Cụ thể, kết thúc quý I/2024, doanh nghiệp tôm hàng đầu là Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (mã ck: MPC) ghi nhận 2.751 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 30% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 7 tỷ đồng, con số này cải thiện rất nhiều so với khoản lỗ 98 tỷ đồng hồi quý I/2023.
Tính đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản của MPC ở mức 7.657 tỷ đồng, tăng 1,1% so với mức 7.571 tỷ đồng tại ngày đầu năm 2024. Trong đó, tiền gửi ngân hàng của doanh nghiệp giảm 86,4%, xuống còn 40,3 tỷ đồng.
Hàng tồn kho của MPC đạt 2.176 tỷ đồng, tương ứng tăng 11,9% so với mức 1.943 tỷ đồng tại ngày đầu năm, bao gồm 17,2 tỷ đồng dự phòng giảm giá hàng tồn kho.
Các chuyên gia nhận định, định giá cổ phiếu tôm vẫn còn hấp dẫn so với mức định giá hiện tại. Ảnh minh hoạ. |
Nợ phải trả của MPC tại ngày 31/3/2024 ghi nhận ở mức 2.229 tỷ đồng, tăng 3,3% so với số đầu năm. Trong đó, biến động lớn đến từ khoản phải trả người bán ngắn hạn khi tăng từ 106 tỷ đồng lên 272 tỷ đồng. Khoản phải trả người lao động giảm sâu 84%, còn 8,3 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn giảm từ 1.874 tỷ đồng xuống còn 1.722 tỷ đồng.
Cùng có kết quả hoạt động kinh doanh tích cực trong quý I, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã ck: FMC) ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.460 tỷ đồng, cao hơn 44,8% so với cùng kỳ năm trước. Về cơ cấu, doanh thu bán thuỷ sản chiếm phần lớn với 1.425 tỷ đồng và doanh thu bán nông sản đạt 34,8 tỷ đồng.
Sau khi trừ chi phí, FMC báo lãi trước thuế 57,4 tỷ đồng và lãi sau thuế 57,2 tỷ đồng, tăng lần lượt tăng 13,4% và 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn tại Công ty cổ phần Camimex (mã ck: CMX), trong 3 tháng đầu năm ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng 35,9% lên mức 31,3 tỷ đồng. Theo đó, kết quả kinh doanh của CMX tăng trưởng đến từ doanh thu thuần đạt 789,4 tỷ đồng, cao gấp 3,3 lần so với cùng kỳ. Từ đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh được cải thiện đáng kể, từ 27,3 tỷ đồng trong quý I/2023 lên mức 36,8 tỷ đồng trong quý I năm nay.
Về xuất khẩu tôm, theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), Công ty kỳ vọng tăng trưởng về lượng trong khi giá tôm khó hồi phục. Đối với thị trường Nhật Bản, ước tính sản lượng sẽ tăng trưởng 10% so với cùng kỳ, trong khi giá bán sẽ tăng nhẹ khi sức mua tốt hơn trong bối cảnh tiền lương tại Nhật Bản tăng cùng với mức nền 2023 thấp. Tại thị trường Trung Quốc và Mỹ, VDSC kỳ vọng sản lượng tăng trưởng nhờ nền kinh tế phục hồi trong khi giá bán tương đương cùng kỳ do áp lực cạnh tranh về tôm nguyên liệu còn cao. Tại thị trường Trung Quốc, Việt Nam luôn phải cạnh tranh mạnh mẽ với Ecuador vì Trung Quốc là thị trường trọng điểm của Ecuador (chiếm 57% sản lượng trong năm 2023). VDSC kỳ vọng trong năm 2024, xuất khẩu tôm tại thị trường này cũng sẽ có chuyển biến tích cực hơn. |