Xây dựng Hòa Bình chậm đóng BHXH hơn 38 tỷ đồng

Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh vừa qua đã công bố danh sách các đơn vị chậm đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) từ 3 tháng (số liệu chậm đóng tính đến hết ngày 31/01/2024, cập nhật UNC đến hết ngày 20/02/2024).

Trong đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC, sàn HoSE) cũng góp mặt với 10 tháng chậm đóng BHXH, tương đương hơn 38,4 tỷ đồng. Điều này tức là HBC chưa thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động từ tháng 4/2023 đến nay. Với số tiền này, HBC là một trong những doanh nghiệp nợ bảo hiểm nhiều nhất danh sách này.

Xây dựng Hòa Bình chậm đóng BHXH hơn 38 tỷ đồng- Ảnh 1.

HBC kinh doanh thua lỗ và nợ BHXH hàng chục tỷ đồng

Trước đó, theo danh sách đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội từ 3 tháng trở lên (số liệu tính đến hết 31/12/2023), HBC dẫn đầu trong tổng số 15.289 doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm trên địa bàn TP.HCM với 9 tháng, tương ứng số tiền 39,34 tỷ đồng.

Được biết, BHXH Việt Nam đang phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH và các bộ ngành để sửa đổi, đưa ra chế tài đảm bảo nghiêm khắc hơn.

Đối với trường hợp chậm đóng BHXH, hiện nay chỉ xử phạt hành chính nhưng tới đây sẽ có chế tài nặng hơn như cấm xuất cảnh, phạt tăng nặng như ngành thuế.

Trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH, đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp, chế tài xử lý tình trạng trốn đóng BHXH.

Cụ thể, quy định người sử dụng lao động nợ BHXH phải nộp 0,03% số tiền trốn đóng/ngày (như lĩnh vực thuế); quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên.

Đồng thời, quyết định hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên; cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố đối với trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự…

Không chỉ nợ bảo hiểm của người lao động, Xây dựng Hòa Bình vừa có năm thứ hai liên tiếp kinh doanh thua lỗ. Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023, HBC đạt doanh thu 2.190 tỷ đồng, giảm 32% so với quý IV/2022. Do giá vốn giảm mạnh giúp công ty lãi gộp 53 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 426 tỷ đồng.

Đáng chú ý, HBC được hoàn nhập 223 tỷ đồng phí quản lý doanh nghiệp. HBC cho biết, đây là khoản hoàn nhập trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi ở mức 310 tỷ đồng.

Kết quả, Xây dựng Hòa Bình báo lãi ròng quý IV/2023 đạt 101 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 1.200 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên HBC có lãi trở lại sau 4 quý lỗ liên tiếp.

Lũy kế năm 2023, HBC ghi nhận doanh thu 7.546 tỷ đồng, giảm 47% so với năm 2022. Dù có lãi trở lại trong quý IV/2023 nhưng cả năm HBC vẫn lỗ ròng 777 tỷ đồng. Đây là năm thứ hai liên tiếp HBC lỗ ròng cả năm nhưng con số này đã cải thiện đáng kể so với khoản lỗ gần 2.600 tỷ đồng của năm 2022.

Với việc tiếp tục thua lỗ trong năm 2023, HBC đã nâng lỗ luỹ kế lên 2.878 tỷ đồng (bằng 105% vốn điều lệ). Vốn chủ sở hữu của HBC chỉ còn 453 tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của Xây dựng Hòa Bình ở mức 13.055 tỷ đồng, giảm 16% so với số đầu năm. Trong đó, chiếm 65% tổng tài sản là các khoản phải thu ngắn hạn đạt 8.492 tỷ đồng, giảm 20%.

Về cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ phải trả của HBC ở mức hơn 12.600 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn giảm hơn 1.400 tỷ đồng so với đầu năm về 4.718 tỷ đồng gồm 684 tỷ đồng dư nợ trái phiếu, còn lại là vay ngân hàng và tổ chức khác.

Trong một diễn biến khác, HBC vừa qua còn bị HoSE lưu ý về khả năng hủy niêm yết. Cụ thể, cổ phiếu HBC đang trong diện bị kiểm soát của HoSE với lý do Công ty chậm nộp BCTC kiểm toán năm trong 2 năm liên tiếp.

Theo quy định, nếu chậm nộp liên tiếp 3 năm, cổ phiếu của công ty đại chúng sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc. Do đó, HoSE lưu ý cổ phiếu HBC có thể sẽ bị hủy niêm yết nếu Công ty tiếp tục chậm nộp BCTC kiểm toán 2023.

Xem thêm tại cafef.vn