Xoay xở từ những đơn hàng nhỏ lẻ
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, 6 tháng đầu năm 2023 doanh thu các doanh nghiệp trong hệ thống giảm tới 18-20% so với cùng kỳ. Với ngành may, đơn hàng rất nhỏ lẻ, manh mún. Nhiều doanh nghiệp dệt may lớn vài nghìn lao động buộc phải xoay sang chấp nhận đơn hàng nhỏ 500, 700 đến 1.000 áo jacket; đơn giá may cũng giảm thấp kỷ lục. Chưa hết, khách hàng đưa ra nhiều yêu cầu khắt khe hơn.
Phát biểu tại Tọa đàm “Giải pháp tăng trưởng kinh tế cuối năm 2023 - đầu năm 2024”, diễn ra đầu tháng 11/2023, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết: “Phải nhìn nhận là chưa bao giờ ngành dệt may rơi vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn như hiện nay”. Liên tục nhiều năm, ngành dệt may có mức tăng trưởng khả quan (trừ năm 2020 do ảnh hưởng dịch Covid-19). Năm 2022, ngành dệt may đã xuất khẩu 44,4 tỷ USD, là 1 trong 2 ngành xuất khẩu lớn của Việt Nam và đứng thứ 3 về xuất khẩu dệt may thế giới. Nhưng từ cuối 2022, toàn ngành đã bắt đầu có dấu hiệu thiếu đơn hàng. Đến 2023, tình hình cực kỳ khó khăn do các thị trường quốc tế giảm tiêu dùng cho quần áo may mặc, giá thành nguyên liệu tăng… trong khi doanh nghiệp hầu hết lệ thuộc vải nhập khẩu.
Khép lại năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt khoảng 40,3 tỷ USD, giảm hơn 9% so với năm 2022.
Một khó khăn nữa đối với ngành dệt may là toàn thế giới chuyển sang xu thế phát triển bền vững nên những cam kết về môi trường, lao động rất khắc nghiệt, đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư nhưng giá trị đơn hàng không tăng. Bên cạnh đó, trong vấn đề môi trường, yêu cầu của các thị trường tiêu thụ, nhãn hàng buộc doanh nghiệp phải chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… khiến giá thành sản xuất tăng.
Tình hình xuất khẩu ảm đạm còn xảy ra ở nhiều ngành hàng. Như với ngành gỗ, năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 13,5 tỷ USD, giảm 15,9% so với năm 2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 9,2 tỷ USD, giảm 16,7% so với năm 2022.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định ngành gỗ mặc dù có tín hiệu phục hồi trong những tháng cuối năm 2023, tuy nhiên trước những khó khăn của thị trường như xung đột giữa các quốc gia diễn biến phức tạp, kéo dài làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; các thị trường xuất khẩu lớn ngày càng có các quy định chặt chẽ hơn về tính hợp pháp và bền vững của sản phẩm; xung đột Biển Đỏ khiến một số hãng vận tải biển phải ra thông báo dừng vận chuyển hàng hóa, hoặc thay đổi lịch trình; kéo theo hệ luỵ là cước vận tải biển gia tăng với nhiều khoản phụ phí phát sinh… Những yếu tố này tác động lớn tới doanh nghiệp ngành gỗ, do đó triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2024 vẫn còn nhiều thách thức.
Theo Bộ Công Thương, năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 301,05 tỷ USD, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2022. Có đến 5 trong tổng số 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD thuộc nhóm hàng công nghiệp chế biến suy giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Bộ Công Thương phân tích, các ngành hàng đều gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, nhất là đối với hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu, do vậy kim ngạch xuất khẩu sang hầu hết thị trường chủ lực đều giảm, tuy nhiên mức độ suy giảm có xu hướng thu hẹp dần và mức độ tác động đến xuất khẩu từng ngành hàng có sự khác nhau.
Tình trạng “khát” đơn hàng cũng xảy ra ở rất nhiều ngành hàng khác ở chặng đầu của năm. Tuy vậy, doanh nghiệp cũng đặt niềm tin vào thị trường sẽ ấm dần lên năm 2024.
Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm, tổng cầu thế giới sụt giảm nhưng hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục vượt qua khó khăn mặc dù chưa đạt được mức tăng trở lại so với năm trước nhưng mức suy giảm tiếp tục được thu hẹp, từ mức giảm 12% trong nửa đầu năm 2023 xuống mức giảm khoảng 4,6% trong cả năm 2023. Hoạt động xuất khẩu đã thực hiện tốt đa dạng hóa thị trường trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường lớn đều sụt giảm; kim ngạch xuất khẩu sang các nước châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á tăng.
Mức giảm xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước (ước giảm 0,9%) thấp hơn nhiều so với mức giảm xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) (ước giảm 5,9%) và thấp hơn với mức giảm kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.
(Đón đọc bài 2: Nông sản thắng lớn – Trụ đỡ của xuất khẩu 2023
Xem thêm tại haiquanonline.com.vn