Xu hướng nợ xấu được ‘hé lộ’ ra sao qua BCTC nhóm ngân hàng
Mùa báo cáo tài chính bán niên đang trở nên sôi động khi các doanh nghiệp lần lượt công bố kết quả kinh doanh. Đóng vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm tới tình hình tài chính của nhóm ngân hàng.
Tính đến ngày 30/7, bức tranh kinh doanh của 27 ngân hàng niêm yết đang dần được ráp đủ, nhiều ngân hàng công bố mức lợi nhuận tăng trưởng cao, thậm chí lên đến 3 con số, nhưng cũng không thiếu những nhà băng ghi nhận kết quả đi lùi.
Tuy nhiên, nổi bật trong bức tranh kinh doanh của nhóm ngân hàng không chỉ là lợi nhuận, xu hướng về nợ xấu cũng đang dẫn được lộ diện. Với những ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính, có thể thấy tình hình nợ xấu đang có chiều hướng tăng so với thời điểm đầu năm.
Tình hình nợ xấu/tổng dư nợ cho vay tại một số ngân hàng (Nguồn: Tổng hợp BCTC) |
Thống kê cho thấy, so với thời điểm 31/12/2023, đa số ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính ghi nhận tỷ lệ nợ xấu/ tổng dư nợ cho vay tăng so với cùng kỳ.
Điển hình, tỷ lệ này của Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB) tăng từ 1,22% tại cuối năm 2023, lên 1,5% trong quý II/2024. Theo thông cáo đã công bố trước đó, Ngân hàng giải thích nợ xấu chủ yếu tăng theo tình hình chung của thị trường và bị tác động bởi nhóm nợ kéo theo CIC.
Báo cáo tài chính cho thấy, số dư nợ xấu của ACB tăng 38% trong 6 tháng đầu năm, từ 5.887 tỷ đồng hồi đầu năm lên 8.123 tỷ đồng vào cuối quý II. Cụ thể, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) 6 tháng đầu năm của ACB tăng 42%, lên hơn 5.525 tỷ đồng; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 25%, lên 1.309 tỷ đồng; nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 37%, lên hơn 1.287 tỷ đồng.
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - HoSE: BID) mới đây cũng đã công bố báo cáo tài chính, với tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cho vay tăng từ 1,26% lên 1,52% tại thời điểm cuối quý II. Trong đó, số dư nợ xấu đạt 28.687 tỷ đồng, tăng hơn 28% so với đầu năm với mức tăng lên ở cả 3 nhóm nợ.
Xét riêng từ nhóm nợ xấu, nợ nhóm 5 tăng 17,41%, lên hơn 15.292 tỷ đồng; nợ nhóm 4 tăng 13,73%, ghi nhận hơn 6.281 tỷ đồng. Đáng chú ý, nhóm nợ dưới tiêu chuẩn, tức nợ nhóm 3 tăng mạnh 86,23%, tăng từ mức hơn 3.819 tỷ đồng lên 7.113 tỷ đồng vào cuối quý II/2024.
Là một ngân hàng nhỏ trên UpCOM, VietBank (UPCoM: VBB) cũng công bố tổng nợ xấu lên mức hơn 3.000 tỷ đồng.
Ngày 23/7, tại buổi Họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2024, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tình hình nợ xấu đang có xu hướng tăng mạnh và là thách thức không chỉ của ngành ngân hàng mà còn của tổng thể nền kinh tế.
Dẫn số liệu, ông cho biết, đến cuối tháng 6/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã lên gần 5%. Nợ xấu tổng thể bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC, nợ xấu tiềm ẩn đạt khoảng 6,9%.
Phó Thống đốc nhấn mạnh, nợ xấu là hệ quả của cả một quá trình, không phải do yếu kém của ngành ngân hàng. Có một số khoản nợ xấu cũng đến từ việc cán bộ tín dụng trong quá trình thẩm định không lường được khả năng trả nợ và rủi ro của khách hàng. Tuy nhiên, nợ xấu về cơ bản là do những khó khăn chung của nền kinh tế, khiến khách hàng suy giảm khả năng trả nợ. Trước tình hình trên, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, đã yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai quyết liệt các phương án xử lý nợ xấu.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn