1 năm sau cuộc chiến giá: Cổ phiếu FRT và MWG về đỉnh cũ, bên đẩy mạnh mảng dược - điện máy trong nước, bên kia “tất tay” cho thị trường Indonesia
Trong đó, FRT tiến sát đỉnh cao nhất với 175.000 đồng/cp, cao gấp 3 lần mức giá cách đây 1 năm và tăng hơn 50% kể từ đầu năm.
Không kém cạnh, mã MWG sau đợt bị bán mạnh hiện đã hồi phục lên vùng đỉnh với 66.000 đồng/cp, gấp đôi so với mức đáy thiết lập hồi tháng 10 năm ngoái và tăng 43% kể từ đầu năm. Thanh khoản MWG cũng đang rất tốt.
Đà tăng của cổ phiếu diễn ra trong bối cảnh hai doanh nghiệp bán lẻ đang tập trung cho "át chủ bài" của riêng mình, và không còn dành tâm sức chiến giá để giành khách hàng điện máy.
FRT: Long Châu tiếp tục tăng trưởng mạnh và rục rịch bán cổ phần huy động vốn, hưởng lợi từ làn sóng ‘2G lên 4G’
Với FRT, tiềm năng đến từ chuỗi dược Long Châu khi đóng góp tăng trưởng mảng này cho Tập đoàn ngày càng lớn. Quý 2/2024, Công ty ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 18.281 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ. Trong đó, chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu ghi nhận doanh thu tăng 67% và đóng góp 11.521 tỷ - chiếm 63% doanh thu toàn FRT. Hiệu quả hoạt động chuỗi được duy trì với doanh thu trung bình trên mỗi nhà thuốc vào khoảng 1,2 tỷ/tháng trong bối cảnh Công ty liên tục mở nhiều nhà thuốc mới.
Năm nay, Long Châu cũng đang xúc tiến việc bán cổ phần. FRT theo đó vừa lập pháp nhân mới có tên là Công ty TNHH Đầu tư FPT Long Châu, vốn điều lệ 673,65 tỷ đồng. Mục đích theo FRT là nhằm thực hiện tái cấu trúc việc sở hữu Long Châu thông qua công ty đầu tư để phục vụ cho việc huy động vốn sau này. Về mặt tổng thể hợp nhất thì không phát sinh lãi lỗ.
Ảnh: Tình hình kinh doanh quý 2/2024 của FRT.
Song song, chuỗi FPT Shop cũng dần có tín hiệu tốt khi Công ty thực hiện xong việc tối ưu hệ thống thông qua việc đóng khoảng 100 cửa hàng hoạt động kém hiệu quả. Đáng chú ý, FPT Shop đang tối ưu mô hình hệ thống cửa hàng bằng việc đẩy mạnh việc bán các sản phẩm dịch vụ mới như gia dụng, điện máy, phát triển thuê bao mạng FPT MVNO... góp phần cải thiện lãi gộp.
Mới đây, FPT Shop vừa đồng loạt khai trương 10 cửa hàng điện máy tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Động thái này đánh dấu sự đầu tư mạnh mẽ của hệ thống trong chiến lược đầu tư và phát triển lĩnh vực điện máy, gia dụng. Chia sẻ về việc quyết liệt mở cùng lúc 10 cửa hàng điện máy mới đây, ông Nguyễn Việt Anh, Phó Tổng Giám đốc FPT Retail chia sẻ: "Về tầm nhìn và kế hoạch dài hạn, chúng tôi đặt kỳ vọng sẽ tiếp tục mở rộng, nâng số cửa hàng điện máy lên 50 cửa hàng trong năm 2024, trở thành địa điểm uy tín và thân thuộc nhất với khách hàng".
Một cơ hội mới cho FRT liên quan đến thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, từ ngày 15/9, tất cả các nhà mạng sẽ chính thức ngừng cung cấp dịch vụ 2G. Nắm bắt nhu cầu thị trường, FPT Shop đã đồng loạt triển khai chương trình hỗ trợ thu máy cũ 2G, đổi máy mới 4G kèm ưu đãi để thu hút khách hàng.
Ảnh: FRT đang hồi phục về đỉnh cao nhất với 175.000 đồng/cp.
MWG: Tin vui từ 2 "út cưng" là Bách Hoá Xanh và EraBlue
Còn với MWG, Công ty cũng vừa đón nhận 2 tin vui gồm: Bách Hoá Xanh đã có lãi sau nhiều năm đầu tư và chuỗi điện máy EraBlue đang cho tín hiệu tốt hơn mong đợi, bắt đầu vào công cuộc bành trướng.
Theo BCTC quý 2/2024, CTCP Thương mại Bách Hóa Xanh lần đầu ghi nhận lãi gần 7 tỷ đồng, trước đó chuỗi vẫn còn lỗ 105 tỷ đồng trong quý đầu năm. Hiện, doanh thu bình quân mỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh đã đạt đỉnh 2,1 tỷ đồng/cửa hàng/tháng - con số cao nhất từ trước tới nay (ngoại trừ giai đoạn tháng 7/2021 doanh thu đột biến nhờ nhu cầu mua hàng tích trữ của người dân thời điểm Covid-19).
Là ván cược lớn của MWG từ năm 2008, Công ty đã đầu tư rất nhiều cho chuỗi bách hoá với kỳ vọng sẽ là "bệ phóng" tương lai, tương tự sự bùng nổ của 2 chuỗi điện thoại – điện máy trước đó. Thực tế, câu chuyện tại Bách Hoá Xanh thử thách hơn rất nhiều, đặc biệt cuộc khủng hoảng truyền thông năm 2021 khiến MWG phải chậm lại quá trình mở rộng, thay "tướng" và cải tổ.
Sau 1 năm thực hiện tái cấu trúc toàn diện và thực hiện được lời hứa có lãi, MWG đang rục rịch mở rộng chuỗi trở lại. Tháng 8/2024, Fanpage tuyển dụng của Bách Hóa Xanh đã công bố hoạt động khai trương. Theo đó chuỗi siêu thị dự kiến mở mới 7 cửa hàng tại 4 tỉnh thành là Tp.HCM (3 cửa hàng), Long An (1 cửa hàng), Bình Dương (1 cửa hàng) và Đồng Nai (2 cửa hàng).
Bên cạnh Bách Hoá Xanh, MWG được biết sắp "chơi lớn" với chuỗi EraBlue ở Indonesia. Mới đây, MWG đã tổ chức họp nhà đầu tư và rất tự tin công bố về kế hoạch phủ sóng chuỗi và có lãi trong năm 2024. Hơn thế, MWG cũng không giấu tham vọng sẽ sớm IPO chuỗi điện máy này bên nước bạn, chỉ sau 2 năm khai thác.
Ảnh: Quy mô chuỗi Bách Hoá Xanh.
EraBlue là thử nghiệm mới tại thị trường nước ngoài của MWG từ năm 2022. Cần biết, dồn lực cho EraBlue, MWG đã chấp nhận "dừng" lại một kế hoạch bên thị trường nước ngoài khác là Bluetronics ở Campuchia.
Đến nay, các cửa hàng EraBlue hiện có doanh thu gần như gấp đôi so với một shop Điện máy Xanh có cùng diện tích tại Việt Nam. Cụ thể, doanh thu các shop size M là 4 tỷ/tháng còn size S là 2,2 tỷ/tháng.
Thừa thắng xông lên, MWG cùng đối tác Erajaya đã thống nhất mục tiêu có lời ở cấp độ Công ty trước quý 4/2024, tức chỉ sau 2 năm hình thành. Song song, EraBlue dự kiến mở rộng quy mô lên gầm 100 cửa hàng vào cuối năm 2024 và 500 cửa hàng vào năm 2027. Công ty kỳ vọng sẽ xây EraBlue tương tự như một Điện máy Xanh tại Indonesia.
Về kinh doanh, MWG cũng cho thấy sự hồi phục mạnh khi quý 2 đạ lãi sau thuế 1.172 tỷ - gấp 69 lần (tương đương tăng 6.800%) so với cùng kỳ 2023. Đây là mức lãi ròng cao nhất trong vòng 9 quý trở lại đây.
Xem thêm tại cafef.vn