Xuất khẩu thủy sản vào Mỹ khó tránh 'chướng ngại vật'

Mới đây, khi nêu ra một trong những thách thức cho năm 2024, CTCP thực phẩm Sao Ta (FMC) có lưu ý đến các rào cản thương mại gia tăng và quy định thị trường khắt khe hơn, đơn cử như vụ điều tra chống trợ cấp của Mỹ với tôm nhập khẩu từ 4 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Mối lo rào cản thương mại

Cần nhắc lại, hồi tháng 11/2023, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã khởi xướng điều tra chống trợ cấp đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam với cáo buộc tôm nhập khẩu gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tôm nội địa. Động thái này dựa trên đơn đề nghị điều tra thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu từ Hiệp hội Chế biến tôm Mỹ (ASPA).

-8208-1706090119.jpg

Xuất khẩu tôm của Việt Nam vào Mỹ trong năm 2024 đang đứng trước mối lo điều tra chống trợ cấp.

Chưa rõ kết quả của vụ điều tra này sẽ thế nào, nhưng theo nhận định đưa ra hôm 24/1 từ chuyên gia phân tích thị trường tôm thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) thì hoạt động xuất khẩu (XK) tôm Việt Nam sang Mỹ sẽ bị ảnh hưởng trong nửa đầu năm 2024.

Giới quan sát cho rằng vụ khởi xướng điều tra chống trợ cấp với tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam lần này có tính chất và mức độ phức tạp hơn rất nhiều so với vụ điều tra chống trợ cấp của DOC khởi xướng cách đây 10 năm mà chúng ta đã thắng kiện.

Điều đó có thể khiến cho việc XK tôm sẽ càng trở nên thách thức hơn khi Mỹ là thị trường XK chủ lực. Do đó kết quả cuối cùng của vụ điều tra này không chỉ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp (DN) được lựa chọn để điều tra, mà có ảnh hưởng tới ngành tôm Việt.

Thực tế cho thấy, không chỉ với con tôm, thách thức lớn với XK thủy sản của Việt Nam sang Mỹ là thường đối diện với nguy cơ điều tra phòng vệ thương mại, biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, áp dụng nhiều chính sách bảo hộ phi thuế quan.

Bên cạnh đó, thị trường nhập khẩu này liên tục áp dụng các hàng rào kỹ thuật khắt khe theo tiêu chuẩn, chất lượng cũng như thủ tục của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), cùng các quy định về kiểm dịch của Bộ Nông nghiệp Mỹ, đặc biệt về môi trường nuôi trồng, dư lượng kháng sinh, quy định về ghi nhãn, xuất xứ hàng hóa, bản quyền…

Mặt khác, thêm một thách thức khác đó là tôm Việt đang ngày càng gặp áp lực cạnh tranh gay gắt tại thị trường Mỹ từ các đối thủ lớn như tôm Ecuador và Ấn Độ. Nhất là khi khả năng cạnh tranh của tôm Việt Nam kém hơn so với các đối thủ này do giá thành sản xuất cao.

Đơn cử như tôm loại 50-60 con/kg của Việt Nam có giá thành sản xuất lên đến 4,8-5 USD/kg, cao hơn rất nhiều so với 2,3-2,4 USD/kg của Ecuador và 3,4-3,8 USD/kg của Ấn Độ.

Cần chuẩn bị với tâm thế thận trọng

Ngoài những vấn đề nêu trên, theo chuyên viên phân tích của Vasep, căng thẳng Biển Đỏ đầu năm 2024, khiến giá cước vận tải biển đi Mỹ tăng, cũng là một chướng ngại cho doanh nghiệp XK thủy sản sang Mỹ trong năm 2024.

Đơn cử như theo báo giá của một số hãng tàu, giá cước từ Việt Nam đi cảng khu vực bờ Đông nước Mỹ trong hạ tuần tháng 1/2024 đang dao động 4.100 - 4.500 USD/container 40 feet, tức tăng thêm 58-73% so với tháng 12/2023.

Trong khi đó, lượng hàng thủy sản từ Việt Nam đi bờ Đông của Mỹ đều phải qua kênh đào Suez. Tuy nhiên, do căng thẳng bởi chiến tranh, bao gồm cả những bất ổn từ việc tấn công tàu hàng đi vào Biển Đỏ để qua kênh đào Suez, cho nên tàu hàng phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng (Nam Phi). Điều này khiến hành trình kéo dài thêm 7-10 ngày, tức chi phí phát sinh sẽ nhiều hơn, làm giảm sức cạnh tranh về giá cả của mặt hàng thủy sản Việt tại thị trường Mỹ.

Mặc dù gặp không ít chướng ngại nêu trên, các doanh nghiệp (DN) thủy sản của Việt Nam vẫn kỳ vọng thị trường Mỹ sẽ hồi phục mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm 2024.

Chẳng hạn với nhà XK cá tra hàng đầu như CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) mà thị trường Mỹ chiếm 30% tổng doanh thu, theo Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán VnDirect, việc tiếp tục hưởng lợi từ thuế chống bán phá giá 0% trong POR 19 (kết quả sơ bộ đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 19 của Mỹ đối với phi lê cá đông lạnh của Việt Nam) sẽ có tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của VHC trong năm 2024.

Ngoài ra, như kỳ vọng của VnDirect, thị trường Mỹ sẽ hồi phục mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm 2024 do tác động kép của nhu cầu tăng trong mùa nghỉ lễ và mức tồn kho giảm.

Trên thực tế, nhiều DN trong ngành hàng cá tra vẫn luôn dành sự quan tâm đến thị trường tiêu dùng Mỹ vì nơi đây khách hàng sẵn sàng trả giá cao cho các sản phẩm cá tra chất lượng của Việt Nam. Cho nên, bên cạnh các chướng ngại thì việc hồi phục ở thị trường này là điều mong đợi của họ.

Với các DN trong ngành tôm cũng vậy, họ cũng luôn chờ các cơ hội để XK vào thị trường này. Tuy vậy, theo dự báo từ Vasep thì XK tôm Việt Nam sang Mỹ sẽ chỉ tăng nhẹ trong năm 2024 khi nhu cầu ăn uống cải thiện, lạm phát hạ nhiệt, doanh số bán lẻ tại Mỹ phục hồi.

Có thể nói, trong bối cảnh XK thủy sản vào thị trường Mỹ khó tránh các chướng ngại thì điều nên làm với các DN trong ngành hàng này là cần một sự chuẩn bị với tâm thế thận trọng.

Nhất là cần chuẩn bị mọi mặt và tích cực cho công tác chống bán phá giá và chống trợ cấp trong năm 2024. Thị trường lớn như Mỹ khó tránh khỏi những thách thức, thậm chí liên tục biến động, càng đòi hỏi các DN thủy sản phải luôn linh hoạt thích ứng và cần phải có những kịch bản cho nhiều tình huống xảy ra.

Thế Vinh

Xem thêm tại vnbusiness.vn