Xuất khẩu thắng lớn, Lộc Trời vẫn giảm lợi nhuận

Nội dung chính:

  • Xuất khẩu lúa gạo giúp Lộc Trời khởi sắc trong năm 2023 với doanh thu riêng mảng lúa gạo tăng 75% so với cùng kỳ.
  • Trong năm 2023, Lộc Trời đẩy mạnh vay nợ, đồng thời “bán chịu” cho khách hàng, dẫn đến các khoản nợ khó thu hồi hơn 1.000 tỷ đồng.
  • Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật vẫn là mảng mang lại nguồn lợi nhuận chính cho Lộc Trời từ trước đến nay.

Năm 2023, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) đạt doanh thu 16.068 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2022, theo báo cáo tài chính quý IV/2023 công ty vừa công bố. Mảng kinh doanh lúa gạo, trong đó chủ yếu là xuất khẩu gạo đóng góp tới 70% doanh thu của công ty, tăng mạnh từ tỷ lệ 55% năm 2022 và 40% vào năm 2021.

Không chỉ tăng tỷ trọng, mảng lúa gạo của Lộc Trời còn chứng kiến mức tăng trưởng giá trị ấn tượng, lên tới 75% trong năm vừa qua, nhờ tận dụng thế mạnh của ngành lúa gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Mảng lúa gạo tăng trưởng mạnh mẽ, trong khi mảng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) của Lộc Trời đã giảm nhẹ 4% trong năm 2023.

Xuất khẩu thắng lớn, Lộc Trời vẫn giảm lợi nhuận - Ảnh 1.

Doanh thu các mảng kinh doanh của Lộc Trời qua ba năm gần nhất (đơn vị: tỷ đồng)

Kết quả năm 2023 Lộc Trời lãi 265 tỷ đồng sau thuế, giảm 35% so với năm 2022.

Kết quả này tương đương ⅔ kế hoạch lợi nhuận mà ĐHĐCĐ thường niên 2023 của công ty thông qua.

Tăng cường vay nợ, “bán chịu”

Để tăng cường xuất khẩu gạo, Lộc Trời phải thu mua lúa từ các hộ nông dân, hợp tác xã. Việc thu mua thường được thực hiện khi lúa chưa đến mùa thu hoạch. Để có nguồn tiền thu mua lúa, chế biến và xuất khẩu, Lộc Trời đã đẩy mạnh vay nợ trong năm vừa qua, đặc biệt là nợ vay ngắn hạn, khi nguồn thu từ xuất khẩu vẫn đến trễ hơn.

Nợ vay ngắn hạn của Lộc Trời đã tăng 66% lên mức 6.227 tỷ đồng trong năm 2023. Trong khi đó, nợ vay dài hạn vẫn chiếm tỷ trọng không đáng kể.

Thu mua lúa và chế biến xuất khẩu đã giúp Lộc Trời đạt thành tích kinh doanh lúa gạo kỷ lục trong năm vừa qua với doanh thu mảng này đạt trên 11.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hệ quả của việc tăng cường vay nợ ngay trong thời gian lãi suất ngân hàng đạt đỉnh là chi phí lãi vay của công ty trở thành gánh nặng.

Trong năm 2023, chi phí lãi vay của Lộc Trời đã lên tới 582 tỷ đồng, bằng 2,5 lần mức chi năm 2022. Mức tăng chi phí lãi vay vượt xa mức tăng giá trị khoản vay ngắn hạn của công ty.

Lãi vay không phải là gánh nặng duy nhất trong năm vừa qua của Lộc Trời.

Trong khi doanh thu tăng trưởng 37%, giá trị các khoản phải thu ngắn hạn khách hàng của công ty đã tăng gấp đôi, lên mức 6.476 tỷ đồng trong năm 2023. Quá nửa trong số đó là các khách hàng lớn của công ty. Các khoản phải thu khách hàng thực chất là các khoản “bán chịu” của Lộc Trời, giúp công ty ghi nhận doanh thu, nhưng chưa thể thu về số tiền tương ứng.

Đáng chú ý là giá trị các khoản nợ khó đòi của Lộc Trời đã tăng gấp ba trong năm 2023, đạt mức trên 1.000 tỷ đồng vào cuối năm. Công ty đã phải trích lập dự phòng 564 tỷ đồng cho các khoản nợ khó đòi nói trên.

Việc tăng trích lập dự phòng trong năm đã khiến chi phí quản lý của Lộc Trời tăng vọt từ mức gần 400 tỷ đồng năm 2022 lên gần 720 tỷ đồng năm 2023.

Có thể nói, chi phí lãi vay và dự phòng các khoản nợ khó đòi đã là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của giảm tới 35% trong năm vừa qua.

Thuốc bảo vệ thực vật “gánh” kết quả kinh doanh

Mặc dù giảm sâu tỷ trọng doanh thu (từ mức 38% xuống còn 26%), thuốc bảo vệ thực vật vẫn là mảng kinh doanh mang lại nguồn lợi nhuận chính cho Lộc Trời trong năm vừa qua.

Thuốc bảo vệ thực vật mang lại gần 2.400 tỷ đồng lãi gộp, trong khi kinh doanh lúa gạo chỉ mang về hơn 250 tỷ đồng cho công ty.

Xuất khẩu thắng lớn, Lộc Trời vẫn giảm lợi nhuận - Ảnh 2.

Lợi nhuận gộp các mảng kinh doanh của Lộc Trời từ năm 2021 - 2023 (đơn vị: tỷ đồng)

Biên lợi nhuận của ngành lúa gạo mỏng đã được đại diện Lộc Trời thừa nhận tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 của công ty. Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc công ty cho biết, nếu có một khoản vốn lớn để đầu tư vào các nhà máy chế biến sâu như chế biến dầu ăn, bột gạo, sản xuất gas,...biên lợi nhuận từ các sản phẩm gạo mới có thể tăng lên.

Để thu mua gạo và chế biến, xuất khẩu, Lộc Trời phải ứng trước tiền sản xuất, giống,... cho nông dân với mức lãi suất bằng 0. Trong khi đó, công ty phải vay vốn ngân hàng trong giai đoạn thị trường vốn khó khăn, lãi suất ngân hàng cao.

Nhờ cung ứng vật tư cho nông dân, trong đó có thuốc bảo vệ thực vật, kết quả kinh doanh của Lộc Trời mới được đảm bảo.

Trong năm 2023, Lộc Trời được hạch toán khoản lợi nhuận từ công ty liên kết tới 316 tỷ đồng, góp phần “cứu” kết quả kinh doanh của công ty. Mức lợi nhuận này thậm chí cao hơn lãi gộp của mảng kinh doanh lúa gạo.

Tuy nhiên, thực tế đây chỉ là khoản đánh giá lại giá trị khoản đầu tư vào công ty Lộc Nhân, không đến từ lợi nhuận thực tế do hoạt động kinh doanh mang lại.

Xem thêm tại cafef.vn