Xếp hạng tự doanh cổ phiếu các CTCK thay đổi ra sao trong quý cuối năm?
Hoạt động tự doanh của ngành chứng khoán có xu hướng mở rộng trong năm 2023. Giá trị đầu tư 71 công ty chứng khoán tại cuối năm đạt gần 9 tỷ USD , tăng khoảng 9% so với cuối III.
Xét về mặt hiệu quả, việc nắm giữ trái phiếu hay chứng chỉ tiền gửi không đem lại sự biến động đáng kể về con số lãi hay lỗ, do đây là các tài sản ít hoặc hầu như không biến động. Trong khi đó, lượng cổ phiếu chỉ chiếm tỷ trọng thấp, song lại đem về cơ hội kiếm lợi nhuận từ chênh lệch giá trong một năm tăng trưởng của thị trường chứng khoán (VN-Index tăng 12%).
Xét 10 CTCK sở hữu tự doanh lớn nhất tại cuối năm 2023, khoản cổ phiếu/chứng chỉ quỹ chỉ chiếm chưa đến 15%, thấp hơn so với trái phiếu (33%) và tiền gửi/chứng chỉ tiền gửi (52%).
Nhóm 10 đơn vị đầu tư cổ phiếu/chứng chỉ quỹ lớn nhất, tổng giá trị đạt gần 26.800 tỷ đồng, tăng 12% so với cuối quý III, tương đương hơn 2.900 tỷ đồng. Sự phân hóa xảy ra khi có 6 đơn vị gia tăng giá trị danh mục gồm VIX, SHS, VNDirect, VPBankS, TVS, VietinBank Securities, ngược lại 4 đơn vị thu hẹp gồm Vietcap, SSI, ACBS và TVS.
Theo số tuyệt đối, rót tiền vào cổ phiếu nhiều nhất là các đơn vị quen thuộc Chứng khoán Vietcap, VIX, SHS, VNDirect, SSI, TVS, TCBS, HSC... Danh mục các CTCK như SSI, ACBS, HSC bao gồm cả tài sản đảm bảo khi phát hành chứng quyền.
Dẫn đầu về hoạt động tự doanh cổ phiếu vẫn là Chứng khoán Vietcap (Mã: VCI). Cổ phiếu chiếm 95% danh mục tự doanh của đơn vị này, mở rộng hơn so với 86% tại cuối quý III. Tuy nhiên, giá trị tuyệt đối đầu tư cổ phiếu đã giảm 7%, về khoảng 6.700 tỷ đồng. Tỷ trọng gia tăng đến từ việc công ty giảm lượng tiền gửi/chứng chỉ tiền gửi và bán hết trái phiếu.
Các khoản đầu tư lớn nhất của Vietcap kể đến như KDH, PNJ, IDP, MSN, MBB, STB, NAP01 trong tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS). Danh mục cổ phiếu trong AFS đang ước lãi khoảng 1.900 tỷ đồng so với giá gốc, chủ yếu nhờ khoản đầu tư chiến lược IDP (ước lãi 1.725 tỷ đồng), cùng với KDH, PNJ, MBB, NAP01, ngược lại tạm thời lỗ tại MSN, STB.
Sau 1 quý, Chứng khoán VIX (Mã: VIX) đã lấy lại vị trí thứ hai về tự doanh cổ phiếu. Trong quý IV, giá trị đầu tư tăng 45%, tương đương hơn 1.300 tỷ đồng, đạt hơn 4.400 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn phát sinh khoản ủy thác đầu tư trị giá 657 tỷ đồng, song không thuyết minh chi tiết.
Chứng khoán SHS (Mã: SHS) giữ vị trí thứ ba với khoảng 4.000 tỷ đồng rót vào cổ phiếu, tăng 22% so với thời điểm cuối quý III. Cơ cấu gần như không đổi với các mã chủ lực là EIB, MWG, FRT tại tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) và SHB, TCD trong AFS. Đa số các khoản đầu tư đều tạm lãi so với giá gốc, trừ TCD lỗ 61%.
Chứng khoán VPBank (VPBankS) vừa tham gia nhóm nghìn tỷ, sau khi giá trị đầu tư gấp đôi trong quý IV, đạt trên 1.500 tỷ đồng cuối kỳ, xếp thứ 6 toàn ngành.
Thu lãi từ hoạt động bán danh mục cổ phiếu
Mặt khác, nhiều đơn vị đã thực hiện hóa hiệu quả đầu tư bằng việc bán một phần danh mục trong quý IV.
Đơn cử, báo cáo tài chính quý IV cho thấy VIX đã bán lượng cổ phiếu trị giá 804 tỷ đồng thu về lãi ròng (khoản lãi bán trừ đi khoản lỗ bán) 26 tỷ đồng. Cả năm, đơn vị thu lãi ròng từ hoạt động này số tiền 246 tỷ đồng.
VietinBank Securities thu lãi ròng 57 tỷ đồng trong quý cuối năm từ bán cổ phiếu. Giá trị giao dịch trong kỳ đạt hơn 500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, không phải CTCK nào cũng có lãi khi xuất hiện những trường hợp bán lỗ, kể đến như SSI (50 tỷ đồng) hay TPS (23 tỷ đồng).
Thị trường chứng khoán diễn biến khởi sắc trong tháng 1 kéo dài qua đầu tháng 2, VN-Index tăng 6% (từ 1/1 đến đến 7/2), với sự dân dắt của cổ phiếu ngân hàng và một số bluechip. Nếu xu hướng này tiếp tục duy trì, danh mục cổ phiếu kỳ vọng sẽ đem về những con số lợi nhuận đáng kể cho các CTCK.
Xem thêm tại vietnambiz.vn