Xu thế dòng tiền: Liên tiếp thất bại tại đỉnh 1300 điểm, thị trường còn cơ hội đột phá?

Chỉ trong 5 phiên tuần qua VN-Index đã có tới 2 lần nỗ lực vượt đỉnh 1300 điểm nhưng không thành công. Thanh khoản gia tăng mạnh trong những phiên thất bại này tạo ấn tượng rõ nét hơn về hoạt động phân phối…

Các chuyên gia tiếp tục có những quan điểm trái chiều về diễn biến ngắn hạn của thị trường. Quan điểm tiêu cực tuần qua đã đúng khi VN-Index xuất hiện hai phiên cuối tuần điều chỉnh khá mạnh. Ý kiến này tiếp tục lo ngại thị trường đang bị phân phối và chờ đợi đáy của nhịp điều chỉnh này ở mức tương đối sâu. Ngược lại, các ý kiến tích cực hơn vẫn cho rằng mặc dù tuần qua thanh khoản lớn và tạo sức ép giảm giá rõ nét nhưng ngày cuối tuần lực bán đã có tín hiệu cạn kiệt. Ngưỡng điều chỉnh được chờ đợi chủ đạo quanh 1250-1260 điểm.

Mặc dù có quan điểm ngắn hạn khác nhau nhưng các chuyên gia nhìn chung vẫn đánh giá tích cực về xu hướng tiếp theo của thị trường. Nhịp điều chỉnh hiện tại vẫn không ảnh hưởng đến xu hướng tăng đang có và cơ hội vượt đỉnh 1300 điểm vẫn còn.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Thị trường đã có một tuần giao dịch khá thất vọng khi có tới 3 lần nỗ lực vượt qua đỉnh cao 1300 điểm không thành công. Mỗi khi lên tới ngưỡng này thị trường lại xuất hiện áp lực bán đè xuống và hai phiên cuối tuần thì giảm hẳn. Thanh khoản trung bình tuần qua cũng gia tăng đáng kể với các phiên giảm đều có thanh khoản cao. Diễn biến tuần này đã khác hẳn so với tuần trước, liệu đó có phải là tín hiệu thị trường đang bị phân phối quy mô lớn?

Xu thế dòng tiền: Liên tiếp thất bại tại đỉnh 1300 điểm, thị trường còn cơ hội đột phá? - Ảnh 1

Việc nhóm dẫn sóng là Ngân hàng vẫn còn giữ được tín hiệu khá tốt, không chịu áp lực bán mạnh, tôi có phần nghiêng hơn về khả năng thị trường vẫn chỉ đang trong nhịp rũ ngắn tại 1300 điểm trước khi có thể quay lại chinh phục.

Nguyễn Thị Mỹ Liên

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Nhìn nến tuần VN-Index đã tạo cụm nến đảo chiều nhấn chìm với thanh khoản tăng cao so với giai đoạn trước đó; nến ngày đã có phiên SFP phiên ngày thứ 5 đã có phiên gãy nền tích lũy 5 phiên trước đó với thanh khoản lớn. Kèm theo đó từ ngày 29/9 đến hiện tại chỉ số chưa có phiên nào tạo nến đẹp cả, phiên xanh với thanh khoản lớn nhưng lại tạo râu nến dài, phiên đỏ thanh khoản hầu hết đều trên trung bình khối lượng 20 phiên. Từ đó tôi đánh giá khả năng cao thị trường đang trong nhịp phân phối quy mô lớn.

Ông Nghiêm Sỹ TiếnChuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV

Tâm lý của thị trường đang có sự chuyển biến tiêu cực hơn sau khi đà tăng liên tục bị chặn đứng quanh mốc 1300 điểm. Diễn biến như vậy là điều có thể dễ hiểu khi các nhà đầu tư đang có sự kỳ vọng cao, nhất là việc nhóm cổ phiếu Ngân hàng đang dẫn sóng chính. Sự tương quan chênh lệch giữa cung/cầu trở nên rõ ràng trong phiên giao dịch cuối tuần với thanh khoản sụt giảm mạnh và chỉ số đóng cửa ở mức thấp nhất phiên, báo hiệu sự co cụm lại từ phe mua.

Tuy nhiên, tôi cho rằng các tín hiệu đang thể hiện hoạt động chốt lời nhiều hơn là tái hiện lại các phiên phối quanh đỉnh. Thanh khoản trên ngưỡng 20 nghìn tỷ là mức tích cực trong thời điểm hiện tại, nhưng không đủ đột biến để khẳng định là phiên phân phối. Thị trường có lẽ sẽ tiếp tục rung lắc để rũ bỏ các vị thế trading ngắn hạn và quay trở về vùng cân bằng để thu hút lực cầu chủ động trở lại.

Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Tuần qua, thị trường lại có thêm một lần nữa thất bại trong việc chinh phục ngưỡng tâm lý 1300 điểm và lần này đã chịu áp lực bán mạnh hơn. Tuy vậy, chỉ với một phiên bị bán mạnh, tôi thấy chưa đủ tín hiệu để đánh giá thị trường đang bị phân phối. Trái lại, với việc nhóm dẫn sóng là Ngân hàng vẫn còn giữ được tín hiệu khá tốt, không chịu áp lực bán mạnh, tôi có phần nghiêng hơn về khả năng thị trường vẫn chỉ đang trong nhịp rũ ngắn tại 1300 điểm trước khi có thể quay lại chinh phục.

Ông Nguyễn Thế HoàiGiám đốc Chi nhánh Đồng Nai, Chứng khoán Rồng Việt

Xu hướng ngắn hạn đang bị thử thách khi nhóm cổ phiếu ngân hàng đang bị chốt lời. Nhóm ngân hàng có vốn hóa lớn, thanh khoản cao làm cho thanh khoản thị trường cũng tăng theo. Nhưng để nói thị trường đang bị phân phối quy mô lớn thì tôi nghĩ là chưa phải lúc này.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS

Ngưỡng kháng cự mạnh 1300 điểm vẫn là mốc khó chinh phục của thị trường. Việc điều chỉnh tích lũy “test” hoặc quay đầu giảm về vùng hỗ trợ bên dưới cũng hay diễn ra. Theo tôi VN-Index cần thêm thời gian để quay trở lại mốc đỉnh, cơ hội cho thị trường hồi phục cho tuần giao dịch tới.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Tuần trước anh chị đánh giá thị trường đi ngang và chưa vượt ngưỡng 1300 điểm chỉ là nhịp lùi tích lũy thông thường. Với các thay đổi tiêu cực hơn trong tuần này, liệu thị trường có đi vào một nhịp điều chỉnh thực sự? Ngưỡng điều chỉnh có thể đến mức nào?

Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Như có đánh giá ở trên, tôi thấy tín hiệu hiện tại chưa đến mức quá tiêu cực. Thị trường chỉ mới chịu một phiên bị bán mạnh và không có áp lực bán tiếp diễn ở phiên cuối tuần, thể hiện qua khối lượng sụt giảm thấp đi, đồng thời nhóm dẫn sóng là Ngân hàng vẫn còn giữ được xu hướng tăng. Do đó, tôi kỳ vọng đây chỉ là nhịp chỉnh ngắn và thị trường có thể sẽ hồi phục vào tuần sau. Hỗ trợ ở vùng 1266-1283 hoặc 1250-1260 điểm.

Ông Nguyễn Thế HoàiGiám đốc Chi nhánh Đồng Nai, Chứng khoán Rồng Việt

Tôi đánh giá xu hướng thị trường vẫn tích cực trong trung hạn. Trong tuần các thông tin căng thẳng địa chính trị đã khiến cho việc chinh phục mốc 1300 điểm tiếp tục gặp khó khăn và phải thoái lui. Nhưng với tình hình kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước vẫn ổn định, tôi nghĩ mức điều chỉnh của chỉ số có thể là 1250 +/- 10 điểm.

Xu thế dòng tiền: Liên tiếp thất bại tại đỉnh 1300 điểm, thị trường còn cơ hội đột phá? - Ảnh 4

Hiện nhiều cổ phiếu ngân hàng đã lên lại vùng đỉnh mọi thời đại hoặc lên tới vùng kháng cự mạnh. Tôi đánh giá nhóm này sẽ không giữ được vai trò kéo và giữ thị trường như giai đoạn vừa rồi thậm chí còn tạo áp lực giảm thêm cho thị trường.

Ông Nguyễn Việt Quang

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Tuần trước tôi đánh giá VN-Index đã đi đến cuối sóng 5 và sẽ bước vào nhịp điều chỉnh giảm cũng như thị trường đang trong nhịp phân phối. Tuần này điều đó đã diễn ra và chỉ số đã có những phiên điều chỉnh mạnh vỡ nền đang xây. Giai đoạn hiện tại tôi đang chú ý một số vùng hỗ trợ: quanh 1240 điểm; quanh 1200 điểm nhưng vùng hỗ trợ không có nghĩa là về đó nảy hồi mà cần điều kiện tiên quyết là phản ứng giá tại vùng đó như thế nào.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS

Theo tôi thị trường điều chỉnh nhưng vẫn nằm giữ khu vực 1265 – 1275 điểm. Hai khu vực hỗ trợ và kháng cự cần chú ý phản ánh việc thị trường có vận động trên hỗ mốc 1260 - 1265 +/- điểm (mốc sâu nhất đầu tuần tới) sẽ hồi phục trở lại về khu vực 1270 – 1275 điêm. Nếu sau khi VN-Index vượt qua được 1275 thì cơ hội lớn quay trở lại đỉnh cũ 1300 điểm và vượt qua ở nhịp tăng sau đó.

Ông Nghiêm Sỹ TiếnChuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV

Các diễn biến kém khả quan trong tuần này chưa đủ để thay đổi quan điểm của riêng tôi. Tâm lý giao dịch chung chuyển biến xấu hơn khi VN-Index chinh phục ngưỡng 1300 điểm thất bại, khiến cho hoạt động bán chốt lời, hạ tỷ trọng về ngưỡng an toàn diễn ra nhiều hơn trên toàn bộ thị trường. Tuy nhiên, tôi cho rằng nhịp tăng trước sức mua chủ yếu vẫn đến từ tiền mặt của nhà đầu tư và lượng đòn bẩy không lớn, do đó thị trường sẽ khó có chuỗi các phiên lao dốc mạnh. Vùng hỗ trợ tiềm năng chỉ số có thể cho phản ứng hồi phục là quanh mốc 1255 (+-10) điểm.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Một trong những nguyên nhân khiến VN-Index thất bại trong việc vượt đỉnh 1300 điểm tuần qua là sự đuối sức của nhóm cổ phiếu lớn, bao gồm cả nhóm dẫn dắt ngân hàng. Các cổ phiếu như VHM, VIC, GAS hay FPT không mạnh trong khi loạt cổ phiếu ngân hàng bị chốt lời rõ rệt sau nhịp tăng ấn tượng trước đó. Trong lần trao đổi tuần trước, anh chị đánh giá rất cao sức mạnh của nhóm ngân hàng cũng như vai trò trong việc đưa VN-Index vượt đỉnh. Liệu nhóm này có còn giữ được vai trò khi đang bị chốt lời và quay đầu giảm?

Ông Nguyễn Thế HoàiGiám đốc Chi nhánh Đồng Nai, Chứng khoán Rồng Việt

Sau quá trình tăng kha khá thì việc nhóm ngân hàng điều chỉnh theo tôi cũng là hợp lý. Về mặt định giá thì nhóm ngân hàng hiện nay vẫn hấp dẫn nên tôi nghĩ nhóm này vẫn là động lực chính của thị trường trong thời gian tới. Ngoài ra việc khối ngoại quay đầu mua ròng ổn định trong thời gian gần đây cũng đã hỗ trợ thị trường. Khi các cổ phiếu lớn đạt được sự đồng thuận thì thị trường sẽ vượt qua được thử thách.

Xu thế dòng tiền: Liên tiếp thất bại tại đỉnh 1300 điểm, thị trường còn cơ hội đột phá? - Ảnh 5

Tôi đánh giá xu hướng thị trường vẫn tích cực trong trung hạn.

Ông Nguyễn Thế Hoài

Ông Nghiêm Sỹ TiếnChuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV

Một số cổ phiếu ngân hàng đã trải qua nhịp tăng dốc, do vậy hoạt động chốt lời là diễn biến hết sức bình thường khi nhà đầu tư muốn bảo toàn lợi nhuận. Điều này không hẳn là một tín hiệu xấu, quan trọng nằm ở sự tương quan cung/cầu của chính cổ phiếu đó. Khi có dòng tiền vào đủ lớn và duy trì trong nhiều phiên, xu hướng của cổ phiếu sẽ có xung lực tăng tốt và lực cầu sẽ gia nhập trở lại cổ phiếu điều chỉnh đủ sâu. Ngoài ra, sóng tăng của các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn thông thường sẽ tiếp diễn trong thời gian dài, chứ không dừng ở một vài phiên. Vì vậy, tôi kỳ vọng nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn đóng vai trò dẫn dắt chính cho chỉ số.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Trong lần trao đổi tuần trước tôi không đánh giá cao sức mạnh nhóm ngân hàng vì các cổ khỏe và cho lãi tốt đều là những cổ phiếu vừa và nhỏ. Hiện nhiều cổ phiếu ngân hàng đã lên lại vùng đỉnh mọi thời đại hoặc lên tới vùng kháng cự mạnh. Tôi đánh giá nhóm này sẽ không giữ được vai trò kéo và giữ thị trường như giai đoạn vừa rồi thậm chí còn tạo áp lực giảm thêm cho thị trường.

Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Sau tín hiệu điều chỉnh trong tuần qua, tôi vẫn giữ kỳ vọng về khả năng nhóm Ngân hàng sẽ duy trì vai trò quan trọng để đưa VN-Index tiếp tục xu hướng tăng. Tuần qua cả thị trường bị bán mạnh nhưng nhóm Ngân hàng lại có sự khác biệt, khi nhóm này chỉ chịu áp lực bán không quá mạnh và vẫn giữ được xu hướng tăng, thậm chí dòng tiền dịch chuyển qua các cổ phiếu ngân hàng vừa và nhỏ. Tín hiệu này cho khả năng chỉ là lực bán chốt lời từ nhỏ lẻ sau một nhịp tăng khá, chứ không phải tín hiệu thoát hàng của dòng tiền lớn. Do đó tôi kỳ vọng nhóm này sẽ không gãy xu hướng và tiếp tục làm nhiệm vụ kéo chỉ số khi thị trường hồi phục.

Xu thế dòng tiền: Liên tiếp thất bại tại đỉnh 1300 điểm, thị trường còn cơ hội đột phá? - Ảnh 6

Theo tôi VN-Index cần thêm thời gian để quay trở lại mốc đỉnh, cơ hội cho thị trường hồi phục cho tuần giao dịch tới.

Ông Lê Đức Khánh

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS

Theo tôi nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn có thể hồi phục trở lại sau vài phiên điều chỉnh nhưng sau đó sẽ phân hóa có cổ phiếu tăng tiếp nhưng có cổ phiếu lại tích lũy điều chỉnh và không tăng nữa. Có thể các nhóm ngành khác như chứng khoán, thép, dầu khí…sẽ thay thế nâng đỡ thị trường.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Trong diễn biến khá xấu của thị trường cơ sở, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 lại duy trì mức chênh lệch cơ sở dương rộng. Điều này là một sự vô lý hay là tín hiệu tích cực về kỳ vọng với thị trường cơ sở? Nếu tham gia phái sinh, anh chị đặt cược Long hay Short lúc này?

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Thị trường phái sinh Việt Nam hiện đang có quy mô khá nhỏ nên sẽ có nhiều vấn đề có thể chi phối thị trường nên tôi không tìm lý do cho sự vô lý khi chỉ số phái sinh đang chênh lệch cơ sở gần 7 điểm. Nếu nhìn về kỹ thuật thì VN30F1M hiện đã hoàn thiện đỉnh sóng 5 và đang trong nhịp điều chỉnh “a” nên tôi sẽ đặt cược cho cửa Short, nhưng tôi sẽ đợi nảy hồi phiên thứ 2 để có điểm vào hợp lý nhất.

Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Hiện tại các chỉ số điều chỉnh nhưng chưa làm thay đổi xu hướng tăng chủ đạo. Ở trong xu hướng tăng, việc hợp đồng tương lai có điểm số cao hơn cơ sở khiến mức chênh lệch dương, thể hiện rằng thị trường kỳ vọng trong tương lai chỉ số có thể còn tiếp tục cao hơn hiện tại. Do đó, mức chênh lệch dương hiện tại cho thấy thị trường kỳ vọng xu hướng tăng có thể còn tiếp diễn. Nếu tham gia phái sinh, tôi sẽ ưu tiên các vị thế Short trong ngày vì thị trường đang trong nhịp chỉnh ngắn, còn vị thế Long sẽ ưu tiên khi thị trường tiến sát ngưỡng hỗ trợ.

Xu thế dòng tiền: Liên tiếp thất bại tại đỉnh 1300 điểm, thị trường còn cơ hội đột phá? - Ảnh 7

Tôi cho rằng nhịp tăng trước sức mua chủ yếu vẫn đến từ tiền mặt của nhà đầu tư và lượng đòn bẩy không lớn, do đó thị trường sẽ khó có chuỗi các phiên lao dốc mạnh. Vùng hỗ trợ tiềm năng chỉ số có thể cho phản ứng hồi phục là quanh mốc 1255 (+-10) điểm.

Ông Nghiêm Sỹ Tiến

Ông Nghiêm Sỹ TiếnChuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV

Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đang duy trì mức chênh lệnh cơ sở dương rộng, có thể phần nào đang phản ánh kỳ vọng tích cực cho nhóm chỉ số VN30, đặc biệt là các cổ phiếu Ngân hàng. Tuy nhiên, hiện tại cơ hội để VN30 tăng trở lại ngay lập tức là không cao. Mặc dù mở vị thế Short sẽ ít rủi ro hơn nhưng cũng sẽ khó có điểm vào đẹp. Do vậy, chiến lược phù hợp lúc này sẽ là canh mua cơ sở, kết hợp Long/Short linh hoạt.

Ông Nguyễn Thế HoàiGiám đốc Chi nhánh Đồng Nai, Chứng khoán Rồng Việt

Với tôi dự đoán thị trường theo ngày là điều không thể, có tính may rủi cao. Vì thế tôi không tham gia phái sinh.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS

Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 thường biến động mạnh cả về 2 hướng trong một số giai đoạn so với diễn biến chỉ số cơ sở. Trong một xu hướng tăng VN30F1M vẫn có thể tăng và tạo gap lớn so với mức tăng của VN30 – Giao dịch các hợp đồng tương lai là sự dự báo về xu hướng, giao dịch theo xu hướng tăng/giảm của chỉ số cơ sở. Tuy nhiên khác biệt so với việc đầu tư hay giao dịch ngắn hạn cổ phiếu thì việc lựa chọn việc giao dịch trong ngày hay nắm giữ vị thế qua một số ngày hoặc nhiều ngày thì nhà đầu tư cần chiến lược hoặc phương pháp tiếp cận phù hợp. Nếu nhìn 1 xu hướng tháng và kịch bản hồi phục của tuần tới thì cược Long sẽ được ưu tiên hơn – Nếu chỉ tính riêng cho thứ Hai đầu tuần thì việc giao dịch 2 chiều linh hoạt vẫn lưu ý hơn vì phiên sáng có thể biến động trước khi xu hướng tăng quay trở lại xác nhận đặc biệt đối với những người thích “day trading” theo các khung giờ.

Xem thêm tại vneconomy.vn