Xây dựng Hòa Bình: Từ cảnh Chủ tịch phải bán nhà nuôi công ty, trở thành nhà thầu đầu tiên lên sàn chứng khoán, đến "tin dữ" bị hủy niêm yết
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa thông báo về việc huỷ niêm yết bắt buộc với cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) sau khi nhận được báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán riêng lẻ và hợp nhất năm 2023 của công ty.
Theo BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2023, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến 31/12/2023 của Xây dựng Hòa Bình âm 3.240 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp của công ty là 2.741 tỷ đồng. Như vậy, theo quy định, cổ phiếu HBC rơi vào trường hợp huỷ niêm yết bắt buộc và HoSE cho biết sẽ thực hiện huỷ niêm yết với cổ phiếu này.
Từ văn phòng 5 kỹ sư, 20 thợ đến nhà thầu xây dựng đầu tiên lên sàn chứng khoán
"Bắt đầu từ một doanh nghiệp lạc hậu, quản lý công trình kém, để trở thành công ty xây dựng chất lượng quốc tế, bảo đảm vệ sinh môi trường là cả một chặng đường gian nan gần 30 năm", ông Lê Viết Hải – Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình chia sẻ hồi tháng 9/2016.
Năm 1987, Văn phòng xây dựng Hoà Bình được sáng lập và điều hành bởi ông Lê Viết Hải – một người Thừa Thiên - Huế tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TP.HCM. Với vỏn vẹn 5 kỹ sư và 20 người thợ, công ty chủ yếu nhận thiết kế và thi công công trình nhà ở tư nhân.
Từ doanh thu 1,2 tỷ đồng trong năm đầu tiên, sau 10 năm, Xây dựng Hòa Bình đã đạt đến con số 30 tỷ đồng nhờ tinh thần không ngại khó khăn, học hỏi từ các nhà thầu nước ngoài.
"Năm 1995, khi tôi làm Legend Hotel, nhà thầu Nhật đặt ra yêu cầu rất khắt khe. Họ nghiệm thu tường chỉ cho tô trát hồ 0,5 ly, rồi độ nghiêng, độ thẳng, độ che đều quy định rất khó. Nhiều nhà thầu phụ phải bỏ đi vì không đáp ứng được, tôi quyết định vẫn làm, có khó mình mới tiến bộ. Nhiều kỹ thuật bây giờ thấy bình thường, nhưng thời điểm đó công nhân mình chưa quen", ông Lê Viết Hải kể lại.
Đến giai đoạn 1997-2000, Hòa Bình làm nhà thầu phụ cho nhiều dự án ở Phú Mỹ Hưng. Từ năm 2004, họ chuyển sang làm dự án quy mô nhỏ cho nhà cao tầng, vừa xây dựng dưới hầm, vừa kết cấu phần thân.
Theo ông Hải, 10 năm đầu tiên của Hòa Bình là quá trình học hỏi những kỹ thuật thi công phức tạp. 10 năm sau là nâng chất lượng đạt chuẩn mực quốc tế, dần thay thế các nhà thầu nước ngoài ở quy mô vừa. Tiếp đó, Hòa Bình trở thành chủ thầu những công trình quy mô lớn, thay thế các nhà thầu nước ngoài.
Từ một nhà thầu phụ, Hòa Bình đã trở thành nhà thầu chính, thực hiện thi công toàn diện từ phần thô lẫn hoàn thiện nội thất, cơ điện… và trở thành nhà thầu toàn diện đầu tiên tại Việt Nam bước lên sàn chứng khoán vào cuối năm 2006. Vốn điều lệ của công ty khi đó khoảng 54 tỷ đồng.
Những năm tháng thăng trầm
Khi được hỏi về thử thách lớn nhất từng trải qua, Chủ tịch Lê Viết Hải cho biết hồi năm 1999, văn phòng công ty đang thuê bị lấy lại, không xoay được vốn. Ông quyết định bán nhà của cha mẹ để mua tòa nhà làm văn phòng mới ở TP.HCM, cả gia đình ở trên tầng áp mái.
Tới năm 2008, khủng hoảng kinh tế ập đến, ông buộc phải bán dự án Hòa Bình Tower đầy tâm huyết và chịu lỗ gần một nửa, sau khi đầu tư 12,8 triệu USD cộng với tiền giải tỏa mặt bằng, giấy tờ sử dụng đất…
Quyết định đưa Xây dựng Hòa Bình lên sàn chứng khoán của ông Hải được cho là bước đi đúng đắn giúp nâng cao nguồn lực tài chính, mở rộng phát triển. Tuy nhiên, giá cổ phiếu cũng gặp nhiều khó khăn. HBC năm 2011 rớt giá từ 31.000 đồng/cp xuống còn 18.700 đồng. Ông Hải phải viết tâm thư gửi cán bộ công nhân viên dùng tiền nhàn rỗi để mua cổ phiếu HBC, hạn chế để HBC bị bên ngoài thâu tóm.
Sau những khó khăn, Xây dựng Hòa Bình dần ổn định đà tăng trưởng, với lợi nhuận sau thuế năm 2016 tăng vọt lên 567 tỷ đồng so với mức 83 tỷ đồng năm trước đó. Sang năm 2017, con số này lên mức kỷ lục là 859 tỷ đồng, doanh thu thuần 16.034 tỷ đồng.
Tới thời điểm tháng 11/2021, sau rất nhiều năm bị tụt lại so với đối thủ Coteccons, Xây dựng Hòa Bình đã trở thành nhà thầu lớn nhất Việt Nam với giá trị vốn hóa khi đó là hơn 5.700 tỷ đồng. Trước đó, Hòa Bình đã vượt qua Coteccons về cả doanh thu và lợi nhuận.
Cuộc nội chiến trong HĐQT và kết quả kinh doanh ảm đạm
Ngày đầu tiên của năm 2023, Xây dựng Hòa Bình trở thành cái tên thu hút đông đảo chú ý do cuộc tranh chấp ở "thượng tầng".
"Khi ấy, tôi vốn đã định lui về phía sau nhưng phải quay trở lại vị trí Chủ tịch HĐQT để chèo lái con thuyền Hòa Bình", ông Lê Viết Hải viết trong thông điệp gửi các cổ đông hồi tháng 4/2024.
Sự việc bắt đầu kể từ khi ông Lê Viết Hải nộp đơn từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT và rút khỏi HĐQT, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2023. Chủ tịch mới dự kiến là ông Nguyễn Công Phú. Tuy nhiên, trước khi quyết định này có hiệu lực, Xây dựng Hòa Bình bất ngờ tuyên bố hoãn thi hành các quyết định thay đổi nhân sự, bao gồm 2 quyết định miễn nhiệm ông Lê Viết Hải và bổ nhiệm ông Nguyễn Công Phú.
Nội bộ ban lãnh đạo Xây dựng Hòa Bình sau đó liên tục đưa ra các thông tin trái chiều. Ông Nguyễn Công Phú tuyên bố sẽ khởi kiện nếu ông Lê Viết Hải không chịu lùi. Đáp lại, ông Hải cảnh báo sẽ gửi đơn tố giác đến cơ quan điều tra, đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự của ông Phú vì cung cấp ra công chúng các thông tin nội bộ và có tính bảo mật của Tập đoàn.
Cuối cùng, vào tháng 2/2023, ông Nguyễn Công Phú rút khỏi HĐQT. Ông Lê Viết Hải tiếp tục đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT và Người đại diện theo pháp luật của HBC.
Song song với "cuộc nội chiến" là kết quả kinh doanh ảm đạm của Xây dựng Hòa Bình, trong bối cảnh ngành bất động sản "đóng băng" và thị trường xây dựng ngày càng cạnh tranh. Năm 2022, công ty ghi nhận khoản lỗ kỷ lục tới 2.594 tỷ đồng sau kiểm toán, vốn chủ sở hữu giảm 70,5% so với năm 2021 xuống còn 1.196 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán 2023, Xây dựng Hòa Bình đạt doanh thu hơn 7.531 tỷ đồng, chỉ tương ứng 60% kế hoạch. Đây là năm thứ hai công ty báo lỗ và lỗ tới hơn 1.115 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu chỉ còn hơn 93 tỷ đồng, giảm 92% so với năm 2022.
"Sự cạnh tranh trên thị trường trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Nhiều nhà thầu đã bỏ giá thấp hơn vốn lên đến vài chục phần trăm. Đồng thời, không ít nhà thầu lớn đã sử dụng những chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh để giành được công trình", Chủ tịch Lê Viết Hải giải thích.
Ông cũng đính chính rằng theo báo cáo do khối Tài chính kế toán của công ty lập, vốn chủ sở hữu của Hoà Bình là 5.539 tỷ đồng, cao hơn gần 60 lần so với kết quả kiểm toán. Nguyên nhân dẫn đến chênh lệch giữa hai báo cáo là sự khác nhau về cách định giá bất động sản, cách tính khấu hao, các khoản phải trích lập dự phòng, các khoản phải thu.
Tới quý 2 năm nay, Xây dựng Hòa Bình đón tin vui khi doanh thu thuần đạt gần 2.160 tỷ đồng. Nhờ khoản hoàn nhập dự phòng hơn 220 tỷ đồng và khoản lợi nhuận khác tăng đột biến 515 tỷ đồng, công ty báo lãi sau thuế 684 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt hơn 682 tỷ đồng, cao kỷ lục.
Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, tin dữ ập đến khi HoSE thông báo hủy niêm yết bắt buộc với HBC. Chia sẻ với truyền thông, Chủ tịch Lê Viết Hải cho biết trước mắt sẽ tiến hành các thủ tục để đưa HBC giao dịch trên UPCoM.
Ông cũng nói rằng căn cứ để HoSE quyết định huỷ niêm yết cổ phiếu HBC là "lỗ luỹ kế vượt quá vốn điều lệ thực góp" đã được Xây dựng Hòa Bình khắc phục trong BCTC hợp nhất bán niên năm 2024.
Trong trường hợp bị buộc phải niêm yết cổ phiếu HBC trên sàn UPCoM, ông Hải khẳng định Xây dựng Hoà Bình có kế hoạch đưa HBC quay lại sàn HoSE ngay khi đủ điều kiện, không để cổ đông bị ảnh hưởng.
Minh Anh
Xem thêm tại cafef.vn