Xuất hiện nhiều ngân hàng vẫn giữ lãi suất tiết kiệm trên 7%/năm
Nhiều ngân hàng giữ lãi suất tiết kiệm cao
Theo khảo sát của chúng tôi, đến thời điểm hiện tại, ngân hàng Wooribank vẫn giữ gói tiết kiệm tích luỹ với mức là 7,5%/năm dành cho khách hàng lựa chọn kỳ hạn 3 năm. Trong khi đó, lãi suất tại kỳ hạn 24 tháng – dưới 36 tháng cao nhất là 7%/năm. Còn ở kỳ hạn 12 tháng – dưới 24 tháng, mức lãi suất tiết kiệm hiện niêm yết ở mức 6,5%/năm. Điều kiện áp dụng với khách hàng lựa chọn gói tiết kiệm này, đó là số tiền gửi không quá 100 triệu đồng/tháng.
Ngoài Wooribank, nhiều ngân hàng tư nhân trong nước vẫn giữ lãi suất tiết kiệm trên 7%/năm nhưng với điều kiện số tiền gửi tiết kiệm lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Đơn cử như ngân hàng MSB đang áp dụng mức lãi suất 7%/năm dành cho khách hàng gửi tiết kiệm từ 500 tỷ đồng, áp dụng đối với sổ tiết kiệm mở mới hoặc sổ tiết kiệm mở từ ngày 01/01/2018 tự động gia hạn có kỳ hạn gửi 12 tháng, 13 tháng.
Ngân hàng Dong A Bank hiện niêm yết mức lãi suất tiết kiệm 7,5%/năm áp dụng cho lãi cuối kỳ với khoản tiền gửi 200 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 13 tháng trở lên.
Ngân hàng HDBank cũng đang giữ lãi suất 8,1%/năm áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng và lãi suất 7,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng với điều kiện khách hàng duy trì số dư tối thiểu 500 tỷ đồng.
PVcomBank là ngân hàng áp dụng mức lãi suất cao nhất với 9,5%/năm cho kỳ hạn gửi 12-13 tháng với số tiền gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng. Mới đây, ngân hàng này còn phát hành chứng chỉ tiền gửi với mệnh giá chỉ từ 10 triệu đồng dành cho khách hàng cá nhân. Mức lãi suất cố định là 8%/năm và kỳ hạn lên tới 85 tháng. Thời gian phát hành từ ngày 02/05/2024 đến hết ngày 31/12/2024.
Mặt bằng lãi suất tiết kiệm đang tăng trở lại
Làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm xuất hiện vào thời điểm nửa cuối tháng 3 khi bắt đầu ghi nhận 3 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất.
Bước sang tháng 4, có tới 16 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm, bao gồm: HDBank, MSB, Eximbank, NCB, Bac A Bank, GPBank, OceanBank, BVBank, PVComBank, CBBank, BIDV, TPBank, VPBank, KienLong Bank, VietinBank, ACB.
Và chỉ trong vòng nửa đầu tháng 5, đã có tổng cộng 13 ngân hàng điều chỉnh biểu lãi suất tiết kiệm theo chiều hướng tăng là ACB, Sacombank, Techcombank, VIB, Bac A Bank, GPBank, NCB, BVBank, CBBank, TPBank, PGBank, SeABank và mới nhất là VietABank.
Sau điều chỉnh, mức lãi suất tiết kiệm 6%/năm đã quay trở lại tại một số nhà băng tại kỳ hạn từ 24 tháng trở lại. Trước đó, mức lãi suất tiết kiệm thông thường cao nhất trên thị trường chỉ dao động 5,4-5,7%/năm.
Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định, lãi suất đầu vào có khả năng tạo đáy trong quý II/2024 và tăng nhẹ trong bối cảnh kinh tế hồi phục và nhu cầu tín dụng dần cải thiện. Cụ thể, những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế rõ nét hơn khi GDP của Việt Nam trong quý I/2024 tăng trưởng 5,66%, mức cao nhất so với cùng kỳ từ năm 2020 đến nay; kim ngạch xuất khẩu quý I tăng 15,5%; sản xuất công nghiệp tăng 6,3%. Tính đến ngày 10/4/2024, tổng tăng trưởng tín dụng đạt trên 1%, mặc dù vẫn ở mức thấp so với mọi năm, song đã có tín hiệu tích cực kể từ mức 0,26% cuối tháng 3/2024.
Đơn vị này cũng dự báo, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 50 - 70 điểm cơ bản, quay về mức 5,1%-5,3% trong nửa sau năm 2024. Tuy nhiên, lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và các ngân hàng thương mại nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.
Xem thêm tại cafef.vn