Xuất hiện 'đại gia' bao tiêu 50% diện tích trồng lúa chất lượng cao ở Long An
Chiều ngày 4/9, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An cho biết, địa phương đang tiếp tục củng cố 60.000ha đất thuộc dự án Chuyển đổi Nông nghiệp Bền vững tại Việt Nam (VnSAT). Đây là bước chuẩn bị quan trọng để triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Theo kế hoạch, Long An đã đưa dự án vào thực hiện tại 7 huyện gồm: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Huệ, Thủ Thừa và thị xã Kiến Tường. Hiện tại, Tập đoàn Lộc Trời (mã chứng khoán: LTG) đã ký kết bao tiêu khoảng 30.000ha lúa trong khu vực.
Được biết, Tập đoàn Lộc Trời là đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ nông nghiệp, chiếm lĩnh thị trường Việt Nam với hơn 20% thị phần ngành thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, tập đoàn này cũng là nhà phân phối hạt giống lớn thứ hai tại Việt Nam, tập trung phân phối lúa giống, giống bắp lai và các giống rau dưa khác.
Kể từ năm 2010, Lộc Trời mở rộng mạnh mẽ sang lĩnh vực chế biến và kinh doanh gạo, trở thành nhà cung cấp dịch vụ nông nghiệp hàng đầu Việt Nam theo mô hình liên kết dọc. Lộc Trời có năng lực quản lý hệ thống phân phối, quản lý tài chính, marketing phù hợp với mục tiêu, chiến lược kinh doanh cũng như thích ứng với điều kiện kinh doanh.
Tập đoàn Lộc Trời đã ký kết bao tiêu khoảng 30.000ha lúa chất lượng cao của Long An |
Từ nay đến năm 2025, ngành nông nghiệp tỉnh Long An sẽ tiếp tục mở rộng diện tích thuộc dự án VnSAT. Trong giai đoạn 2026-2030, địa phương sẽ xác định cụ thể những khu vực trọng điểm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao giảm phát thải mới, ngoài vùng dự án VnSAT. Dự kiến, diện tích sẽ được mở rộng thêm 65.000ha, hướng tới mục tiêu tổng diện tích 125.000ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp trên toàn tỉnh.
Bên cạnh mục tiêu giảm phát thải và sản xuất sạch, thân thiện với môi trường, Long An còn định hướng phát triển bền vững cho nông hộ và hợp tác xã. Để đạt được điều này, tỉnh sẽ tổ chức lại mô hình sản xuất, phát triển các vùng sản xuất quy mô lớn với đầu tư bài bản. Đồng thời, việc liên kết chuỗi giá trị sẽ được đẩy mạnh nhằm nâng cao giá trị hạt gạo và tăng thu nhập cho nông dân.
Hiện nay, người nông dân đã áp dụng các tiêu chuẩn canh tác tiên tiến như 1P5G, ứng dụng công nghệ cao, sử dụng giống lúa nguyên chủng và xác nhận, cũng như cơ giới hóa trong các khâu sản xuất… Những bước tiến này đang tạo nền tảng vững chắc để thực hiện Đề án, giúp Long An tiếp tục khai thác các lợi thế của mình.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn