Xét xử cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết: Viện kiểm sát đề nghị 'quay lại phần xét hỏi' trước khi luận tội

Sẽ bán tài sản

Sáng 25/7, theo dự kiến, đại diện Viện KSND TP Hà Nội sẽ nêu quan điểm luận tội 50 bị cáo trong vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Tập đoàn FLC .

Tuy nhiên, ngay đầu phiên, Viện kiểm sát đề nghị HĐXX cho quay lại phần xét hỏi để làm rõ thêm một số tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo trước khi luận tội.

Theo đó, Viện kiểm sát hỏi bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC ): “Đến hôm nay bị cáo đã nộp khắc phục được bao nhiêu tiền?” Nội dung này, ông Quyết cho hay "đã nộp khoảng 240 tỷ đồng".

“Vậy phương hướng tiếp theo sẽ khắc phục như thế nào?”, đại diện Viện KSND TP Hà Nội hỏi thêm.

Ông Trịnh Văn Quyết trả lời, từ khi bị bắt, bị tạm giam tại Trại giam T16 Bộ Công an với tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, ông được các điều tra viên, Viện kiểm sát lấy lời khai. Thông qua việc này ông biết mình phải khắc phục khoản tiền hơn 700 tỷ đồng.

Theo ông Quyết, thời điểm đó, ông đã trao đổi với Cơ quan điều tra sẽ trả khoản tiền này bằng cách bán hãng hàng không “tâm huyết” Bamboo. Dự kiến việc bán này vừa đủ khắc phục.

“Thế nhưng sau khi bị khởi tố tội Thao túng thị trường chứng khoán, bị cáo tiếp tục bị khởi tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản . Sau khi khởi tố, bị cáo dự kiến sẽ bán thêm tài sản, cổ phần tại các doanh nghiệp”, ông Quyết nói.

Xét xử cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết: Viện kiểm sát đề nghị 'quay lại phần xét hỏi' trước khi luận tội- Ảnh 1.

Bị cáo Trịnh Văn Quyết tại phiên tòa.

Mong được tạo điều kiện bán tài sản

Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC cho biết, trong trại tạm giam, ông lúc nào cũng “đau đáu” chuyện khắc phục này.

Ông Quyết tự tính hiện còn 500 tỷ đồng nguồn tiền từ bán hãng hàng không chưa được đối tác trả, cộng thêm tổng tài sản gần 5.000 tỷ đồng đang bị phong tỏa, nếu bị Tòa án buộc phải bồi thường hơn 4.300 tỷ đồng, ông sẽ tự nguyện bán những tài sản này.

“Thưa HĐXX, theo tính ‘vo’ bị cáo thấy tài sản của hệ thống FLC có thể lên tới hàng tỷ USD, bán đi cũng được hàng chục nghìn tỷ đồng, trong đó có 30% cổ phần của bị cáo, bán đi sẽ đủ khắc phục”, ông Quyết tự nói.

Sau phần trả lời của ông Trịnh Văn Quyết, đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX cho tiến hành luận tội lúc 13h ngày 26/7. HĐXX đồng ý.

Trước đó, tại phần xét hỏi, ông Trịnh Văn Quyết cũng khẳng định, sẽ bồi thường bằng tài sản bị phong tỏa. Ông mong HĐXX tạo điều kiện thuận lợi để bị cáo xử lý khối tài sản cá nhân trị giá 5.000 tỷ đồng mà cơ quan điều tra phong tỏa hơn 2 năm qua.

Về hai hành vi bị cáo buộc, trong lời khai của ông Quyết thể hiện ông “không nhớ” việc lừa đảo nâng khống vốn điều lệ như thế nào, thu về bao nhiêu khoản tiền, mục đích của việc nâng khống vốn và khoản tiền chiếm đoạt được sử dụng vào những gì.

Tương tự ở hành vi thao túng thị trường chứng khoán, ông Quyết cho rằng vì thời gian lâu, ông không nhớ chỉ đạo thuộc cấp làm những gì, không nhớ khoản thu lợi bất chính bao nhiêu.

“Mục đích việc tăng vốn doanh nghiệp có phải để lừa đảo chiếm đoạt tiền nhà đầu tư không?”, Chủ tọa Bùi Quang Huy hỏi. Ông Quyết khẳng định, “tôi chưa bao giờ có ý đồ chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư”.

Ông Quyết cho hay từ khi thành lập doanh nghiệp, ông chỉ mong muốn khi tăng nguồn vốn của công ty chuyên về lĩnh vực xây dựng sẽ góp phần vận hành chung trong hệ thống doanh nghiệp của FLC. Cho đến thời điểm bị bắt, có thể nói mọi sự tính toán vận hành doanh nghiệp hoạt động của bị cáo cơ bản đã thành công.

Phía tòa đã công bố thêm một số chi tiết về hành vi của ông Quyết trong việc thao túng chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cựu Chủ tịch FLC nghe xong liền khẳng định “cáo trạng quy kết thế nào tôi hoàn toàn đồng ý, xin HĐXX xem xét thêm những nội dung trong cáo trạng”.

Xem thêm tại cafef.vn