Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Ngành cao su xanh hóa quy trình sản xuất công nghiệp (Bài 3)
Trong chiến lược tăng trưởng xanh của ngành cao su, xanh hóa quy trình sản xuất là một mục tiêu quan trọng. Ngành cao su đang điều chỉnh những quy hoạch ngành, nghề kinh doanh chính, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường.
Phát triển công nghiệp xanh
Theo quy hoạch phát triển, tỉnh Bình Dương định hướng di dời công nghiệp từ phía Nam lên phía Bắc. Nơi đây sẽ ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động.
KCN Tân Bình ở huyện Bắc Tân Uyên do Công ty CP KCN Tân Bình (do Công ty CP Cao su Phước Hòa góp 80% vốn cổ phần) làm chủ đầu tư cũng nằm trong định hướng thu hút làn sóng dịch chuyển này.
Hệ thống xử lý nước thải của KCN Tân Bình (Bình Dương). Ảnh: Nguyên Vỹ
Hiện tại, tổng diện tích đất KCN Tân Bình đã cho thuê từ đầu dự án hơn 222,3ha; chiếm gần 91% diện tích đất thương phẩm. KCN Tân Bình đã thực hiện bổ sung tiếp quy hoạch giai đoạn 2 với diện tích 997ha.
Song song với quá trình thu hút đầu tư và xây dựng hạ tầng, KCN Tân Bình cũng chú trọng đến bảo vệ môi trường, phấn đấu trở thành KCN xanh với những dự án phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Quốc Thái - Phó Tổng giám đốc Công ty CP KCN Tân Bình cho biết, các dự án thu hút đầu tư có mức độ ô nhiễm thấp, tỷ lệ tái sử dụng chất thải công nghiệp cao, ít xả thải ra môi trường. KCN phân bố cây xanh đạt tỷ lệ tiêu chuẩn, hạn chế thấp nhất mức độ ảnh hưởng đến khu vực dân cư lân cận.
Đặc biệt, nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCN được vận hành 24/24h, đạt tiêu chuẩn xả thải trước khi xả ra môi trường. Hệ thống xử lý được trang bị camera giám sát và quan trắc nước thải đầu ra tự động. Tất cả các thông số như lưu lượng, TSS, pH, COD, độ màu... đều được truyền dữ liệu cập nhật liên tục về Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương.
Nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường. Ảnh: Nguyên Vỹ
Nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường chính là một trong các tiêu chí quan trọng để KCN Tân Bình đạt chứng nhận doanh nghiệp bền vững.
"Điều này đồng nghĩa các doanh nghiệp đang hoạt động trong KCN cũng được ưu tiên trong lựa chọn của các nhà mua hàng khi xuất khẩu hàng hóa", ông Thái nói.
Tại Bình Phước, Công ty CP cao su kỹ thuật Đồng Phú là đơn vị đầu tiên và duy nhất trong Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) sản xuất foam, nệm, gối từ 100% cao su thiên nhiên.
Sản xuất đệm cao su thiên nhiên ở Công ty CP cao su kỹ thuật Đồng Phú. Ảnh: Nguyên Vỹ
Ông Đàm Duy Thảo - Tổng Giám đốc Công ty cho biết, sản phẩm 100% cao su thiên nhiên nên thân thiện với môi trường, có thể tái chế và dễ dàng phân hủy khi thải ra môi trường. Đây là lợi thế lớn khi chào hàng sang những thị trường khó tính như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.
Toàn bộ mái nhà của nhà máy cũng được lắp hệ thống điện mặt trời, giúp tiết kiệm được 60% chi phí tiền điện cho sản xuất. Nhà máy hiện đã thu hồi được 100% phụ phẩm sau sản xuất để cung cấp cho nhưng đơn vị có yêu cầu chất lượng nguyên liệu thấp hơn nệm như: lốp xe, tấm lót thú cưng… giảm lượng rác thải ra môi trường.
Sản phẩm đệm 100% cao su thiên nhiên có thể tái chế và dễ dàng phân hủy khi thải ra môi trường. Ảnh: Nguyên Vỹ
Xanh hóa quy trình sản xuất công nghiệp
Ông Nguyễn Hồng Thái - Tổng Giám đốc Cao su Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh) cho biết, ngoài việc tái sử dụng nước thải tại các nhà máy chế biến mủ cao su, nhiều loại chất thải khác cũng đang được tái chế để sử dụng có hiệu quả.
Ví dụ, bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải được thu gom và lưu trữ tạm thời tại khu vực ép bùn. Sau đó, bùn được vận chuyển đến các nông trường để bón phân cho vườn cây cao su.
Ông Nguyễn Văn Tược - Tổng giám đốc Công ty CP cao su Phước Hòa (tỉnh Bình Dương) thì kể, tại các nhà máy chế biến, công ty đầu tư công nghệ để 70% lượng nước quay lại sản xuất, giảm khai thác nước ngầm.
Đặc biệt, từ năm 2013, các nhà máy đã chuyển đổi cung cấp nhiệt lò xông từ nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu sinh khối bằng các phế phẩm nông nghiệp. Việc này giúp giảm 30% chi phí nhiên liệu và làm tăng chất lượng cao su chế biến khi sản phẩm không bị ám khói, dầu.
Chế biến cao su nguyên liệu thành phẩm để xuất khẩu tại Công ty CP cao su Phước Hòa (tỉnh Bình Dương). Ảnh: Nguyên Vỹ
Theo ông Trương Minh Trung – Phó Tổng giám đốc, Phó Ban thường trực Ban Chỉ đạo Phát triển bền vững VRG, hiện nay, nhiều đơn vị thành viên Tập đoàn đẩy mạnh thực hiện quản lý rừng bền vững và quản lý chuỗi hành trình sản phẩm nhằm xanh hóa toàn bộ chuỗi cung ứng.
Đây là việc cần thiết để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, nhất là của các nhà sản xuất lốp xe, chế biến gỗ, sản phẩm công nghiệp cao su; cũng như đáp ứng chính sách thu mua cao su thiên nhiên từ các công ty cam kết đảm bảo tính bền vững.
Tập đoàn đã đặt ra mục tiêu đến năm 2050 có 100% diện tích cao su và rừng trồng sản xuất đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững quốc gia và quốc tế; và 100% nhà máy sản xuất (mủ, gỗ, sản phẩm công nghiệp cao su…) có chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm.
Tính đến cuối năm 2023, Tập đoàn có 32 công ty thành viên đã xây dựng phương án Quản lý rừng bền vững, đạt 279.304ha; 18 công ty thành viên được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo VFCS/PEFC, với khoảng 118.337ha. VRG có 38 nhà máy (chế biến cao su thiên nhiên, chế biến gỗ và sản phẩm công nghiệp cao su) đạt chuỗi hành trình sản phẩm PEFC-CoC.
Năm nay, Tập đoàn tiêu thụ 76.312 tấn mủ cao su có chứng chỉ (tăng 158% so với năm trước); và có 2.444ha cao su thanh lý được cấp chứng chỉ cho khách hàng (tăng 700% so với năm 2022 là 347ha).
Việc phát triển KCN xanh chưa đạt tiến độ đề ra do điện tích cho thuê đất KCN không đạt. Ảnh: T.L
Trong năm 2023, Tập đoàn có 18 công ty thành viên đạt Top 100 Doanh nghiệp bền vững. Tuy nhiên, việc phát triển KCN xanh chưa đạt tiến độ đề ra do điện tích cho thuê đất KCN không đạt. Nguyên nhân do các dự án đầu tư mở mới, mở rộng bị chậm tiến độ, nhiều KCN không có quỹ đất cho thuê. Năm nay, các KCN thuộc Tập đoàn chỉ cho thuê được 52ha; bằng 52,4% kế hoạch năm. Nguồn thu KCN chủ yếu đến từ thu phí dịch vụ, lãi tiền gửi, phân bổ doanh thu dài hạn.
"Nhiệm vụ trọng tâm của Hiệp hội Cao su Việt Nam trong giai đoạn tới là tiếp tục hỗ trợ hội viên, thúc đẩy sự phát triển bền vững của toàn ngành cao su Việt Nam trong bối cảnh thị trường còn khó khăn kéo dài"
Ông Võ Hoàng An - Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam
Ông Võ Hoàng An - Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, sự cạnh tranh giữa các nước sản xuất và xuất khẩu cao su thiên nhiên sẽ trở nên gay gắt hơn về giá thành, chất lượng sản phẩm. Uy tín thương mại và khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn về bền vững ngày càng khắt khe.
Chủ trương của Chính phủ không mở rộng diện tích cao su. Vì thế, việc tăng năng suất thông qua việc gia tăng diện tích vườn cây được cấp chứng chỉ bền vững, gia tăng doanh nghiệp đạt chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm, làm tăng khả năng truy xuất nguồn gốc và minh bạch... là những yếu tố giúp ngành cao su Việt Nam gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
https://danviet.vn/nganh-cao-su-xanh-hoa-quy-trinh-san-xuat-cong-nghiep-bai-3-20231225104025849.htm
Xem thêm tại vnrubbergroup.com