Xử lý nợ xấu còn gặp nhiều trắc trở
Ngân hàng lại dồn dập thanh lý tài sản thu hồi nợ
Dồn dập từ đầu tháng 6 tới nay, các ngân hàng rao bán các tài sản thế chấp của khách hàng để thu hồi nợ, chủ yếu là bất động sản ở nhiều vị trí đẹp.
Agribank chi nhánh Tràng An vừa thông báo rao bán một loạt bất động sản tại Dự án khu du lịch phức hợp Hoàng Hải tại Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Đây là tài sản thế chấp của 3 công ty bao gồm: Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Mivi Việt Nam, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Mạnh Loan và Công ty CP Hạ tầng cảnh quan Green-Art. Giá khởi điểm của 5 lô đất là 45,67 tỷ đồng. Mức giá này đã giảm tới hơn 7 tỷ đồng so với lần rao cách đây 1 năm.
VietinBank Thành An vừa thông báo bán đấu giá khoản nợ của CTCP Khách sạn Bến Du Thuyền (Marina Hotel) lần 6. Theo hợp đồng tín dụng phát sinh giữa công ty này và VietinBank Thành An, khoản nợ này được đảm bảo bằng 11 tài sản của Khách sạn Bến Du Thuyền. Tất cả đều liên quan đến dự án Trung tâm Bến du thuyền Hoàng Gia (Swisstouches La Luna Resort) tại Khu đô thị Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang. Giá khởi điểm bán tài sản đảm bảo và khoản nợ trên là hơn 485 tỷ đồng, tiếp tục giảm khoảng 23 tỷ đồng so với mức giá khởi điểm lần 5 vào thời điểm cuối tháng 5/2024…
Có thể thấy suốt từ đầu năm đến nay các ngân hàng miệt mài rao bán tài sản, đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ bởi nguy cơ nợ xấu mới phát sinh hiện hữu. Theo thống kê gần đây nhất từ báo cáo tài chính quý I/2024 của 28 ngân hàng, tổng nợ xấu là 224.146 tỷ đồng, tăng đến hơn 14% cuối năm 2023. Trong quý đầu năm, số dư nợ xấu (nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5) của ngành Ngân hàng đã tăng lên đáng kể, thêm 14% so với cuối năm 2023, lên 224.010 tỷ đồng.
Xét theo từng ngân hàng, báo cáo tài chính quý I/2024 cũng cho thấy tỷ lệ nợ xấu của một số ngân hàng tăng khá nhanh, thậm chí vượt ngưỡng tỷ lệ 3% theo yêu cầu của cơ quan quản lý. Nhìn từ số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 5 tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 66,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước cho thấy thực tế một lớp nợ xấu mới sắp hình thành trong thời gian tới.
Một chỉ số khác cũng cần chú ý đó là, tỷ lệ bao phủ nợ xấu trong quý đầu năm 2024 tiếp tục giảm so với năm 2023. Trong đó, các ngân hàng dẫn đầu về quy mô cho vay lại thuộc nhóm có tỷ lệ bao phủ nợ xấu sụt giảm sâu nhất. Tất nhiên, trong số đó vẫn có một số ngân hàng gia tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu như Techcombank, SHB, VPBank… Nhưng dự báo tỷ lệ bao phủ nợ xấu trong thời gian tới cũng chịu áp lực nhất định.
Trong bối cảnh tín dụng tăng chậm, doanh thu từ tín dụng vẫn chiếm tỷ lệ cao trong hoạt động ngân hàng nên lợi nhuận sụt giảm. Điều này cũng ảnh hưởng phần nào đến khả năng “phòng thủ” trước nợ xấu thông qua tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu.
Xử lý nợ xấu luôn là vấn đề làm ngân hàng đau đầu
Điểm tích cực liên quan đến vấn đề nợ xấu của các ngân hàng là mới đây NHNN đã ban hành Thông tư số 06/2024/TT- NHNN sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2023/TT-NHNN theo hướng kéo dài thời gian thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ thêm 6 tháng đến hết ngày 31/12/2024.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, bên cạnh tác dụng hỗ trợ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giảm áp lực trả nợ, lãi và tiếp cận dòng vốn mới để phục hồi sản xuất kinh doanh, việc kéo dài thời gian thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ còn giảm bớt áp lực nợ xấu cho các ngân hàng, giúp ngân hàng tránh được nguy cơ nợ xấu tăng cao.
Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp trước mắt và các ngân hàng vẫn phải đề cao cảnh giác với tình trạng nợ xấu “ẩn mình” dưới dạng cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Bản thân một số lãnh đạo ngân hàng cũng quan ngại khi Thông tư 06 hết hiệu lực thì liệu số doanh nghiệp được cơ cấu nợ có phục hồi hay không? Sự không chắc chắn trong môi trường kinh doanh ảnh hưởng đến mức độ phục hồi của doanh nghiệp, từ đó tác động nhất định đến chất lượng tài sản của ngân hàng có thể sẽ suy giảm, nguy cơ nợ xấu lại dềnh lên.
Trong báo cáo phân tích về ngân hàng mới đây, các chuyên gia của CTCK SSI nhận định, dự báo, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2024 có thể chỉ tăng nhẹ so với cuối năm 2023 (ước tính từ 1,63% lên 1,68%) do dự kiến các ngân hàng sẽ đẩy mạnh trích lập dự phòng và nền kinh tế phục hồi mạnh hơn vào cuối năm nay. Song, các khoản nợ có vấn đề bao gồm các khoản nợ nhóm 2, các khoản vay tái cơ cấu, các khoản vay cũ… vẫn cần được giám sát chặt chẽ.
PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nhận định, đỉnh nợ xấu có thể rơi vào quý III/2024, sau đó sẽ đi ngang chứ không tăng mạnh như giai đoạn trước nữa bởi kinh tế phục hồi mạnh hơn trong những tháng cuối năm.
Áp lực nợ xấu phát sinh thêm có thể giảm bớt, nhưng theo PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân, xử lý nợ xấu mới luôn là vấn đề làm đau đầu ngân hàng. Thị trường bất động sản tuy có ấm lên nhưng chỉ ở một vài phân khúc, còn lại vẫn trầm lắng. Do đó, các TCTD gặp khó khăn khi tìm kiếm người mua tài sản. Hiện tượng tài sản được rao bán hàng chục lần vẫn không thành công diễn ra phổ biến, dù giá bán đã được ngân hàng điều chỉnh mạnh. Đặc biệt, sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, quyền xử lý nợ xấu nhất là tài sản đảm bảo của các ngân hàng bị hạn chế nhiều dẫn đến thu hồi nợ chậm hơn.
Trên thực tế, có nhiều khách hàng cố tình lợi dụng quy định này để tạo ra các tranh chấp giả, dẫn đến trì hoãn và ngăn cản quá trình thu giữ tài sản đảm bảo để xử lý nợ. Nhiều vụ việc kéo dài hàng năm vẫn chưa xử lý được dẫn tới gia tăng chi phí cho ngân hàng. Có những khoản nợ sau khi xử lý tài sản thu hồi không còn được bao nhiêu khi ngân hàng phải chi trả nhiều khoản từ phí tòa án, lãi cho người gửi tiền…
Một chuyên gia ngân hàng đánh giá, việc thu giữ tài sản bảo đảm không phải tạo ra một đặc quyền, đặc lợi cho TCTD mà vì lợi ích chung cả nền kinh tế. Điều đó thể hiện ở chỗ khi ngân hàng thu hồi được nợ xấu có thêm nguồn lực để cho vay những khách hàng khác có nhu cầu. Ngoài ra, nếu thu hồi được nợ xấu sớm, ngân hàng tiết giảm chi phí có cơ sở để giảm lãi suất cho vay cho khách hàng.
Nếu muốn xử lý cục máu đông nợ xấu, PGS.TS. Huân cho rằng, không thể để ngân hàng “đơn thương độc mã” mà cần có sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương mới giải quyết được. Cụ thể ở đây, phải tinh gọn quy trình thủ tục xử lý tài sản đảm bảo; sửa đổi Luật liên quan phù hợp hơn với thực tiễn như Luật Dân sự… quy trách nhiệm rõ ràng cho những người có khả năng mà chây ỳ không trả nợ.
Đặc biệt, theo các chuyên gia, chỉ khi kinh tế khởi sắc, doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả mới giảm được rủi ro nợ xấu. Với các ngân hàng thì “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, giải pháp căn cơ đối với vấn đề nợ xấu vẫn là nâng cao chất lượng tín dụng.
Xem thêm tại tapchitaichinh.vn