Xu hướng tăng lãi suất huy động lan rộng, nhịp điều chỉnh lên mức nền hợp lý hơn
Ghi nhận tại ngày 14/6, VPBank và Eximbank là hai ngân hàng mới nhất tăng lãi suất huy động.
Cụ thể, lãi suất huy động của VPBank dành cho tài khoản tiền gửi trực tuyến dưới 10 tỷ đồng, lãi suất kỳ hạn 1 tháng tăng thêm 0,2%/năm lên 3,1%/năm.
Lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 3-11 tháng cũng được thêm 0,3%/năm. Trong khi đó, lãi suất ngân hàng kỳ hạn từ 12-18 tháng và kỳ hạn 24-36 tháng tăng thêm 0,2%/năm.
Đối với tài khoản tiền gửi online từ 10 tỷ đồng trở lên, lãi suất sẽ được cộng thêm 0,1%/năm với mỗi kỳ hạn.
VPBank vẫn áp dụng chính sách cộng thêm 0,1%/năm cho khách hàng ưu tiên với số dư tối thiểu 100 triệu đồng và kỳ hạn tối thiểu 1 tháng.
Trong khi đó, Eximbank điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm tại các kỳ hạn từ 1-3 tháng với mức tăng trung bình 0,2%/năm.
Cụ thể, lãi suất tiết kiệm online tại Eximbank ở kỳ hạn 1 tháng tăng lên mức 3,5%/năm. Lãi suất tiết kiệm tại kỳ hạn 2 tháng tăng lên 3,7%/năm. Lãi suất tiết kiệm tại kỳ hạn 3 tháng tăng lên 3,8%/năm. Eximbank giữ nguyên lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn còn lại.
Tính từ đầu tháng 6, đã có khoảng 20 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động cho thấy xu hướng này đang lan rộng trong hệ thống ngân hàng thương mại. Hiện tại, mặt bằng lãi suất tiết kiệm thông thường ghi nhận nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng lãi lên mức 6%/năm.
Trong đó, ABBank đang áp dụng mức lãi suất tiền gửi đặc biệt cao nhất là 9,65%/năm. Mức lãi này áp dụng đối với các trường hợp gửi tiết kiệm từ 1.500 tỷ đồng trở lên và kỳ hạn 13 tháng, hình thức lĩnh lãi cuối kỳ.
Dong A Bank áp dụng mức lãi suất 7,5%/năm cho khoản tiền gửi từ 200 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng. HDBank cũng niêm yết mức lãi suất 7,7%/năm và 8,1%/năm cho kỳ hạn tiền gửi 12 và 13 tháng với số tiền gửi từ 500 tỷ đồng và lĩnh lãi cuối kỳ.
Trong khi đó, MSB hiện niêm yết lãi suất 7%/năm với điều kiện khoản tiền gửi ở kỳ hạn 13 tháng và số tiền gửi từ 500 triệu đồng.
Nhiều ngân hàng thương mại khác cũng tăng lãi suất huy động gồm: VietinBank, TPBank, VIB, GPBank, BaoViet Bank, LPBank, Nam A Bank, OceanBank, ABBank, Bac A Bank, MSB, MB, Eximbank, OCB, BVBank, NCB, VietBank, VietA Bank, và VPBank.
Theo quan sát của SSI Research, lãi suất huy động trên thị trường 1 bật tăng 50-100 điểm cơ bản ở hầu hết các các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất kỳ hạn 12 tháng cho khách hàng tổ chức vẫn đang ở mức khá thấp.
Nhìn nhận về làn sóng tăng lãi suất huy động trong thời gian gần đây, giới chuyên môn đánh giá lãi suất huy động tăng phù hợp với diễn biến khi nền kinh tế bước qua giai đoạn khó khăn và cầu tín dụng tăng trở lại, đồng thời giúp giải tỏa áp lực lên tỷ giá, góp phần thu hút tiền gửi vào ngân hàng, tránh tình trạng đầu cơ vàng...
Theo Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung ổn định tỷ giá thông qua các công cụ OMO, phát hành tín phiếu, bán dự trữ ngoại hối và vẫn giữ chủ trương duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ nền kinh tế.
Do đó, chuyên gia KBSV nghiêng về kịch bản lãi suất huy động có thể tăng thêm từ 30-50 điểm cơ bản từ nay đến cuối năm trong bối cảnh kinh tế hồi phục khiến nhu cầu vốn tăng lên, từ đó tăng nhu cầu huy động.
“Với mức tăng kỳ vọng như trên chúng tôi cho rằng đây là nhịp điều chỉnh lên mức nền hợp lý hơn (hiện tại lãi suất huy động vẫn thấp hơn vùng đáy COVID-19) nhưng chưa xác lập xu hướng tăng lãi suất mạnh trở lại như giai đoạn 2022 - 2023, trừ khi tình hình tỷ giá căng thẳng trở lại, DXY vượt đỉnh”, chuyên gia KBSV đánh giá.
Trong khi đó, với quan điểm cầu tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên mạnh hơn từ giữa năm 2024 khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm, MBS Research dự báo, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 50 - 70 điểm cơ bản, quay lại mức 5,1-5,3% trong nửa sau năm 2024.
Tuy nhiên, lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và ngân hàng thương mại nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.
Ở góc nhìn khác, Công ty chứng khoán Maybank Việt Nam (MSVN) nhận định, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ sử dụng mức trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn (dưới 6 tháng) như là công cụ chính sách chính để nâng lãi suất tiền gửi trên thị trường bởi tiền gửi là nguồn vốn chính của các ngân hàng, nên việc lãi suất tiền gửi cao hơn sẽ tác động làm lãi suất cho vay tăng, nhưng với độ trễ khoảng 3 đến 6 tháng.
Xem thêm tại tapchitaichinh.vn