Xuất khẩu gạo: Chênh vênh vùng đỉnh

Giá gạo điều chỉnh

Tính đến ngày 8/1/2025, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh với so với 1 tháng trước đó. Cụ thể, theo số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm là 460 USD/tấn, giảm 11,5% so với đầu tháng 12/2024. Tương tự, gạo 25% tấm có giá 432 USD/tấn, giảm 10,9%; gạo 100% tấm có giá 327 USD/tấn, giảm 20%. Các mức giá này đang ở vùng đáy hơn 1 năm qua.

Đây là tình trạng chung với các thị trường xuất khẩu gạo khác, khi nguồn cung dồi dào và nhu cầu nhập khẩu trong ngắn hạn chững lại, khiến giá gạo xuất khẩu của các nước đều lao dốc.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công thương diễn ra chiều 7/1/2025, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương đánh giá, giá gạo không thể nào tăng mãi, khi đã lên đến đỉnh thì sẽ phải giảm. Sản lượng gạo trên thế giới dồi dào đã tác động đến giá gạo, trong đó có cả các nước như Thái Lan, Pakistan, chứ không riêng Việt Nam.

Các thương nhân ở Thái Lan dự báo, xuất khẩu gạo của nước này sẽ giảm trong năm 2025, nay do Ấn Độ gia tăng xuất khẩu, mức giảm giá có thể lên đến 30%, thậm chí cao hơn nếu nhu cầu yếu.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2024, Việt Nam lập kỷ lục mới cả về khối lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo, với khoảng 9 triệu tấn, đem về 5,7 tỷ USD, tăng 11% về khối lượng và tăng 24% về giá trị so với năm 2023. Giá gạo xuất khẩu gạo bình quân năm 2024 đạt mức cao nhất từ trước tới nay, trên 600 USD/tấn.

Hiện tại, Ấn Độ đã bãi bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu gạo, lượng gạo dồi dào đang tạo ra sức ép giảm giá trên thị trường. Thông tin từ Tập đoàn Lương thực Ấn Độ cho thấy, lượng gạo dự trữ (gồm cả thóc chưa xay) tại các kho dự trữ nhà nước đạt tổng cộng 44,1 triệu tấn vào đầu tháng 12/2024, gấp 5 lần mục tiêu của Chính phủ. Lượng gạo dự trữ cao cho phép Ấn Độ tăng cường xuất khẩu mà không làm ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước.

Bộ Nông nghiệp Mỹ Hoa Kỳ ước tính, sản lượng lúa gạo toàn cầu sẽ đạt mức cao kỷ lục trong niên vụ 2024 - 2025, với 533,7 triệu tấn, nhiều hơn 11 triệu tấn so với niên vụ 2023 - 2024. Trong đó, Ấn Độ dẫn đầu về tăng trưởng sản lượng, đạt mức kỷ lục là 145 triệu tấn, tăng 7,2 triệu tấn.

Ngoài ra, hoạt động sản xuất lúa gạo có khả năng sẽ tăng đáng kể tại các quốc gia như Argentina, Brazil, Benin, Trung Quốc, Congo, Ai Cập, Liên minh châu Âu…, khiến tổng nguồn cung gạo toàn cầu trong niên vụ 2024 - 2025 (sản lượng và tồn kho) ước tính đạt kỷ lục 712,8 triệu tấn, cao hơn 9,5 triệu tấn so với niên vụ trước và đánh dấu năm thứ hai tăng trưởng liên tiếp.

Đối với nhu cầu nhập khẩu gạo tại các thị trường lớn của Việt Nam, Philippines là thị trường nhập khẩu lớn nhất đã tạm ngừng nhập khẩu gạo, chờ vụ mùa đông - xuân sắp tới. Tính đến tháng 11/2024, lượng gạo nhập khẩu của Philippines đạt con số kỷ lục là 4,25 triệu tấn, dẫn đến tình trạng dư thừa và phải bán ra thị trường với giá thấp để tránh hư hỏng. Bên cạnh đó, kế hoạch hợp tác giữa Philippines và các nước như Pakistan, Ấn Độ cũng gây áp lực lên hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Với Indonesia, mới đây, giới chức trách nước này đã tuyên bố sẽ không nhập khẩu một số sản phẩm nông sản, bao gồm gạo trong năm 2025, nhờ nguồn dự trữ và sản lượng trong nước dồi dào, đủ đáp ứng nhu cầu. Thay vào đó, Indonesia sẽ thu mua gạo của nông dân trong nước để dự trữ.

Đây đều là các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, do đó, việc hạn chế việc nhập khẩu gạo sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu của các đơn vị trong nước.

Trong nguy có cơ

Năm 2024, Việt Nam lập kỷ lục cả về khối lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo.

Trước tình hình xuất khẩu gạo gặp nhiều thách thức, Bộ Công thương lên kế hoạch đẩy mạnh triển khai các giải pháp xúc tiến xuất khẩu gạo trong thời gian tới.

Về phía các doanh nghiệp, Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (mã PAN) cho biết, năm 2025 vẫn có nhiều yếu tố hỗ trợ cho Công ty cổ phần Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed, mã NSC) - đơn vị thành viên của PAN và ngành gạo xuất khẩu.

Thứ nhất, dù nguồn cung tăng, nhưng biến đổi khí hậu và bất ổn địa chính trị trên thế giới khiến nhiều quốc vẫn gia phải tăng cường dự trữ lương thực, đặc biệt là gạo. Trong khi đó, Việt Nam đã và đang mở rộng xuất khẩu gạo sang các thị trường như Trung Đông, châu Phi, Trung Quốc, nhờ chất lượng gạo cao, quan hệ ngoại giao cởi mở.

Thứ hai, các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực sẽ giúp giảm thuế xuất khẩu gạo, tạo điều kiện cho gạo Việt Nam cạnh tranh tốt hơn về giá.

Thứ ba, tỷ giá đồng Việt Nam ổn định so với các đồng tiền lớn sẽ giúp giá gạo xuất khẩu cạnh tranh hơn.

Thứ tư, Việt Nam đang đẩy mạnh xuất khẩu gạo chất lượng cao, Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp chuyển đổi sang các giống gạo cao cấp, giá trị gia tăng lớn. Điều này phù hợp với nhu cầu đối với gạo thơm, gạo hữu cơ và gạo đạt chuẩn quốc tế tăng cao, đặc biệt từ các thị trường khó tính như EU, Mỹ.

Thứ năm, Chính phủ có thể tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ tín dụng và bảo hiểm xuất khẩu. Ngoài ra, việc chính thức triển khai chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là một phần của chiến lược phát triển bền vững nông nghiệp và thúc đẩy xuất khẩu gạo chất lượng cao phù hợp với yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Để chuẩn bị cho năm 2025 cũng như trong dài hạn, Vinaseed đã xây dựng được các vùng sản xuất đảm bảo chất lượng ổn định. Công ty tập trung vào thị trường gạo thương hiệu và phân khúc khách hàng có yêu cầu cao về chất lượng cũng như hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế như FSSC22000, BRCs… Đồng thời, tiếp tục đầu tư mở rộng, hiện đại hóa cơ sở vật chất giúp nâng cao cả về quy mô và chất lượng sản phẩm gạo xuất khẩu.

Vinaseed cũng sẽ tăng diện tích gieo trồng các giống lúa thơm chất lượng cao như ST25, RVT. Đặc biệt, doanh nghiệp đã nghiên cứu thành công đưa thêm giống mới chất lượng cao Ngọc Nương 9 cho năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt, có mùi thơm, bổ sung vào cơ cơ cấu sản phẩm kinh doanh năm 2025.

Đối với đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao đang được các doanh nghiệp kỳ vọng, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (mã TAR) cho rằng, để thực hiện thành công đề án, các doanh nghiệp ngành gạo cần được vay vốn dài hạn (7 - 10 năm) để xây dựng và lắp đặt hệ thống sản xuất từ đầu cho đến khâu cuối là chế biến sâu, đóng gói sản phẩm. Nếu không đầu tư thì không thể sản xuất - kinh doanh xuất khẩu gạo. Cùng với đó, doanh nghiệp cần vốn vay ngắn hạn để thanh toán tiền lúa tươi cho nông dân khi thu hoạch.

“Khi không vay được vốn dài hạn mà các doanh nghiệp vẫn hoạt động được, đó là các doanh nghiệp phải ‘giật gấu vá vai’, lấy vốn ngắn hạn chuyển qua đầu tư dài hạn. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến hầu hết các doanh nghiệp trong ngành gạo không tham gia chuỗi liên kết sản xuất gắn liền với tiêu thụ”, ông Bình nói.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn