Những tín hiệu tích cực bắt đầu xuất hiện
Theo số liệu công bố ngày 22/2 của Tổng cục Hải quan, lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/2, dệt may đã không còn là mặt hàng có kim ngạch tỷ USD khi chỉ mang về 960 triệu USD. Tuy nhiên, nhận định về tình hình xuất khẩu dệt may năm 2024, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đánh giá, những tín hiệu tích cực cho ngành dệt may đã bắt đầu xuất hiện.
Nhiều doanh nghiệp thành viên đã có đơn hàng đến tháng 6/2024. Ảnh: TL |
Theo thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), tính đến hết tháng 2/2024, nhiều doanh nghiệp thành viên đã có đơn hàng đến tháng 6/2024, thậm chí có doanh nghiệp đã nhận đơn hàng đến hết năm nay. Bên cạnh đó, ngành sợi cũng được nhiều khách hàng đàm phán, giao dịch cho những tháng tiếp theo. Đơn cử, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết, May 10 đã có đơn hàng đến hết quý II và đang tiếp tục đàm phán cho những tháng tiếp theo.
“Đáng chú ý, hiện số lượng đơn đặt hàng chủ yếu ở thị trường tiêu thụ dệt may lớn của thế giới là Mỹ - cũng là thị trường lớn nhất chiếm hơn 40% thị phần của ngành dệt may Việt Nam. Đây là triển vọng lớn cho xuất khẩu dệt may năm 2024. Những tín hiệu khởi sắc góp phần củng cố niềm tin, giúp các doanh nghiệp tăng cường đầu tư thiết bị, gia tăng quy mô sản xuất, kinh doanh để đón làn sóng nhập khẩu từ các thị trường lớn", ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Vitas nhấn mạnh.
Năm 2024, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 17.536 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2023, lợi nhuận đạt 415 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2023. |
Một tin vui khác, khảo sát của Sở Công thương TP. HCM cho thấy, ngay sau Tết Nguyên đán, hầu hết doanh nghiệp dệt may trên địa bàn đã có đơn hàng xuất khẩu, tỉ lệ lao động trở lại làm việc trên 90%.
Chia sẻ với phóng viên TBTCVN, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu chia sẻ thêm, mặc dù năm 2023 là một năm suy giảm kim ngạch xuất khẩu, song ngành dệt may vẫn có một số bứt phá. Đầu tiên phải kể đến là chưa năm nào ngành này xuất khẩu sang nhiều thị trường như vậy với 104 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong đó, nhiều doanh nghiệp dệt may đã chủ động tìm kiếm các thị trường mới trong khối ASEAN, khu vực châu Á, Liên minh châu Âu (EU) và một số quốc gia ở châu Mỹ, Trung Đông, Nga. Các doanh nghiệp đã bước đầu linh hoạt tận dụng hiệu quả các FTA bằng cách tìm kiếm các thị trường được ưu đãi thuế quan theo FTA đang có hiệu lực.
Nâng cao năng lực, hướng tới làm các đơn hàng khó
Bước sang năm 2024, dự báo nền kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức, song ngành dệt may Việt Nam vẫn quyết tâm đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với 2023.
Đánh giá về cơ hội và triển vọng xuất khẩu từ nay đến cuối năm, Chủ tịch Vitas cho biết, ngành dệt may Việt Nam đang có những ưu thế so với các quốc gia cạnh tranh. Ưu thế đầu tiên cần nhắc đến là chúng ta đã tham gia và đang đàm phán 19 FTA và là quốc gia duy nhất ký kết FTA với tất cả các đối tác như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Eu, Anh, Nga - những thị trường đang có dấu hiệu phục hồi, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa đang “ấm” lên. Ở trong nước, mặt bằng lãi suất cho vay giảm đáng kể, giúp giảm sức ép chi phí lãi vay, trong khi các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về thuế, đất đai…được kéo dài trong năm 2024.
Hiện Việt Nam là nhà xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ ba thế giới với nhiều tiềm năng để phát triển hơn nữa. Nhiều nhà sản xuất dệt may quốc tế đã và đang mở rộng hoạt động sang Việt Nam để thúc đẩy ngành công nghiệp nội địa vốn đã phát triển mạnh mẽ. |
Chưa hết, Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 được Chính phủ phê duyệt mới đây sẽ là nền móng thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sợi - dệt - nhuộm. Đó chính là những yếu tố thuận lợi, tạo cơ hội cho ngành dệt may tận dụng ưu đãi từ các FTA.
Còn theo ông Lê Hoàng Tài - Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công thương, từ đầu năm nay, các nhà sản xuất, chuỗi cung ứng hàng dệt may toàn cầu tiếp tục chọn Việt Nam là nơi sản xuất và đặt hàng, cho thấy Việt Nam có thế mạnh nhất định trong lĩnh vực này.
Ngành sợi được nhiều khách hàng đàm phán, giao dịch. Ảnh: TL |
Trong bối cảnh đó, theo Chủ tịch Vitas, doanh nghiệp dệt may cần đầu tư về công nghệ, tự động hóa và dây chuyền thích ứng giao hàng nhanh, mã hàng nhỏ, chất lượng cao. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp dệt may tích cực nâng cao năng lực, chủ động, linh hoạt trong chiến lược xuất khẩu, hướng tới nâng cao chất lượng, làm các đơn hàng khó để tăng giá trị.
Điển hình, Tổng giám đốc Công ty CP May 10 Thân Đức Việt cho biết, năm 2024, doanh nghiệp tăng cường công tác quản lý chất lượng, tập trung nghiên cứu và chuyển đổi sản phẩm, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, chất liệu mới, đẩy nhanh tốc độ may mẫu, dập mẫu, chất lượng mẫu... để làm các đơn hàng khó, đầu tư chiều sâu để đáp ứng tiêu chuẩn hóa của các nước nhập khẩu đặt ra.
Còn theo ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên - CTCP, năm 2024 sẽ tiếp tục đầu tư thiết bị theo chiều sâu, sử dụng thiết bị tự động hóa, số hóa nhiều để sản xuất hàng trị giá cao./.