Yếu tố bất ngờ 'phút 89', ngay lúc Hòa Phát (HPG) loay hoay giải bài toán tiêu thụ sản phẩm cho 'cú đấm thép' 85.000 tỷ đồng
Hiện tại, nhu cầu thép cuộn cán nóng (HRC) trong nước là khoảng 10 - 11 triệu tấn/năm, năng lực sản xuất trong nước là 8,5 triệu tấn/năm.
Trong khi đó, năm 2023, Việt Nam nhập khẩu tới 9,6 triệu tấn thép HRC. Xét về thị phần, "miếng bánh" đang dần rơi vào tay Trung Quốc khi thị phần năm 2021 là 32,4% thì đến năm 2023 là 45,8%. Ngược lại, thị phần của Hòa Phát (HPG) giảm từ 46% năm 2021 về 30% năm 2023.
Tình trạng cung nội địa vượt cầu nội địa và sức ép lớn đến từ đối thủ xảy ra ngay trước thềm Hòa Phát chuẩn bị đưa vào vận hành "cú đấm thép" Dung Quất 2 với quy mô 280ha, tổng vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng, công suất thiết kế 5,6 triệu tấn HRC/năm từ quý I/2025.
Sản xuất ra rồi bán cho ai? - Đây là đề bài mà Hòa Phát cần giải trước khi đưa nhà máy vào vận hành.
5,6 triệu tấn HRC/năm sắp được đẩy ra thị trường, Hòa Phát bán cho ai? (Ảnh minh họa) |
Trước đó, vào cuối tháng 3, Hòa Phát cùng Formosa (2 nhà sản xuất HRC trong nước) đã nộp đơn đề nghị điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam. Hiện tại, hồ sơ này đang trong quá trình hoàn thiện. Sau đó, Cục Phòng vệ thương mại sẽ thẩm định trong 45 ngày mới ra thông báo điều tra hay không điều tra vụ việc.
Tại ĐHĐCĐ năm 2024 mới diễn ra, Chủ tịch Trần Đình Long nói: “Chúng ta nên có quan điểm ủng hộ ngành sản xuất trong nước, không thể chấp nhận hàng hoá nước ngoài nhiều hơn sản xuất trong nước. Không một nước nào chấp nhận lượng thép nhập khẩu nhiều hơn nội địa. 30 năm trước chúng ta chưa có tên trên bản đồ thép thế giới nhưng hiện tại đã lớn nhất Đông Nam Á. Do đó, cần có nhìn nhận ủng hộ thép trong nước. Không có lý do gì doanh nghiệp trong nước bỏ ra 7 tỷ USD để đầu tư mà không bảo vệ”.
Cho thấy, hành động "tuyên chiến" với thép Trung Quốc nằm trong kế hoạch của ông Long nhằm dọn đường tiêu thụ sản phẩm cho Dung Quất 2.
Tuy nhiên, ông Long cũng lên kế hoạch dự phòng: "Khi Dung Quất 2 hoàn thành, Tập đoàn Hòa Phát sẽ tùy thời điểm sẽ ưu tiên trong nước hoặc xuất khẩu. Tuy nhiên, Hòa Phát sẽ ưu tiên bán nội địa trước vì bán trong nước có lợi hơn, nếu bán không hết thì doanh nghiệp sẽ xuất khẩu".
Nguồn: Hòa Phát |
Như vậy con đường "xuất ngoại" cho HRC từ Dung Quất 2 đã được tính đến. Hiện tại, thị trường xuất khẩu của Hòa Phát rất đa dạng với trên 30 quốc gia, vùng lãnh thổ như Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, các nước châu Âu…Năm 2023, doanh thu từ xuất khẩu đạt 34.287 tỷ đồng, chiếm 30% tổng doanh thu toàn Tập đoàn. Sản lượng xuất khẩu phôi thép, thép xây dựng và HRC đạt 2,02 triệu tấn.
Món quà ở "phút 89"
Cần lưu ý rằng, những năm gần đây, chính sách bảo hộ tại các thị trường xuất khẩu như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Mexico, Australia, Canada, Ấn Độ….đã tạo ra sức ép và có những tác động đáng kể đến xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có Hòa Phát gồm: (1) Các biện pháp phòng vệ thương mại; (2) Áp dụng nhiều loại thuế như thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế chống trợ cấp, chống lẩn tránh thuế; (3) Các cuộc điều tra này thường kéo dài làm ảnh hưởng đến uy tín và cơ hội xuất khẩu.
Việt Nam và Mỹ trở thành Đối tác chiến lược toàn diện đã mở ra cơ hội cho Hòa Phát |
Tuy nhiên, ngày 8/5 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ tổ chức điều trần để quyết định việc có công nhận “nền kinh tế thị trường” cho Việt Nam hay không?
Động thái trên của Mỹ nằm trong nỗ lực của Tổng thống Joe Biden nhằm tăng cường quan hệ Mỹ - Việt có thể xung đột với mong muốn của ông về giành lá phiếu từ cử tri công nhân Mỹ trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm nay.
Nếu Việt Nam được công nhận là “nền kinh tế thị trường” sẽ giúp hàng hóa Việt Nam, trong đó có thép thuận lợi xuất khẩu vào Nền kinh tế số 1 Thế giới do hạn chế các biện pháp bảo hộ như: giảm thuế chống bán phá giá, giảm các cuộc điều tra, bỏ bớt các vụ việc phòng vệ thương mại,...
"Cánh cửa" lớn đang có khả năng mở toang, tạo "thiên thời" cho Hòa Phát đi vào hoạt động dự án 85.000 tỷ đồng.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn