Tin DNSE | 23/11/2021
Trò chuyện cùng CEO chứng khoán nghìn tỷ trẻ nhất Việt Nam
Cách đây không lâu, câu chuyện về “CEO chứng khoán nghìn tỷ trẻ nhất Việt Nam” Nguyễn Hoàng Giang đã khiến dân mạng bàn tán xôn xao. Nhiều người không khỏi hoài nghi về nhân vật này vì những tình tiết như vay sổ tiết kiệm của mẹ chơi chứng khoán, được cô cho làm CEO công ty nghìn tỷ,…
Thực tế tình huống đó đã diễn ra từ 11 năm trước (năm 2010), khi Nguyễn Hoàng Giang được cô giao cho vị trí CEO VNDirect vào năm 24 tuổi. Ở thời điểm đó Giang vừa về nước được 2 năm, sau khi tốt nghiệp kỹ sư Máy tính tại ĐH Nebraska (Mỹ) còn VNDirect có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Hiện tại, đây vẫn là một trong những công ty chứng khoán hàng đầu Việt Nam với vốn điều lệ năm 2021 là 2.204 tỷ đồng.
Năm 2018, sau 8 năm chèo lái công ty, Giang từ nhiệm vị trí CEO VNDirect, huy động vốn liếng để khởi nghiệp. Anh mở công ty công nghệ tài chính Encapital với 10 tỷ đồng trong tay. Năm 2020, Encapital đã “thâu tóm” Công ty chứng khoán DNSE với 162 tỷ đồng. Và hiện tại, năm 2021, startup của anh Giang tăng trưởng khoảng gần 100 lần (gần 1000 tỷ đồng) về vốn chủ sở hữu sau 3 năm.
NGUYỄN HOÀNG GIANG * Sinh năm 1986 * Founder và CEO công ty công nghệ tài chính Encapital * CEO công ty chứng khoán DNSE * Cựu CEO công ty cổ phần chứng khoán VNDirect. * Tốt nghiệp kỹ sư Máy tính tại ĐH Nebraska (Mỹ). * Một trong bốn sinh viên xuất sắc nhất của trường được nhận học bổng Phillip Schrager – ĐH Nebraska. * Một trong những giảng viên trẻ tuổi nhất của Khoa Toán thực hành – ĐH Nebraska. * Top 30 gương mặt nổi bật nhất dưới 30 tuổi tại Việt Nam năm 2016 do tạp chí Forbes bình chọn. |
Anh nhìn nhận thế nào về cơ hội “trời cho” năm 24 tuổi, khi được cô đưa vào công ty rồi cho ngồi vào chiếc ghế CEO VNDirect?
Bất ngờ – là 2 từ để tôi nói về cơ hội đó. Tôi không nghĩ mình được làm CEO. Vì tôi làm trái ngành, học máy tính xong sau qua quản trị rủi ro rồi lại thành kinh doanh. Đó tình huống có chút bắt buộc mà có lẽ cô tôi cũng thích, kiểu thích một “làn gió mới”. Giờ có nhiều bạn trẻ rất giỏi, nếu có cơ hội như vậy “rơi vào đầu” – nắm bắt ngay và luôn đi chứ?
Ngần ấy năm chinh chiến thương trường, anh Giang thấy chiếc ghế nào là ghế có “gai”?
Đó là ghế startup. Khi là trưởng phòng, là CEO tôi đều biết nếu ngã sẽ có người đỡ. Ví dụ fail thì cùng lắm mình từ chức, công ty vẫn chạy. Còn khi ra làm riêng lại là 1 câu chuyện khác. Quyết định của tôi có thể thành công hoặc thất bại nhưng nếu thất bại, nhân viên – những người mà tôi đang trả lương và chăm lo cuộc sống cho họ sẽ phải làm sao?
Bên cạnh đó các cổ đông của mình cũng mất tiền. Mình mất tiền thì mình chịu nhưng tiền của người khác thì phải có trách nhiệm. Bài toán khi đó là có ngần này tiền, có kế hoạch nhưng không biết khi nào tiền về, chỉ biết sau bao lâu thì hết tiền thôi. Nói chung startup là một chiếc ghế khiến mình phải suy nghĩ nhiều hơn, có nhiều đêm mất ngủ hơn.
Về đầu tư, anh từng chia sẻ rằng đã “trúng đậm” sau cuộc hẹn ăn trưa vào năm 2017. Anh là người thích hẹn đối tác, đồng nghiệp hay thậm chí… đối thủ đi ăn trưa?
Tôi không thích ăn trưa một mình, trừ khi dịch bệnh. Thời gian chia sẻ, gặp gỡ người khác giúp tôi học được nhiều điều mới. Cơ hội hợp tác làm ăn không phải từ trên trời rơi xuống mà do con người tác động, bằng cách gặp nhiều người mới. Còn với đối thủ, tôi gặp để hiểu người ta nghĩ gì và có kế hoạch cho cuộc chơi của mình.
Bây giờ mọi người rất giỏi, có nhiều ý tưởng và khi đầu tư, tôi nhìn vào con người là chính. Nếu mua 1 công ty thành công, có hệ thống rồi sẽ rất đắt còn khi đầu tư vào startup, số tiền phải bỏ ra ít hơn, tỷ lệ lời cao hơn đồng thời tỷ lệ rủi ro cũng cao hơn. Nhưng rủi ro đó được quản trị bởi con người nên tôi phải gặp để biết người ta có hợp với mình không, có quản trị rủi ro tốt không và có tiết kiệm không. Làm kinh doanh là phải tiết kiệm vì mình dùng nguồn lực hữu hạn chơi cuộc chơi vô tận. Không phải bạn làm kinh doanh rồi 5 năm sau bán đi mà tinh thần là làm mãi mãi.Current Time0:37/Duration3:48Auto
Vai trò của những cuộc hẹn trong sự nghiệp của các sếp theo quan điểm của CEO Nguyễn Hoàng Giang
Đối với các sếp lớn – những người có tầm nhìn, những cuộc hẹn có vai trò như thế nào trong sự nghiệp của họ?
Kinh doanh có nhiều rủi ro, bạn không biết lựa chọn của mình thành công hay không nên không bao giờ chơi được 1 mình. Bạn phải tính đến tình huống nếu ngã sẽ có người đỡ và người đó đương nhiên phải quen biết, trong networking của mình. Họ sẵn sàng cho bạn vay tiền khi gặp khó khăn hoặc hỗ trợ giúp thành công nhanh hơn.
Trong chúng ta có người quảng giao, thích mở rộng các mối quan hệ nhưng cũng có người sống nội tâm, ngại đi quan hệ. Người thành công có thể sống nội tâm hoặc không nhưng đều phải là những người biết cách tạo dựng các mối quan hệ tốt. Tôi chưa thấy ai thành công mà không có mối quan hệ cả.
Làm sao để có 1 cái hẹn “được việc” hay “được một mối quan hệ”?
Bạn phải nghĩ đến đối phương trước. Trong cuộc chơi dài hạn bao giờ cũng phải tạo thế win – win, nếu bạn tạo thế win – lose thì không ai chơi cùng cả. Cái đó là bắt buộc, là khởi điểm thành công cho mọi mối quan hệ. Bản thân bạn cũng không thích chơi với người lợi dụng mình đúng không?
Anh đã từng tham gia cuộc phỏng vấn xin việc nào trong đời chưa?
Có. Tôi đi xin việc nhiều.
Vậy câu hỏi tuyển dụng nào khiến anh ấn tượng nhất?
Tôi đi làm thêm từ hồi đại học, trợ giảng và làm pizza, 2 công việc song song và chẳng liên quan gì đến nhau. Lúc xin làm pizza người ta hỏi rất đơn giản: “5h sáng dậy được không? Có đúng giờ được không?”. Và tôi bảo “Dễ” rồi một ngày của tôi bắt đầu từ 5h sáng đi làm pizza, 9h đi dạy, 2 việc liên tiếp nên đến 12h trưa vào lớp thì tôi ngủ trong giờ. *cười*
Điều gì trong cuộc phỏng vấn ứng viên khiến anh sẽ gạch tên họ khỏi danh sách xem xét vào vị trí ứng tuyển nếu phạm phải?
Tôi hay loại người đến muộn hoặc đến muộn mà không báo. Đó là điều không nên, vì đi xin việc mà, phải đến sớm. Một điều nữa là thái độ với công việc. Bạn có thể không thông minh nhưng phải năng động, chăm chỉ và cầu tiến. Mỗi ngày chỉ cần tốt hơn hôm qua 1% thôi là sau 1 năm đã tốt hơn rất nhiều rồi.
Sau này khi vào làm việc tôi có 2 tiêu chí loại bỏ nữa: cứ hở ra là kêu khó và tạo ra năng lượng tiêu cực. Trong cuộc sống cái gì cũng khó, nếu cứ kêu ca thì bạn sẽ không làm được gì cả. Còn năng lượng tiêu cực luôn lan tỏa rất nhanh, tôi không muốn đồng hành cùng những người như vậy. Khi đi xin việc, tiếp cận với nhà đầu tư hay khách hàng, người ta rất thích người có năng lượng vì nói chuyện vui vẻ là 1 tiêu chí rất quan trọng.
Từ 1 triệu đô đầu tiên vào năm 2020 nhờ khoản đầu tư sau lần ăn trưa kể trên, bây giờ anh đã kiếm thêm được bao nhiêu triệu đô rồi?
Nếu tính theo Mark To Market (Hạch toán theo giá thị trường) thì có nhiều hơn nhưng con số chính xác thì tôi không biết. Nói chung là bây giờ có nhiều hơn 1 triệu *cười*.
Nếu năm đó anh không mượn tiền của mẹ để đầu tư (hoặc mẹ không có tiền cho anh mượn)… thì anh nghĩ mọi thứ sẽ thay đổi theo chiều hướng nào?
Không vay người này thì tôi vay người khác hoặc tìm nguồn tài chính khác. Khi ở Mỹ tôi đi làm thêm từ năm 1 nên cũng có tiết kiệm. Chứ hồi mới về nước tôi đi làm lương có 5 triệu, thấp lắm, không đủ sống.
Thật ra khoản tiền đó không lớn, cái mấu chốt là đầu tư thì nên bắt đầu sớm. Vì để thực sự có tiền phải mất mười mấy năm, quá trình đó không ngắn. Có nhiều người thích giàu nhanh mà để nhanh thì người ta hay liều. Tôi thuộc dạng không liều lắm, tôi cẩn thận và luôn muốn chống lại hoặc đưa rủi ro về mức tối thiểu. Tất nhiên có những cái tôi muốn nhanh nhưng không bất chấp mọi thứ, lúc nào cũng phải chừa đường lui.
Giờ anh đã “trả nợ” cho mẹ chưa?
Tôi trả rồi, bằng tài sản. Tôi mua cho mẹ 1 căn nhà.
Nhiều người muốn thành công trong sự nghiệp và đã nỗ lực rất nhiều, nhưng không phải ai cũng làm được điều đó. Theo anh, sự khác biệt giữa người vươn lên vị trí cao sau 10 năm và 1 người mãi dậm chân tại chỗ là gì?
Đầu tiên là có tư duy cởi mở và dành thời gian học hỏi. Ai cũng có 24h/ ngày và hành trang là 12 năm học phổ thông, thêm 4 – 6 năm đại học để ra được tri thức nhất định. Nhưng người ta không bao giờ biết hết được tất cả mọi thứ nên phải lắng nghe và tiếp nhận một cách cởi mở để làm giàu kiến thức của mình.
Thứ 2 là có kế hoạch và dứt khoát ra quyết định, tức là phải biết “Tôi làm gì?” và “10 năm nữa tôi sẽ làm được gì?”. Có 1 câu hỏi tôi rất thích khi phỏng vấn ứng viên là “Em tính 5 năm nữa em như thế nào?”. Mỗi năm có 52 tuần, 1 tuần 7 ngày không thể để bản thân trôi vô định ngày này qua ngày khác được.
Thứ 3 là không sợ. Nhiều người có thông minh, có kế hoạch nhưng lại sợ: “Tôi không dám thay đổi, làm ở đây tôi thấy an tâm, tôi thấy thế này là đủ rồi”. Tất nhiên những người này có thể thành công ở khía cạnh nào đó nhưng tôi muốn nói đến người cực kỳ thành công.
Trong các cơ hội, không có gì chắc chắn 100% hay 1 phát ăn luôn, trừ khi bạn được… bố cho tiền. Phải dám thử nhiều cơ hội, nhận nhiều thất bại và note lại những cái sai để sửa người ta mới có thể thành công. Tôi nghĩ 100 người thành công đều như vậy cả 100 người.
Hỗ trợ người khác kiếm tiền cũng là một cách… kiếm tiền?
Chắc chắn. Người ta kiếm được tiền thì cũng phải chia cho mình một tí chứ. Mong muốn khi startup của tôi là đơn giản hoá đầu tư cho người Việt. Thay vì phải đến tận nơi mở tài khoản bằng giấy, thủ tục hợp đồng phức tạp thì nhà đầu tư của DNSE chỉ cần ngồi một chỗ cũng có thể nhanh chóng mở tài khoản thông qua chiếc smartphone mà hầu như ai cũng có, đồng thời được miễn phí giao dịch trọn đời, dù họ đầu tư 10 triệu hay 10 tỷ. Trước đây có 10 triệu thì bạn đầu tư cái gì? Có thể bạn nghĩ 10 triệu chả làm được gì. Vậy bây giờ mình khiến cho đồng tiền của mình năng động hơn, không bị chết và mang lại sự giàu có dài hạn. Ví dụ bạn tiêu 20 triệu/ tháng mà bạn đi làm được 21 triệu, tức là dư ra được 1 triệu và không phải lo đến tiền nữa. Nhưng để không lo đến tiền lâu dài, mình phải lao động rất chăm chỉ, có kế hoạch tài chính cá nhân và đầu tư.
Một người có khả năng quản lý tài chính cá nhân cũng như giải quyết các rủi ro về tài chính như tôi liệu có bao giờ bị hớ nặng khi… đi chợ hộ vợ?
Hớ nhiều lắm. Tôi không tốt trong chuyện mặc cả nhưng có 1 cái không bị hớ là biết trong ví có bao nhiêu và có thể tiêu được bao nhiêu.
Nhìn thoáng ra một chút thì bị hớ cũng là cái tốt, tốt cho người khác vì mình mua đắt hơn, người ta sẽ lời hơn 1 chút. Có kế hoạch cụ thể là tốt nhưng không nên chi li, cứ chăm chăm vào tiểu tiết mình sẽ quên mất cái nhìn toàn cục.
Theo anh, quy luật nào của đồng tiền mà con người hiểu rất rõ nhưng không bao giờ có thể “chiến thắng” được?
Là cân bằng giữa tiền và thời gian. Tiền là để mua thời gian nhưng nhiều người lại không quản lý được tiền nên không quản lý được thời gian, thậm chí còn để tiền chi phối thời gian.
Mình có thể có rất nhiều tiền mà lại bị nó chi phối, chiếm lấy thời gian thì phí lắm. Bạn có thể thuê người giúp việc để có thời gian cho gia đình hoặc thuê người tư vấn tài chính và tổng hợp thông tin để lựa chọn đầu tư. Bây giờ có đủ thứ dịch vụ, cái gì cũng có thể thuê được. Nhiều người biết rõ điều này nhưng không làm được hoặc không muốn làm vì yêu tiền quá chẳng hạn nhưng quanh đi quẩn lại ôm tiền lại mất hết thời gian.
Anh có sở thích “đốt tiền” hay “đắt tiền” nào không?
Tôi có một sở thích khá tốn tiền là mua laptop và đang có khoảng mười mấy cái. Tôi gần như tự build được 1 cái máy tính từ làm con chip, viết phần mềm,… Bây giờ tôi không làm những cái đó nữa nhưng vẫn thích mua.
Có nhiều hơn 1 triệu USD, mỗi sáng thức dậy anh nghĩ đến điều gì đầu tiên?
Tôi nghĩ là vẫn sống, đầy đủ chân tay và mong đợi hôm đó gặp được người mới, công việc tiến lên, không bị đi lùi. Thật ra 1 triệu đô cũng không nhiều, được làm những việc mình thấy vui mới là điều quan trọng. Tôi cũng muốn như vậy với công ty của mình, đó là nơi mà mọi người thấy có ý nghĩa khi đến làm việc. Còn ai đó đến văn phòng mà thấy “Ôi hôm nay lại phải đi làm” thì có vấn đề, cần phải xem lại.
Cảm ơn anh vì những chia sẻ!