp điều chỉnh của thị trường ở giữa tháng 4. Tuy nhiên, tác động từ căng thẳng địa chính trị, tình hình kinh tế trên thế giới cùng với lời nguyền về hiệu ứng “Sell in May” cũng khiến nhà đầu tư dè chừng và thận trọng hơn trong quá trình đầu tư. Thanh khoản duy trì ở mức thấp trong 13 phiên sau nhịp điều chỉnh của thị trường là minh chứng cho điều đó.
Lý giải cụ thể cho những vấn đề trên, trong Talkshow Phố Tài Chính vừa diễn ra, ông Trần Thăng Long - Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) đã có những chia sẻ về góc nhìn của thị trường chứng khoán trong tháng 5 và các kịch bản xảy ra trong thời gian tới.
Nỗi sợ về lời nguyền “Sell in May”
“Sell in May” cũng là nỗi sợ của nhiều nhà đầu tư trong tháng 5, khi thời điểm này thị trường đang thiếu vắng các thông tin sau khi kết quả kinh doanh quý I và mùa đại hội cổ đông dần đi qua.
Theo chuyên gia BSC, từ năm 2020 trở lại đây, phần lớn tháng 5 hàng năm đều tăng trưởng khá tốt, trừ năm 2022 có giảm điểm mạnh. Diễn biến thị trường mỗi năm là khác nhau và còn phụ thuộc khá nhiều vào hoàn cảnh của thời gian đầu tư đó.
Ở thời điểm hiện tại, các yếu tố chính về mặt kinh tế vĩ mô vẫn đang tạo thuận lợi cho thị trường chứng khoán tiếp tục có những xu hướng phục hồi. Do đó, những lo ngại của nhà đầu tư về câu nói “Sell in May and go away” chỉ nên ở mức độ tham khảo.
Về việc nhiều nhà đầu tư lo ngại mức thanh khoản đang không đủ tốt và cao, chuyên gia BSC cho biết khi thị trường có sự điều chỉnh giảm và thanh khoản đi xuống cho thấy cả bên mua và bán đều đang tương đối thận trọng, giao dịch ở cả hai bên đều chậm lại. Điều này tạo điều kiện cho những yếu tố về mặt vĩ mô thay đổi để bắt kịp với thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, các yếu tố về bất ổn địa chính trị, những lo ngại về Fed cắt giảm lãi suất, biến động giá vàng... đã được phản ánh vào thị trường trong khoảng thời gian khá dài (đặc biệt trong đợt điều chỉnh nhanh và mạnh trong tháng 4). Do đó các nhân tố trên không còn bất ngờ với thị trường như cách đây 3, 4 tháng trước.
Ngoài ra, nhà đầu tư không nên quá quan tâm đến những yếu tố không thể kiểm soát, thay vào đó là tập trung nhiều hơn vào những yếu tố có thể kiểm soát được như danh mục đầu tư, tỷ trọng tiền mặt, tỷ trong vay nợ margin...
VN-Index lấy lại hơn 100 điểm sau nhịp điều chỉnh của thị trường giữa tháng 4 |
VN-Index hướng đến vùng 1.425 điểm?
Dựa trên các đánh giá về yếu tố vĩ mô cũng như diễn biến thị trường hiện tại, BSC đưa ra hai kịch bản thị trường cuối năm nay. Trong đó, chuyên gia nhận định VN-Index sẽ kết thúc năm đạt khoảng 1.300 điểm ở kịch bản cơ sở và khoảng 1.425 điểm ở kịch bản tích cực hơn.
BSC nhận định năm nay là một năm phục hồi với kết quả kinh doanh chung phản ánh vào lợi nhuận sau thuế cũng như tăng trưởng EPS của toàn thị trường sẽ rơi vào khoảng 15 – 17% so với năm ngoái.
"Với lợi nhuận sau thuế quý I của các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng khoảng 11,7 – 12,3% và định giá thị trường P/E đang ở mức 14,5 lần, mức tương đối thấp so với trung bình trong một giai đoạn dài 5 năm. Điều này dẫn tới kịch bản lạc quan VN-Index có thể tiến về vùng khoảng 1.425 điểm", chuyên gia đánh giá.
Về các nhóm ngành triển vọng sắp tới, ông Long cho biết trong điều kiện thị trường phục hồi, nhà đầu tư có thể xem xét những ngành được kỳ vọng có kết quả kinh doanh khả quan trong năm nay như ngân hàng, chứng khoán, công nghệ thông tin, ngành liên quan logistics, xuất khẩu (hoá chất, dệt may)...
Bên cạnh đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc những ngành đang hơi tụt lại phía sau, có mức định giá khá tốt so với mặt bằng chung của thị trường như bán lẻ.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn