Báo cáo phân tích | 01/11/2022
Nhóm cổ phiếu lớn kéo chỉ số trụ vững trước áp lực bán
Kết thúc phiên giao dịch ngày 01/11/2022, chỉ số VNINDEX đóng cửa ở 1033,75, tăng 5,8 điểm, tương đương mức 0,6%. Thanh khoản sàn HOSE đạt 10739 tỷ VNĐ, giảm 682 tỷ VNĐ, tương đương 5,97% so với phiên trước.
Tâm lý nhà đầu tư khá tích cực. Số mã tăng chiếm ưu thế gấp 1,5 lần số mã giảm.
VN30 tăng 1,1%, nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình tăng 0,18% và nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ tăng 0,83%.
Tác động lớn nhất đến chỉ số là VCB với 1,79 điểm, kế đến là VPB và VRE.
Dòng tiền đổ dồn vào nhóm cổ phiếu vua khiến sắc xanh lan rộng 19/25 mã với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu lớn như VCB, VPB, STB, TCB. Ở chiều ngược lại, áp lực bán từ HPG tiếp tục đè nặng chỉ số mạnh nhất ở mức 0,9 điểm khi giảm mạnh nhất, dòng tiền tăng liên tục 4 phiên gần nhất và lớn nhất là từ nhóm VN30.
Động lực từ dòng ngân hàng và chứng khoán giúp chỉ số nhóm ngành tài chính nối tiếp trở thành nhóm ngành tích cực nhất với 2,16%. Điểm sáng khác mang lại kì vọng khi các cổ phiếu bất động sản bật hồi mạnh mẽ như CEO, DIG, HDC giúp gia tăng kì vọng đà giảm chung của nhóm chững lại. Trong khi đó, áp lực bán lớn từ HPG chưa ngừng lại bao trùm tâm lý ảm đảm lên dòng thép trong khi một số cổ phiếu nhỏ hơn dần cân bằng trở lại HSG,POM, TLH, SMC. Bên cạnh đó, một số cổ phiếu riêng lẻ khác cũng đang dần thu hút được sự chú ý có thể kể đến như BMP, PVD, DBC.
Khối ngoại có phiên bán ròng đạt 764,84 tỷ VNĐ. Trong đó, khối ngoại mua ròng lớn nhất cổ phiếu VHM với 42,20 tỷ VNĐ và bán ròng lớn nhất cổ phiếu HPG với 531,02 tỷ VNĐ. Tổng giao dịch ròng tích lũy trong hai phiên tuần này đạt bán ròng 534,74 tỷ VNĐ.
Chỉ số VNINDEX hình thành mẫu nến thân hẹp thứ ba liên tiếp và nằm trong vùng co hẹp của hai đường MA6 và MA20. Chỉ báo RSI đi ngang dưới mức trung bình với lực câu yếu. Thanh khoản duy trì trên mức trung bình 20 phiên mặc dù tiếp diễn giai đoạn dòng tiền thấp. Thị trường có xu hướng xiết chặt biên độ khi lực cầu trở lại chưa đồng nhất và dòng tiền phân hóa. Chỉ số PMI tháng 10/2022 đạt 50.6 điểm, giảm so với mức 52.6 của tháng 9 thể hiện suy giảm nhu cầu và niềm tin kinh doanh. Hiện tại có thể nói động lực để VN-Index hồi phục mạnh mẽ là rất thấp nhất là khi các doanh nghiệp đã lần lượt cho ra báo cáo tài chính quý III, bên cạnh vài điểm sáng như FPT, VIC, FRT, MWG thì dòng thép và dầu lại cho thấy tăng trưởng âm và việc này đã phản ánh trực tiếp vào giá. Trong giai đoạn này, nhà đầu tư nên cẩn trọng và chọn lọc ra những cổ phiếu thực sự có động lực tăng trưởng và thực hiện quản trị rủi ro thật tốt, tránh trường hợp đầu tư quá vội vàng và fomo theo thị trường.