Xung lực mạnh mẽ từ kiều hối
Có mặt tại ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) ngày 24-1, chúng tôi ghi nhận không khí chộn rộn khi nhiều gia đình ngóng người thân trở về đoàn tụ. Bà Nguyễn Thu Thảo (ngụ quận Bình Tân, TP HCM) cho biết con trai sang Hàn Quốc làm việc đã 5 năm, năm nay mới lần đầu về đón Tết. "Nhờ thu nhập ổn định nên mấy năm qua, con tôi đỡ đần gia đình được ít nhiều, giúp tôi có vốn mở được nhà hàng" - bà Thảo khoe.
Rộn ràng về quê ăn Tết
Ông Nguyễn Thiên Vương (ngụ TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cũng có mặt ở đây để đón em gái về ăn Tết cùng gia đình sau 7 năm du học và làm việc ở Nhật Bản. Trong khi đó, bà Nguyễn Trúc Đào (ngụ TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) liên tục nhắn tin, gọi điện cho người thân đang làm thủ tục nhập cảnh sau chuyến bay về từ Singapore.
Đa số những người có mặt ở sân bay cho biết người thân đã nhiều năm sống và làm việc ở xứ người, không có dịp về quê hương. Không ít kiều bào trong số đó bị mắc kẹt từ dịch COVID-19, khi tình hình kinh tế thế giới tốt lên và công việc làm ăn thuận lợi hơn mới có điều kiện về nước. "Em trai tôi ở nước ngoài từ trước dịch COVID-19 đến nay mới về được. Mấy năm trước, em tôi tập trung làm việc, dành dụm để có vốn sau này về nước đầu tư và gửi tiền về hỗ trợ gia đình" - ông Nguyễn Hải Đăng (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết.
Theo số liệu của Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, trong ngày 24-1, có 137 chuyến bay quốc tế đến sân bay này với 21.904 hành khách. Trong đó, không ít kiều bào tranh thủ về để thăm quê, trải nghiệm lễ hội trên khắp đất nước, góp phần làm sôi động thị trường du lịch Tết năm nay.
Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc tiếp thị và truyền thông Lữ hành Saigontourist, thông tin tour trước Tết có đến 80% là khách Việt kiều, còn với tour khởi hành trong những ngày Tết, nhóm khách này chiếm 60%. Tại Vietravel, Phó Tổng Giám đốc Huỳnh Phan Phương Hoàng cho hay tính đến thời điểm hiện tại, du khách kiều bào tăng trưởng theo đúng kế hoạch của công ty. "Việt kiều là nhóm khách thú vị, họ vừa là người trải nghiệm vừa là nhân tố lan tỏa các chuyến đi đến với người thân, bạn bè" - bà Phương đánh giá.
Nguồn lực hấp dẫn
Cùng với sự trở về của kiều bào là nguồn lực kiều hối hấp dẫn, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Chỉ tính riêng TP HCM, năm 2023, kiều hối chuyển về đạt gần 9,5 tỉ USD, tăng 43,3% so với năm 2022 - mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
Ông Đinh Vĩnh Cường (người Việt Nam ở Nhật Bản), Chủ tịch Tập đoàn 365 Group, nhận định kiều hối là nguồn lực tài chính quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới, ông Cường cho hay lượng kiều hối về Việt Nam năm 2024 dự báo đạt 14,4 tỉ USD, cao hơn mức kỷ lục 14 tỉ USD của năm 2023.
Bà Đỗ Thị Hà Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Kiều hối Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - SBR), cho biết đến cuối năm 2023, lượng kiều hối qua Sacombank - SBR tăng trưởng gần 98% so với năm trước. Đây là dấu hiệu tích cực, góp phần tăng thêm nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế TP HCM nói riêng và cả nước nói chung. "Kiều hối chuyển về Việt Nam không chỉ giúp đỡ thân nhân trong nước, chảy vào tiêu dùng, sản xuất - kinh doanh, phát triển kinh tế mà còn giúp tăng nguồn cung ngoại tệ, ổn định thị trường ngoại hối" - bà Thanh nhìn nhận.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, những tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng chậm nhưng nhu cầu vốn của doanh nghiệp (DN) luôn có, nhất là DN vừa và nhỏ với khả năng tiếp cận tín dụng hạn chế. Do đó, việc tìm kiếm các nguồn lực khác là cần thiết, bao gồm nguồn lực từ kiều hối.
"Thống kê qua các năm cho thấy kiều hối chuyển về không chỉ để hỗ trợ người thân, gia đình mà còn chảy vào sản xuất - kinh doanh, đầu tư, mua bán bất động sản... Một lượng kiều hối không nhỏ gửi về góp phần tiếp sức vốn cho DN vừa và nhỏ khi không đủ "sức khỏe" tài chính, tài sản thế chấp để vay ngân hàng. Kiều hối đã "chia lửa" với dòng vốn tín dụng trong việc hỗ trợ DN" - ông Minh đánh giá.
Thu hút kiều hối nhiều hơn nữa
Để thu hút kiều hối nhiều hơn nữa, Sacombank - SBR cho biết đã cải tiến và đi đầu trong công nghệ chi kiều hối 24/7, bảo đảm chất lượng dịch vụ nhanh chóng, an toàn, chính xác, bảo mật. Công ty cũng có nhiều chương trình chăm sóc khách hàng, mang đến những trải nghiệm tích cực.
Nhiều ngân hàng thương mại triển khai hàng loạt chương trình, dịch vụ ưu đãi để hút nguồn kiều hối chuyển về, nhất là trong dịp cuối năm.
Ông Đinh Vĩnh Cường góp ý Chính phủ tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tỉ giá và lạm phát, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi và minh bạch cho DN. Đồng thời, tăng cường kết nối và thông tin về thành tựu của đất nước, qua đó tăng niềm tự hào và tình cảm hướng về quê hương của kiều bào. Quan trọng không kém là cần chính sách hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi của người Việt Nam ở nước ngoài; khuyến khích, hỗ trợ kiều bào tham gia các dự án phát triển xã hội, giáo dục, y tế và môi trường từ nguồn kiều hối, qua các chương trình hợp tác và đầu tư.
Riêng với TP HCM, theo ông Đinh Vĩnh Cường, thành phố cần phát huy lợi thế trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, logistics và du lịch để kiều bào thấy được đây là thành phố đáng sống và đáng đầu tư. Song song đó, cần tạo điều kiện hỗ trợ kiều bào tham gia các hoạt động thương mại như góp vốn, cổ phần với DN trong nước; ưu đãi thuế, tạo điều kiện cho kiều bào đầu tư vào bất động sản. TP HCM cũng cần tăng cường hợp tác với các tổ chức kiều bào, đặc biệt là tổ chức có uy tín và năng lực tài chính để tìm kiếm cơ hội đầu tư, hỗ trợ cho các dự án phát triển thành phố.
Ông Danny Võ - chuyên gia tư vấn thương hiệu Diamond Brand Institute, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài - chỉ rõ hiện có 5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, từ người sống lâu năm ở các nước đến thế hệ kiều bào trẻ đang quay về đóng góp cho quê hương. Do đó, cần có chiến lược riêng để thu hút đúng nguồn lực từ từng nhóm kiều bào.
"Người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tăng đầu tư, đóng góp cho quê hương, tăng cường gửi kiều hối về nếu được tạo điều kiện thuận lợi và an toàn. Họ cần cơ chế và chính sách hỗ trợ để có thể dễ dàng đầu tư, kinh doanh ở nước nhà, bao gồm việc giảm bớt rủi ro, giảm thủ tục hành chính. Việc cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước, viễn thông... cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư của kiều bào" - ông Danny Võ gợi ý.
Theo các kiều bào, hệ thống pháp luật của Việt Nam cần được cải thiện theo hướng tạo cơ chế cho nhà đầu tư làm ăn minh bạch, công bằng để huy động được nhiều hơn nữa nguồn lực từ kiều bào. Đặc biệt, Chính phủ có thể thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ kiều bào về Việt Nam thông qua các chính sách ưu đãi, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, tạo điều kiện hợp tác giữa DN trong và ngoài nước.
Sắp diễn ra chuỗi sự kiện "Xuân quê hương năm 2024"
Chương trình "Xuân quê hương năm 2024" do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp UBND TP HCM tổ chức với chủ đề "TP HCM - Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng" sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 2-2 tại TP HCM.
Trong khuôn khổ chương trình, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân sẽ chủ trì một số hoạt động ý nghĩa cùng kiều bào như Lễ dâng hoa, dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng; nghi thức thả cá chép truyền thống vào ngày Tết ông Công ông Táo.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ phát biểu chúc Tết đến toàn thể kiều bào và đánh trống khai hội mừng xuân trong chương trình giao lưu nghệ thuật "Xuân quê hương" tại Hội trường Thống Nhất vào ngày 2-2.
Đặc biệt, các kiều bào sẽ tham gia tọa đàm "Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài".
X.Mai
Xem thêm tại cafef.vn