Xu hướng thị trường khó đoán định, động lực nào cho VN-Index trong những tháng cuối năm?

VN-Index có phiên 24/7 “xanh” trở lại sau chuỗi giảm điểm. Tuy nhiên, nhìn chung diễn biến thị trường vẫn giằng co, áp lực cung không quá lớn và lực cầu không đủ, khiến thị trường vẫn trong vùng nguy hiểm, nhất là mốc hỗ trợ 1.250 điểm bị thủng làm cho thị trường đang trở nên khó đoán định.

Chỉ số chính biến động tiêu cực

Tính từ vùng đỉnh ngắn hạn ngày 9/7, VN-Index đã đánh rơi hơn 60 điểm (-5,3%). Giá trị vốn hóa HoSE cũng theo đó "bốc hơi" khoảng 253.000 tỷ đồng (~10 tỷ USD) xuống còn khoảng 5 triệu tỷ đồng chỉ sau 2 tuần giao dịch.

“Trong ngắn hạn, xu hướng thị trường trở nên tiêu cực hơn khi VN-Index không giữ được vùng hỗ trợ quan trọng quanh 1.250 điểm và chịu áp lực điều chỉnh về vùng giá 1.200-1.220 điểm, tương ứng vùng giá trung bình 200 phiên cũng như vùng giá cao nhất năm 2018, đây cũng là vùng giá trung bình trong 5 năm qua”, theo Chứng khoán SHS.

-2692-1721813415.jpg

TTCK đang trở nên khó đoán định.

Lý giải về nguyên nhân thị trường giảm mạnh, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh Tp. HCM Chứng khoán DSC cho biết chỉ số chính của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam biến động tiêu cực sau số liệu cho vay margin được các công ty chứng khoán công bố ở mức cao kỷ lục.

Theo thống kê, dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán vào thời điểm cuối quý II/2024 tiếp tục phá kỷ lục, ước tính đạt khoảng 225.000 tỷ đồng, vượt xa giai đoạn đầu năm 2022 khi VN-Index trên đỉnh 1.500 điểm.

“Điều này đồng nghĩa với việc khi VN-Index biến động theo chiều hướng kém tích cực khiến tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng, thậm chí FOMO cuốn theo hiệu ứng đám đông”, ông Huy nhận xét.

Thêm vào đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng bị bán mạnh trước thông tin nợ xấu đang có xu hướng tăng. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã lên gần 5%, nếu bao gồm nợ tiềm ẩn có khả năng thành nợ xấu, nợ xấu bán cho VAMC,... thì con số tỷ lệ nợ xấu khoảng 6,9%. Nhóm trụ cột bị bán mạnh là một trong nhiều nguyên nhân kích hoạt dòng tiền chốt lãi, ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường chính.

Bên cạnh đó, những yếu tố về rủi ro thay đổi chính sách, môi trường hoạt động sản xuất kinh doanh cũng khiến nhà đầu tư tỏ ra dè dặt "xuống tiền" bắt đáy.

Động lực mới cho giai đoạn cuối năm

Dù vậy, đánh giá về bức tranh TTCK sắp tới, ông Nguyễn Đông Hải, Phó chủ tịch HĐQT Chứng khoán Thành Công, Tổng giám đốc Quản lý quỹ TCAM cho rằng nửa cuối năm 2024 là "chân của con sóng thăng hoa" của TTCK.

Ông Hải phân tích, chứng khoán có chu kỳ và chu kỳ này rất rõ nét, là chu kỳ 4 năm. Nhìn lại TTCK 2017, 2020 và 2023-2024 mỗi mốc tương ứng với một chu kỳ 4 năm, có thể có liên quan sự kiện trên thế giới như bầu cử Tổng thống Mỹ. Giữa năm 2016, VN-Index hơn 500 điểm, tạo đỉnh 1.200 điểm vào 2018, rồi lại giảm về 600 điểm vào 2020, từ năm 2020 đến 2022 lên đỉnh mới 1.500 điểm. Từ đỉnh cao 1.500 lại có đợt giảm mạnh về tới gần 900 điểm vào cuối 2022. Hiện tại thì đang loanh quanh 1.250 điểm.

Theo ông Hải, chu kỳ 4 năm đã bắt đầu từ 2023 nhưng điểm thăng hoa chưa xảy ra. Có thể sẽ xảy ra vào cuối năm 2024 và năm 2025. Lý do vì chu kỳ hạ và giảm lãi suất toàn cầu đang bắt đầu. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã bắt đầu giảm lãi suất từ tháng 6 – đây là "phát súng" đầu tiên.

"Phát súng" thứ hai, mạnh hơn sẽ vào cuối năm nay, có lẽ là từ Fed giảm lãi suất, sẽ là sự dẫn dắt cho nguồn tiền giá rẻ trở lại TTCK. Với bức tranh vĩ mô sáng, nên nhìn cho 6 tháng cuối năm, sẽ là chân con sóng thăng hoa của TTCK.

Tương tự, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam nhìn nhận câu chuyện Fed giảm lãi suất với xác suất giảm lãi suất khả năng cao diễn ra vào cuối tháng 9 tới là động lực lớn nhất cho TTCK.

Động lực thứ hai đến từ yếu tố trong nước liên quan tới nội lực nền kinh tế Việt Nam. Thời gian qua, đà phục hồi kinh tế có chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chậm, quý IV có thể sẽ tăng trưởng không cao nhưng nhìn chung bức tranh kinh tế Việt Nam trong cả năm 2024 có tăng trưởng tốt.

Động lực thứ ba đến từ câu chuyện áp lực tỷ giá sớm hạ nhiệt trở lại. Từ đầu năm đến nay, áp lực tỷ giá tăng, nhà đầu tư ngoại rút vốn khỏi TTCK Việt Nam nhiều. Khi áp lực tỷ giá giảm, khối ngoại sẽ bớt rút ròng hoặc sớm trở lại mua ròng.

Động lực thứ tư đến từ đà tăng trưởng của nhóm cổ phiếu 6 tháng cuối năm. Quý IV có thể tăng trưởng chậm hơn so với các quý khác trong năm nhưng vẫn là tăng trưởng dương. Định giá doanh nghiệp vẫn trở nên nên hấp dẫn, mức P/E quanh 12 lần khá thấp. Lợi suất thị trường đang hấp dẫn hơn, lợi suất của nhà đầu tư trên TTCK đang cao hơn so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Dự báo 6 tháng cuối năm, lãi suất tiết kiệm nhích tăng nhẹ nhưng chưa phải là động lực mạnh hút dòng tiền.

Theo đó, nhà đầu tư chú ý phân bổ tài sản vào 2 nhóm cổ phiếu chiến lược ngắn hạn và dài hạn. Đối với ngắn hạn, nên ưu tiên chọn cổ phiếu beta cao (biến động cao) là ngân hàng, chứng khoán. Quý III, VN-Index được nhận định tăng trưởng khả quan phù hợp cho đầu tư ngắn hạn "lướt sóng". Đến quý IV, thị trường có thể có nhịp điều chỉnh, là cơ hội để nhà đầu tư tích lũy mua vào cổ phiếu tốt. Nhà đầu tư ngắn hạn không phải ai cũng có thể "lướt sóng" khi kinh tế phục hồi, nên dành tỷ trọng cho cổ phiếu có hồi phục vượt trội.

Với đầu tư dài hạn, nhà đầu tư phân bổ phần lớn tỷ trọng cho nhóm cổ phiếu có đà tăng trưởng ổn định như dịch vụ dầu khí và công nghệ.

Hải Giang

Xem thêm tại vnbusiness.vn