Ngày 8/8, Liên đoàn Thương mại và Công Nghiệp Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Bia- Rượu- Nước giải khát Việt Nam tổ chức Hội thảo “Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và ngành đồ uống".
Trước đó, Bộ Tài chính đã có
Tờ trình Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Theo Bộ Tài chính, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2014 tuy đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng còn một số hạn chế. Ví như, đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) còn nhỏ hẹp. Một số quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, mô tả mặt hàng tại biểu thuế chưa thực sự rõ ràng; Thuế TTĐB với mặt hàng thuốc lá, rượu bia, ô tô còn thấp…
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia- Rượu- Nước giải khát Việt Nam cho biết, dư luận hiện đang rất quan tâm tới đề xuất tăng thuế TTĐB cao theo 2 phương án mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đối với mặt hàng rượu, bia và việc mở rộng việc áp thuế với mặt hàng nước giải khát có đường.
Các đề xuất này không những sẽ có tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp ngành hàng sản xuất, kinh doanh rượu, bia, nước giải khát mà còn tác động tới chuỗi ngành hàng liên quan, tới lao động, an sinh xã hội.
Ông Việt cho rằng, trước những đề xuất tăng thuế cao, cũng như bổ sung mặt hàng mới vào đối tượng chịu thuế TTĐB cần được xem xét cẩn trọng, đánh giá thật kỹ lưỡng toàn diện trong điều kiện ở Việt Nam. Đồng thời, tham vấn các ý kiến chuyên gia, nhà khoa học để có chính sách đảm bảo hài hòa các lợi ích nhất.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính- Tiền tệ Quốc gia cho rằng, những mặt hàng đưa vào đối tượng chịu thuế tại Dự thảo luật cần làm rõ cơ sở khoa học, thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế và đặc thù Việt Nam. Đồng thời, tính toán mức thuế, thời điểm và lộ trình tăng thuế phù hợp, khả thi. Ngoài ra, nên áp thuế suất theo nồng độ cồn, hàm lượng đường chứ không nên cào bằng. Đặc biệt, cần đồng bộ nhiều chính sách giải pháp như bảo vệ các sản phẩm chính ngạch, chống buôn lậu, trốn thuế, hàng nhái, hàng giả, nâng cao năng lực của cơ quan quản lý thuế, chính quyền địa phương.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Thuế đồng ý với quan điểm tăng thuế TTĐB đối với sản phẩm đồ uống có cồn, rượu bia. Tuy nhiên, việc tăng thuế không quá đột ngột và có lộ trình. Đồng thời, cần tiến hành đồng bộ cùng với Nghị định 100 và biện pháp quyết liệt chống hàng nhập lậu.
Tại hội thảo, đại diện Tổng Công ty cổ phần Bia- Rượu- Nước giải khát Sài Gòn cho biết, Công ty có 9.000 lao động với 26 nhà máy trên toàn quốc. Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, việc tăng thuế sẽ ảnh hưởng đến công ty và đội ngũ người lao động.
Trong khi đó, Trần Ngọc Ánh, Giám đốc Ngoại vụ cấp cao của Công ty TNHH Nhà Máy Bia HEINEKEN Việt Nam đề xuất giãn thời gian tăng thuế 3 năm sau khi luật có hiệu lực. Đồng thời, mỗi năm thuế TTĐB tăng khoảng 3% thay vì 5% như dự luật đề xuất.
Điều 8 Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi):
Rượu từ 20 độ trở lên:
- Phương án 1: Năm 2026 điều chỉnh thuế suất từ 65% lên 70%. Mỗi năm tăng thêm 5%, đến năm 2030 là 90%.
- Phương án 2: Năm 2026 điều chỉnh thuế suất lên 80% (tăng 15% so với hiện hành). Mỗi năm tăng thêm 5%, đến năm 2030 là 100%.
Rượu dưới 20 độ:
Phương án 1: năm 2026 điều chỉnh thuế suất lên 40% (tăng 5% so với hiện hành). Mỗi năm tăng thêm 5%, đến năm 2030 là 60%.
Phương án 2: Năm 2026 điều chỉnh thuế suất lên 50% (tăng 15% so với hiện hành). Mỗi năm tăng thêm 5%, đến năm 2030 là 70%.
Đối với sản phẩm bia:
Phương án 1: Năm 2026 điều chỉnh thuế suất lên 70% (tăng 5% so với hiện hành hành). Mỗi năm tăng 5%, đến năm 2030 là 90%.
Phương án 2:
Năm 2026 điều chỉnh thuế suất lên 80% (tăng 5% so với hiện hành hành). Mỗi năm tăng 5%, đến năm 2030 là 100%.