Xuất khẩu dệt may, da giày và thủy sản đối diện nhiều thách thức phía trước

Trong 9 tháng đầu năm 2024 kim ngạch xuất khẩu (XK) dệt may của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đạt 1.448 triệu USD, bằng 107% cùng kỳ năm 2023. Mặc dù vây, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex, cho biết bối cảnh thị trường năm nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và không bền vững. Điểm khác biệt duy nhất của năm 2024 so với năm 2023 đó là sau mỗi quý thị trường chuyển biến thuận lợi hơn.

Các doanh nghiệp đang chịu áp lực lớn

Theo ông Trường, nếu như trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành dệt may chỉ XK được khoảng 20 tỷ USD, tuy nhiên sau đó, trước những tác động bất ổn của các quốc gia cạnh tranh như Bangladesh và Myanmar đã tạo thuận lợi ngắn hạn cho dệt may Việt Nam.

-6366-1727861993.png

Các DN dệt may đang đối mặt nhiều thách thức về tiêu chuẩn đánh giá tính bền vững, các tiêu chuẩn kép, tăng chi phí tuân thủ, rủi ro thanh toán trả chậm…

Dự báo, XK hàng dệt may của Việt Nam sẽ tiếp tục khả quan trong những tháng tới, bởi theo yếu tố chu kỳ thì nhu cầu hàng hóa thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm. Các thị trường XK chủ lực của Việt Nam đang ấm dần và đã tăng trưởng trở lại như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada…, riêng thị trường EU có mức tăng trưởng còn thấp. Mục tiêu XK 44 tỷ USD của dệt may Việt Nam năm 2024 là rất khả thi.

Tuy vậy, vị chủ tịch của Vinatex chỉ rõ là các doanh nghiệp (DN) sản xuất nguyên liệu dệt may vẫn đang phải đối mặt với tình hình khó khăn trong suốt 30 tháng trở lại đây. Điều này đòi hỏi cần tiếp tục hành động quyết liệt, nâng cao năng lực sản xuất, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh vận hành được ổn định.

Còn theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), có 3 thách thức mà XK dệt may đang phải đối mặt, đơn cử như với thị trường các quốc gia trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Thứ nhất là tiêu chuẩn đánh giá, hiện nay các DN đang chịu áp lực cực kỳ lớn, mỗi một nhãn hàng đặt ra một tiêu chuẩn đánh giá khác nhau về tính bền vững, ổn định và tính minh bạch trong chính sách lao động.

Thứ hai là thách thức liên quan đến tiêu chuẩn kép, với một loạt tiêu chuẩn đang đặt ra những thách thức trong vấn đề bán hàng của DN dệt may Việt Nam vào thị trường CPTPP.

Thứ ba là cách thức mua hàng và thanh toán. Vị chủ tịch Vitas cho rằng bây giờ hầu hết các nhãn hàng trên toàn cầu (trong đó có các đối tác trong CPTPP) khi mua hàng của DN Việt Nam nhưng rủi ro thanh toán lại là một thách thức. Chẳng hạn như việc thanh toán trả chậm, từ 60 ngày đến 90 ngày, thậm chí có đơn hàng mà đối tác ép trả chậm trong 120 ngày.

“Đây là áp lực rất lớn cho DN, thế nhưng tất cả là bài học và các DN dệt may Việt Nam phải tiếp tục đàm phán với nhà mua hàng để làm sao hạn chế rủi ro tối thiểu nhất cho mình”, ông Giang bộc bạch.

Còn với XK da giày, nếu duy trì được tốc độ phục hồi như hiện nay là 10% thì dự kiến XK ngành da giày sẽ đạt khoảng 27 tỷ USD trong năm 2024. Tuy nhiên áp lực chi phí gia tăng vẫn đang là thách thức đối với các DN trong ngành hàng này.

Vẫn lo đội chi phí tuân thủ

Không chỉ vậy, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), thách thức sắp tới là chi phí tuân thủ đang ngày càng gia tăng. Bởi lẽ, chi phí tuân thủ hiện đang chiếm tỷ trọng khá lớn trong giá thành sản phẩm. Và các DN cũng e ngại rằng khi các quy định của các thị trường nhập khẩu bổ sung thêm bên cạnh việc tuân thủ những quy định chung để hưởng ưu đãi thuế quan (như với CPTPP) khiến cho các chính sách khác sẽ gia tăng, sẽ ảnh hưởng đến chi phí tuân thủ.

“Cho nên các DN cần phải xem xét, nhất là với mức ưu đãi thuế quan và so với việc gia tăng chi phí tuân thủ sẽ như thế nào? Nếu như chi phí tuân thủ ngày càng lớn, việc hưởng lợi thế ưu đãi thuế quan cũng sẽ không trở thành lợi thế nữa”, bà Xuân băn khoăn.

Cũng theo vị phó chủ tịch Lefaso, như với một yêu cầu về môi trường hay lao động, đó là nhãn hàng lại yêu cầu phải đáp ứng, rồi các quốc gia nhập khẩu cũng đưa vào chính sách bắt buộc đáp ứng. Như vậy là cùng một yêu cầu đưa ra nhưng phải 3 lần làm kiểm toán nhà máy, chắc chắn gây ra gánh nặng rất lớn cho DN.

Còn với XK thủy sản, số liệu đưa ra vào ngày 2/10 của Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản (Vasep) cho thấy 9 tháng đầu năm đạt 7,16 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 9, XK đạt 866 triệu USD, tăng 6,4% so với tháng 9/2023. Sau 4 năm bị xáo trộn bởi dịch Covid, chiến tranh, lạm phát, diễn biến của các thị trường đang dần ổn định, XK thủy sản Việt Nam năm 2024 đã quay trở lại quỹ đạo thông thường là tăng tốc trong nửa cuối năm, đạt đỉnh vào quý 3/2024.

Theo Vasep, việc tiếp tục tăng trưởng trong tháng 9/2024 thể hiện XK thủy sản đang có tín hiệu tích cực cho cộng đồng ngành thủy sản, với niềm tin năm 2024, XK sẽ đạt được kết quả tốt hơn so với năm 2023 với dự kiến kim ngạch đạt 9,5 tỷ USD, tăng 7%. Nhu cầu của các thị trường đang hồi phục, giá XK ở các thị trường đang và sẽ tiếp tục tăng là động lực cho DN thúc đẩy XK trong những tháng cuối năm và năm 2025.

Tuy nhiên, nói về thách thức hiện nay, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Vasep, lưu ý về việc gia tăng các tiêu chuẩn ở thị trường nhập khẩu. Cho nên, các DN Việt Nam cần chú ý nhiều vào các chứng nhận bền vững để duy trì năng lực cạnh tranh của mình.

Hoặc như đối với thị trường CPTPP đang là khu vực thị trường quan trọng của Việt Nam, luôn chiếm 1/4 tổng kim ngạch XK, theo ông Nam, dư địa là rất lớn khi mức tăng trưởng vào thời điểm này là 3,4%, chưa tương xứng với con số kỳ vọng là 8%.

“Có nghĩa là còn nhiều việc phải làm, như đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xúc tiến thị trường là rất quan trọng. Đặc biệt là cần tăng cường hơn nữa những hoạt động kết nối để tận dụng dư địa ở thị trường quan trọng này”, ông Nam nói.

Chung quy lại, mặc dù hoạt động XK các ngành hàng chủ lực như dệt may, giày dép, thủy sản có những tín hiệu khả quan nhưng các DN cũng không thể chủ quan khi mà còn nhiều thách thức phía trước phải đối mặt. Điều cần làm là phải thích ứng tốt, vượt qua những chướng ngại này để có chiến lược XK lâu dài hiệu quả hơn.

Thế Vinh

Xem thêm tại vnbusiness.vn