7.000 tỷ đồng mở rộng cao tốc Cam Lộ-La Sơn; Sớm hoàn thành dự án Thành phố Thông minh 4,2 tỷ USD
Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.
Phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 343/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet) |
Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm triển khai thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng thời, xác định các nhiệm vụ, giải pháp, phương thức, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các hiệp hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp để triển khai thực hiện quy hoạch đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tối ưu, hiệu quả nguồn lực.
Kế hoạch đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp về: Thực hiện quy định của pháp luật về Quy hoạch; hoàn thiện pháp luật và xây dựng cơ chế, chính sách; đảm bảo nguồn lực tài chính; về phát triển khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường, an toàn phòng cháy chữa cháy; về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; về hợp tác quốc tế; đảm bảo quốc phòng - an ninh, bảo đảm an sinh xã hội.
Hoàn thiện pháp luật và xây dựng cơ chế, chính sách
Theo kế hoạch, sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt, thực hiện khả thi, hiệu quả các mục tiêu quy hoạch, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia/tiêu chuẩn quốc gia về yêu cầu thiết kế, điều kiện bảo đảm môi trường, đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với các công trình xăng dầu, khí đốt (nếu có) để phù hợp với các quy định hiện hành về bảo vệ môi trường và phòng cháy, chữa cháy.
Hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến dự trữ quốc gia đối với xăng dầu, khí đốt; cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia thực hiện nhiệm vụ dự trữ quốc gia đối với xăng dầu, khí đốt.
Đẩy mạnh hoạt động tái cấu trúc vốn, thoái vốn các doanh nghiệp xăng dầu, dầu khí nhà nước
Về đảm bảo nguồn lực tài chính: Cân đối ngân sách nhà nước để đảm bảo mục tiêu về dự trữ quốc gia đối với sản phẩm xăng dầu, dầu thô, khí đốt phù hợp với yêu cầu thực tiễn và khả năng cân đối ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ.
Đa dạng hóa hình thức đầu tư, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư nhằm thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia phát triển cơ sở hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt.
Đẩy mạnh hoạt động tái cấu trúc vốn, thoái vốn các doanh nghiệp xăng dầu, dầu khí nhà nước; xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, Dự án chậm tiến độ; tập trung nguồn vốn cho các dự án có hiệu quả kinh tế cao.
Đa dạng hóa các hình thức vay vốn: ngân hàng, tín dụng xuất khẩu, vay ưu đãi của chính phủ, phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế.
Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ nhằm làm chủ công nghệ đối với hệ thống dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt
Về phát triển khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường, an toàn phòng cháy chữa cháy:
Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ nhằm làm chủ công nghệ đối với hệ thống dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt, phục vụ phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên, môi trường.
Triển khai mạnh mẽ và đồng bộ giải pháp chuyển đổi số, triển khai các hệ thống giám sát sử dụng internet vạn vật, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và blockchain đối với công tác quản lý, khai thác hạ tầng cung ứng xăng dầu, khí đốt nhằm tận dụng các tiến bộ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tăng cường hiệu quả quản lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường, phòng cháy, chữa cháy.
Kiểm soát chặt chẽ quá trình lưu thông xăng dầu, khí đốt từ khâu nhập hàng đến quá trình tồn chứa tại kho và xuất sản phẩm đi tiêu thụ. Thực hiện nghiêm các quy định bảo vệ môi trường, biện pháp phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, biện pháp phòng chống ô nhiễm môi trường, ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước theo quy định. Thực hiện nghiêm ngặt quy định về phòng cháy chữa cháy, ứng phó sự cố tràn dầu, sự cố hóa chất.
Thực hiện sử dụng đất hiệu quả, tiết kiệm. Bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất chuyên trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng tự nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, hành lang bảo vệ nguồn nước, di sản thiên nhiên, di tích và di sản văn hóa đã được xếp hạng, phù hợp với phân vùng bảo vệ môi trường quốc gia, phù hợp với quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân triển khai Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch trong phạm vi chức năng, quyền hạn và theo thẩm quyền.
Tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và dự trữ, cung ứng xăng dầu thô, khí đốt
Bộ Công Thương tổ chức công bố quy hoạch, cung cấp thông tin quy hoạch cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định tại khoản 1, khoản 4 Điều 42 của Luật Quy hoạch; triển khai lưu trữ Hồ sơ quy hoạch theo quy định tại Điều 44 của Luật Quy hoạch; cung cấp dữ liệu quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia phục vụ xây dựng Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch.
Phối hợp với các địa phương trong quá trình lập quy hoạch tỉnh và xây dựng phương án phát triển hệ thống dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quy mô dưới 5.000 m3 đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát, đảm bảo nguyên tắc đối với các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc đã quyết định chủ trương đầu tư nhưng đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, thi hành án (nếu có) thì chỉ được tiếp tục triển khai sau khi đã thực hiện đầy đủ theo kết luận của thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán và thi hành án (nếu có) và được cấp có thẩm quyền chấp thuận theo quy định của pháp luật.
Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền các nội dung sửa đổi phù hợp (nếu có), tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và dự trữ, cung ứng xăng dầu thô, khí đốt.
Chú trọng phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ tại các tuyến đường mới, các khu đô thị
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch, về đầu tư xây dựng, về quản lý, sử dụng mặt đất, mặt nước theo thẩm quyền để triển khai thực hiện quy hoạch phát triển hạ tầng dự trữ xăng dầu, khí đốt trên địa bàn đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, đúng quy định.
Cụ thể hóa các chính sách phát triển hạ tầng phục vụ dự trữ quốc gia, hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt tại vùng núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa phù hợp với địa phương. Ưu tiên bố trí quỹ đất, mặt nước để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ chiến lược quốc gia; các dự án đảm bảo mục tiêu quốc phòng - an ninh, an sinh - xã hội; các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt thay thế trước khi thực hiện di dời, giải tỏa để đảm bảo không gián đoạn nguồn cung.
Xây dựng phương án phát triển hệ thống dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quy mô cấp tỉnh trên địa bàn phù hợp và thống nhất với Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia; phát triển hệ thống phân phối xăng dầu, khí đốt trên địa bàn đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định, phù hợp với điều kiện thực tế và nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn, chú trọng phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ tại các tuyến đường mới, các khu đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, quy mô lớn, có lộ trình phù hợp giảm số cửa hàng xăng dầu quy mô nhỏ lẻ, không hiệu quả.
TP.HCM khánh thành 2 công trình chống ngập tại TP. Thủ Đức
Ngày 27/4, TP.HCM khánh thành 2 công trình chống ngập trên đường Võ Văn Ngân và dọc đường ray xe lửa đoạn qua phường Linh Đông, TP.Thủ Đức. Việc hoàn thành 2 công trình chống ngập trước mùa mưa sẽ giúp giảm ngập tại TP. Thủ Đức.
Lãnh đạo UBND TP.HCM và TP.Thủ Đức cắt băng khánh thành hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân- Ảnh:Lê Quân |
Trong đó, Dự án thoát nước trên đường Võ Văn Ngân có chiều dài gần 2,5 km, tổng mức đầu tư 248 tỷ đồng. Tại Dự án này nhà thầu xây dựng hệ thống thoát nước với các cống hộp tròn và cống hộp đôi, bó mới vỉa hè, thảm lại mặt đường.
Dự án được khởi công vào cuối năm 2020, trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19, nhà thầu thi công là Công ty cổ phần Tập đoàn Anh Vinh chây ì, triển khai thi công ì ạch, liên tục vi phạm tiến độ, vi phạm hợp đồng, kéo dài thời gian thi công xây dựng công trình.
Đến tháng 10/2023, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP.Thủ Đức đã chấm dứt hợp đồng thi công công trình xây dựng hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Anh Vinh.
Tháng 11/2023, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP.Thủ Đức tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công thông qua hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia. Sau đó, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Thịnh Phát đã trúng thầu và bắt đầu thi công trở lại từ ngày 12/1/2024.
Theo kế hoạch ban đầu dự án hoàn thành vào tháng 10/2024, tuy nhiên, nhà thầu đã tập trung đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành sớm hơn 5 tháng so với kế hoạch.
Còn dự án xây dựng hệ thống thoát nước dọc đường ray xe lửa phường Linh Đông, chiều dài 2 km. Dự án được khởi công xây dựng gói thầu 1 từ tháng 11/2021, gói thầu 2 vào tháng 6/2021 với tổng mức đầu tư 153 tỷ đồng.
Trước đây, khu vực đường Võ Văn Ngân và dọc đường ray xe lửa phường Linh Đông là điểm rốn ngập gây ảnh hưởng rất lớn đến giao thông và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Việc xây dựng hoàn thiện hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân và dọc đường ray xe lửa phường Linh Đông trước mùa mưa có ý nghĩa rất lớn giúp giải quyết thoát nước nhanh, giảm ngập khi có mưa lớn.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, cho biết hệ thống thoát nước của TP. Thủ Đức được đầu tư đã lâu đến nay đã lạc hậu nên khi có mưa to thì thường xuyên xảy ra ngập.
Việc đầu tư hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân hoàn thành sớm hơn dự kiến sẽ giúp giảm ngập, đảm bảo an toàn giao thông và vệ sinh môi trường cho người dân, vì đây là tuyến đường huyết mạch của TP. Thủ Đức lượng xe đi lại rất lớn.
“Năm 2024, TP.HCM sẽ tập trung giải ngân vốn đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình dân sinh vừa để kích thích phát triển kinh tế, vừa tạo việc làm và sớm hoàn thiện các công trình phục vụ người dân”, ông Đức cho biết.
Thủ tướng duyệt đầu tư mở rộng 65 km cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 348/QĐ – TTg phê duyệt chủ trương đầu tưDự án mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn La Sơn - Hòa Liên.
Một đoạn cao tốc La Sơn - Hoà Liên. |
Theo đó, Dự án có tổng chiều dài 65 km với điểm đầu (La Sơn) tại Km0, kết nối với điểm cuối của tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, thuộc địa phận thị trấn La Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế; điểm cuối (Hoà Liên) tại khoảng Km66, nút giao Hoà Liên kết nối với điểm đầu tuyến Hòa Liên - Túy Loan, thuộc địa phận xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng.
Mục tiêu của Dự án này là mở rộng mặt đường, các công trình trên tuyến đảm bảo quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, nền đường rộng 22m, phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật của tuyến hiện tại đang khai thác, cấp 80.
Hướng tuyến của Dự án bám theo tuyến cao tốc La Sơn - Hòa Liên hiện tại đang khai thác, từ Km0 tuyến đi về phía bên phải và song song với Đường tỉnh 14B, qua đèo La Hy về thị trấn Khe Tre, đi theo hướng Đường tỉnh 14C qua vùng đệm Vườn quốc gia Bạch Mã, vượt đèo Đề Bay, theo hướng Đường tỉnh 601 qua đèo Mũi Trâu về Hòa Liên.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 3.011 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước; trong đó nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 1,173 tỷ đồng; nguồn dự phòng chung nguồn ngân sách trung ương của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 là 3.009 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện Dự án mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn La Sơn - Hòa Liên là từ năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025.
Thủ tướng giao Bộ GTVT là cơ quan chủ quản Dự án chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng về đề xuất phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án và các thông tin, số liệu trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án và tổ chức triển khai lập và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án theo đúng quy định của pháp luật…
Bộ GTVT có trách nhiệm tổ chức lựa chọn nhà thầu đủ năng lực thực hiện Dự án theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ; không để xảy ra tiêu cực, lãng phí gây thất thoát tài sản, tiền vốn của Nhà nước; phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, UBND TP. Đà Nẵng và các bộ, cơ quan có liên quan trong quá trình triển khai Dự án; thực hiện kiểm tra, giám sát tiến độ, chất lượng công trình theo đúng quy định của pháp luật.
Đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan đi qua địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng, đi trùng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 140/QĐ-TTg ngày 21/01/2010.
Triển khai quy hoạch, căn cứ nhu cầu về nguồn lực, chủ trương đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Bộ GTVT đã phê duyệt đầu tư Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan giai đoạn 1 theo hình thức Hợp đồng BT, tổng mức đầu tư 11.485 tỷ đồng, trong đó đoạn La Sơn - Hòa Liên có quy mô 2 làn, chiều rộng nền đường 12m; đoạn Hòa Liên Túy - Loan chuyển sang đầu tư trong giai đoạn 2021- 2025, quy mô 4 làn xe. Dự án đã đưa vào khai thác từ tháng 4/2022, đang quyết toán dự án theo quy định.
Theo Bộ GTVT, việc mở rộng đoạn tuyến đạt quy mô cao tốc 4 làn xe sẽ nâng cao năng lực khai thác tuyến cao tốc La Sơn - Hòa Liên nói riêng, cùng với các tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn và Đà Nẵng - Quãng Ngãi hình thành trục giao thông kết nối các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ của khu vực.
Khai thác có điều kiện 30 km cao tốc Bắc - Nam, Diễn Châu - Bãi Vọt
Doanh nghiệp dự án sẽ tự quyết định, chịu trách nhiệm toàn diện về việc đưa tuyến chính cao tốc Bắc – Nam, phía Đông đoạn Diễn Châu - Nút giao Quốc lộ 46B vào khai thác.
Một đoạn cao tốc Bắc - Nam, đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt. |
Đây là một trong những nội dung trong công văn vừa được Bộ GTVT gửi Công ty cổ phần Đầu tư Phúc Thành Hưng (doanh nghiệpDự án) và Ban Quản lý dự án 6 về việc đưa tuyến chính cao tốc đoạn Diễn Châu đến nút giao Quốc lộ 46B thuộc Dự án thành phần đầu tưxây dựng đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt vào khai thác có điều kiện.
Theo đó, trên cơ sở ý kiến của Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng, báo cáo của doanh nghiệp dự án, Bộ GTVT yêu cầu doanh nghiệp dự án (chủ đầu tư) xem xét, tự quyết định, chịu trách nhiệm toàn diện về việc đưa tuyến chính cao tốc đoạn Diễn Châu - nút giao Quốc lộ 46B của Dự án vào khai thác trên cơ sở đảm bảo công năng, an toàn vận hành của công trình theo quy định hiện hành.
Doanh nghiệp dự án có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương nơi Dự án đi qua và các cơ quan, đơn vị có liên quan, tổ chức quản lý, khai thác công trình tuân thủ Phương án tổ chức giao thông để khai thác tạm thời được Cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt. Đồng thời khẩn trương, tập trung chỉ đạo các nhà thầu, đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nội dung công việc theo yêu cầu của Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng và ý kiến của Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT).
Ban quản lý dự án 6 tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền được quy định trong hợp đồng BOT và các quy định khác có liên quan, đôn đốc, chỉ đạo Doanh nghiệp dự án khẩn trương hoàn thành các hạng mục công trình phụ trợ của đoạn tuyến (hàng rào bảo vệ; đường gom; nhà điều hành...) và thi công hoàn thành đoạn tuyến từ Quốc lộ 46B đến nút giao Quốc lộ 8A để hoàn thành toàn bộ Dự án, đáp ứng tiến độ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt được đầu tư theo phương thức PPP có tổng chiều dài 49,3km, trong giai đoạn hoàn chỉnh thiết kế là đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100-120km/h, riêng hầm Thần Vũ vận tốc thiết kế 80km/h; giai đoạn phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường17 m.
Tổng mức đầu tư toàn Dự án là 11.157,82 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 5.090,08 tỷ đồng; nguồn vốn nhà nước tham gia trong dự án khoảng 6.067,73 tỷ đồng. Nhà đầu tư được lựa chọn là liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4 - Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng VINA2; doanh nghiệp dự án là Công ty cổ phần Đầu tư Phúc Thành Hưng.
Đoạn tuyến thông xe thuộc Dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt có chiều dài khoảng 30km (từ nút giao Quốc lộ 7 đến nút giao Quốc lộ 46B), đi qua địa phận các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên của tỉnh Nghệ An.
Đoạn tuyến có 2 nút giao liên thông gồm: nút giao N5 tại Km445+891,12 và nút giao Quốc lộ 46B tại Km458+680; điểm đầu tại Km430+00, thuộc xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu kết nối với điểm cuối Dự án thành phần Nghi Sơn - Diễn Châu; điểm ra tại nút giao QL46B (Km458+680), thuộc xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.
Dự án được khởi công tháng 5/2021, đến nay đã cơ bản hoàn thành tuyến chính đoạn đầu tuyến đến nút giao Quốc lộ 46B với chiều dài khoảng 30km; đoạn tuyến còn lại sẽ được trong tháng 6/2024.
Quảng Ngãi bố trí 49 tỷ đồng thực hiện Dự án Khắc phục chống sạt lở bờ sông
UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hiện nay, UBND tỉnh đã bố trí kinh phí 49 tỷ đồng để thực hiện Dự án Khắc phục chống sạt lở bờ sông tại các vị trí đang có diễn biến sạt lở uy hiếp trực tiếp các khu dân cư ven sông Trà Bồng trên địa bàn 2 xã Bình Minh và Bình Chương.
Đối với các vị trí khác (chưa ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư), UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Bình Sơn tiếp tục tổ chức theo dõi, xử lý theo đúng quy định tại Điều 6, Quy chế xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 4/1/2011.
Mới đây, người dân các huyện Mộ Đức, Tư Ngãi cũng lần lượt phản ánh tình trạng sạt lở trên sông Vệ, bờ Nam sông Trà Khúc. Hay người dân xã Bình Dương, huyện Bình Sơn đề nghị tỉnh phân bổ làm đoạn kè chống sạt lở còn lại đoạn từ cầu Bà Dầu đến bến Kiểng thuộc thôn Mỹ Huệ 3 (khoảng 100m), vì đoạn này nhà ở của người dân sát bờ sông, rất nguy hiểm khi mùa mưa bão đến.
Trả lời phản ánh này, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Dự án xây dựng Kè chống sạt lở bờ sông Trà Bình, đoạn qua xã Bình Dương; Dự án xây dựng Kè chống sạt lở bờ Nam sông Vệ qua huyện Mộ Đức và Dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ Nam sông Trà Khúc, qua huyện Tư Nghĩa có trong Quy hoạch tỉnh được duyệt.
Vì vậy, UBND tỉnh này đề nghị các huyện Bình Sơn, Mộ Đức, Tư Nghĩa tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng, xem xét có kế hoạch đầu tư dự án bằng nguồn vốn đầu tư công hoặc nguồn vốn hợp pháp khác thuộc địa phương quản lý.
“Trường hợp vượt quá khả năng cân đối vốn, đề xuất để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng các sở, ngành, cơ quan, đơn vị chức năng nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết”, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu.
Trước mắt, để kịp thời hạn chế tình trạng sạt lở, UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị UBND các huyện Bình Sơn, Mộ Đức, Tư Nghĩa tổ chức theo dõi, xử lý theo đúng quy định tại Điều 6, Quy chế xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 4/1/2011, trong đó lưu ý các biện pháp như thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, theo dõi diễn biến sạt lở, chỉ đạo xử lý bước đầu để hạn chế sạt lở.
Long An được chuyển 43 ha đất trồng lúa sang thực hiện Dự án Cụm công nghiệp Tân Phú
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký văn bản số 261/TTg-NN chấp thuận UBND tỉnh Long An quyết định chuyển mục đích sử dụng 43,0009 ha đất trồng lúa sang mục đích khác để thực hiện Dự án Cụm công nghiệp Tân Phú trên địa bàn huyện Đức Hòa.
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet) |
UBND tỉnh Long An chịu trách nhiệm về nội dung và số liệu báo cáo, tổ chức kiểm tra, rà soát hiện trạng sử dụng đất đảm bảo thống nhất hồ sơ và thực địa, đảm bảo chỉ tiêu đất trồng lúa được Thủ tướng Chính phủ phân bổ; chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước Thủ tướng Chính phủ về việc quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa đảm bảo đúng quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư và các pháp luật khác có liên quan; bảo đảm sử dụng đất tiết kiệm và hiệu quả, không để xảy ra thất thoát, lãng phí.
UBND tỉnh Long An có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc bóc tách sử dụng tầng đất mặt theo quy định của pháp luật; thường xuyên kiểm tra, giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa theo đúng quy định của pháp luật.
Ủy ban nhân dân tỉnh Long An chỉ được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa khi Dự án đủ điều kiện và tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm toàn diện về việc tổ chức thẩm định, kết quả thẩm định và nội dung kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện Dự án Cụm công nghiệp Tân Phú trên địa bàn huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, bảo đảm theo đúng quy định; theo dõi và hướng dẫn thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên đúng quy định của pháp luật.
Ninh Thuận trao chủ trương, ghi nhớ đầu tư 14 dự án, tổng vốn 120.000 tỷ đồng
Tại Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận, UBND tỉnh Ninh Thuận đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và bản ghi nhớ nghiên cứu phát triển dự án cho 14 nhà đầu tư với tổng số vốn dự kiến đầu tư là 120.000 tỷ đồng.
14 Dự án được trao chứng nhận đầu tư, bản ghi nhớ đầu tư tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận. |
Theo đó, 7 dự án nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm 3 dự án trong lĩnh vực sản xuất gồm Dự án Nhà máy dệt nhuộm Ninh Thuận của Công ty TNHH Sợi Đà Lạt (637,9 tỷ đồng); Dự án Nhà máy may Hoàng Thành Đô Lương của Công ty cổ phần Sản xuất và Đầu tư Hoàng Thành Đô Lương (200 tỷ đồng); Dự án Nhà máy sản xuất nước giải khát của Công ty cổ phần Nước giải khát nhiệt đới Sài Gòn (100 tỷ đồng).
Hai dự án về năng lượng gồm Dự án Nhà máy điện gió Phước Hữu của Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (1.730 tỷ đồng); Dự án Công trình phong điện Việt Nam Power số 1 của Công ty Palatial Global Inc (1.700 tỷ đồng).
Hai dự án còn lại là Dự án Trung tâm thương mại Go Ninh Thuận của Công ty cổ phần bất động sản Việt Nhật (276,5 tỷ đồng) và Dự án Trường mầm non và Trường phổ thông Ischool Ninh Thuận của Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển học đường Quốc Tế (235,6 tỷ đồng).
UBDN tỉnh Ninh Thuận cũng trao bản ghi nhớ đăng ký đầu tư đối với 7 dự án.
Trong đó, 4 dự án năng lượng gồm Dự án Nghiên cứu, phát triển hydro xanh của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam; Dự án Điện gió ngoài khơi của Tập đoàn T&T; Dự án Nhà máy điện gió Tri Hải của Tập đoàn Bim; Dự án Nhà máy điện gió Đầm Nại 3 và Đầm Nại 4 của Liên doanh Công ty cổ phần TSV và Công ty TNHH The Blue Circle.
2 dự án về lĩnh vực sản xuất gồm Dự án Nhà máy sản xuất thiết bị điện gió và các sản phẩm kết cấu thép của Công ty cổ phần Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng; Dự án Tổ hợp công nghệ xanh và hóa chất sau muối của Công ty cổ phần Tập đoàn Bim.
1 dự án về lĩnh vực bất động sản là Dự án Khu công nghiệp Cà Ná của Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Trung Nam Cà Ná.
Quảng Nam khẩn trương giải quyết các vướng mắc về chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp
Thực hiện theo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải quyết vướng mắc về chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam, ông Hồ Quang Bửu vừa giao Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh nghiên cứu, trao đổi với cơ quan liên quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng giải quyết cho phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phân bổ.
Trên cơ sở đó, làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường để tham mưu thực hiện và lập, hoàn thành kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) của tỉnh để gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.
Theo Báo cáo của Tỉnh Quảng Nam, hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 14 Dự ánđầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp (KCN) được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng diện tích là hơn 3.669 ha.
Theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phân bố chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 2021-2025 và Quyết định điều chỉnh một số chỉ tiêu sử dụng đất thì chỉ tiêu đất KCN đến năm 2030 và chỉ tiêu đất KCN đến năm 2025 trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia được phân bổ cho tỉnh Quảng Nam lần lượt là 3.524 ha và 2.725 ha, thấp hơn tổng diện tích đất của các dự án KCN đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Để giải quyết vướng mắc này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị tỉnh Quảng Nam làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường để đảm bảo chỉ tiêu đất KCN cho các dự án KCN đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và các dự án KCN mới theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Việc đề xuất đầu tư các dự án KCN, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Quảng Nam cần xem xét hiệu quả kinh tế - xã hội, trong đó có khả năng thu hút đầu tư.
Ngoài ra, đảm bảo các điều kiện hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cho hoạt động của KCN của tỉnh Quảng Nam cũng như công tác bảo vệ môi trường. Hồ sơ dự án KCN phải đáp ứng các quy định của pháp luật về đầu tư và các quy định khác của pháp luật có liên quan …
Trong báo cáo về việc đề xuất tháo gỡ vướng mắc chỉ tiêu đất công nghiệp, tỉnh Quảng Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét thống nhất chủ trương tỉnh Quảng Nam chủ động sử dụng chỉ tiêu đất khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phân bổ cho tỉnh đến năm 2025 và Quyết định để cân đối, ưu tiên bố trí kế hoạch sử dụng đất cho các khu công nghiệp đã được thành lập và phần còn lại bố trí cho các khu công nghiệp đề xuất đầu tư mới, đảm bảo phù hợp với khả năng thực tế thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất.
Đồng thời cho phép tỉnh Quảng Nam căn cứ vào sự phù hợp với Quy hoạch vùng, Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và sự đáp ứng về tiêu chí năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật để lựa chọn và hướng dẫn nhà đầu tư lập hồ sơ, thủ tục trình cấp có thẩm quyền thẩm định, chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp mới, phù hợp với Kế hoạch sử dụng đất đến năm 2025 được UBND tỉnh Quảng Nam chủ động bố trí cho các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đảm bảo không vượt chỉ tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ phân bổ cho tỉnh.
Đầu tư 7.000 tỷ đồng mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn lên 4 làn xe
Theo thông tin của Báo điện tử Đầu tư – Baodautu.vn, Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh vừa có tờ trình gửi Bộ GTVT đề nghị thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cam Lộ - La Sơn.
Một đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn. |
Dự án có phạm vi nghiên cứu với điểm đầu - Km0 (Cam Lộ), trùng với Km10+380, Quốc lộ 9, thuộc địa phận xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị; điểm cuối - Km102+200 (La Sơn), trùng với điểm đầu Dự án cao tốc La Sơn - Hòa Liên, thuộc địa phận xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Chiều dài tuyến đường thuộc Dự án khoảng 98,35 km (trong đó chiều dài tuyến qua tỉnh Quảng Trị khoảng 36,3 km, Thừa Thiên Huế khoảng 62,05 km).
Tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn giai đoạn phân kỳ được đưa vào khai thác từ năm 2023. Trong đó, đối với các đoạn tuyến quy mô 2 làn xe, có bề rộng nền đường 12 m, bề rộng mặt đường 11 m; các đoạn nền đào sâu có quy mô 2 làn xe với bề rộng nền đường 23,25, bề rộng mặt đường 11m. Các đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 23,25m, bề rộng mặt đường 21,25 m. Riêng phạm vi tuyến cầu Tuần có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 23 m, mặt đường rộng 21,5 m.
Tuyến còn có 38 cầu, trong đó có 4 cầu đã làm hoàn thiện theo quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, 34 cầu quy mô phân kỳ 2 làn xe.
Trên cơ sở hiện trạng tuyến, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh kiến nghị giữ nguyên tiêu chuẩn kỹ thuật, tim tuyến hiện trạng đã được nghiên cứu và xây dựng trong Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, thực hiện đầu tư mở rộng nền mặt đường và các công trình trên tuyến, nút giao theo quy mô phân kỳ cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh với chiều rộng nền đường 22 m, chiều rộng mặt đường 20,5 m.
Dự án còn thực hiện đầu tư mở rộng 34 cầu trên cao tốc đảm bảo quy mô 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh. Trong đó có 23 cầu mở rộng hai bên đối (mỗi bên rộng 5m) với các cầu đi trùng tim giai đoạn hoàn thiện, 11 cầu xây dựng thêm 1 đơn nguyên mới (có bề rộng 11,25m) đối với các cầu lệch tim giai đoạn hoàn thiện, chiều rộng mặt cầu 24 m (đã bao gồm khoảng cách giữa 2 đơn nguyên 1m).
Dự án sẽ đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giao thông thông minh với việc xây dựng 1 trung tâm quản lý điều hành tuyến; hệ thống kiểm tra tải trọng xe, bố trí các vị trí quay đầu xe tại các cửa vào cao tốc; hệ thống ITS, trạm cân xe cho đoạn đường bộ cao tốc La Sơn - Hòa Liên và Hoà Liên - Tuý Loan.
Do tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng theo quy mô cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh. Vì vậy, trong giai đoạn này, Dự án chỉ thực hiện giải phóng mặt bằng bổ sung đối với các nút giao liên thông kiến nghị đầu tư, trung tâm quản lí điều hành, đường kết nối, vị trí quay đầu xe tại các trạm cân và hệ thống đường gom dân sinh, đường hoàn trả kết nối dân sinh.
Với quy mô đầu tư như trên, Dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cam Lộ - La Sơn sẽ có tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng, trong đó chỉ riêng chi phí xây dựng và thiết bị là 5.437 tỷ đồng. Thời gian thực hiện Dự án là từ năm 2024 đến năm 2025.
Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh dự kiến đầu tư dự án từ nguồn ngân sách nhà nước, sơ bộ nhu cầu giải ngân vốn năm 2024 là 1.700 tỷ đồng, năm 2025 là 5.000 tỷ đồng, năm 2026 là 300 tỷ đồng.
Việc đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lộ - La Sơn (theo quy hoạch trùng đường Hồ Chí Minh) nhằm thực hiện chủ trương xây dựng đường Hồ Chí Minh; từng bước hoàn thiện tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông có năng lực lớn, tốc độ cao, đáp ứng nhu cầu vận tải; kết nối trung tâm kinh tế, chính trị trong vùng kinh tế trọng điểm Trung Bộ.
Tìm đủ cát đắp nền Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM nhưng thủ tục chưa thông
Ban Quản lý Dự ánđầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (gọi tắt là Ban Giao thông) vừa có văn bản khẩn gửi UBND TP.HCM báo cáo về tình hình mỏ vật liệu cát đắp nền đường phục vụ thi công Dự án đường Vành đai 3, TP.HCM.
Máy móc thi công một đoạn Dự án đường Vành đai 3 đoạn qua huyện Hóc Môn, TP.HCM - Ảnh: Lê Toàn |
Ban giao thông cho biết, tổng nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường của toàn Dự án đường Vành đai 3, TP.HCM là 9,3 triệu m3, trong đó riêng đoạn đi qua TP.HCM cần 7,1 triệu m3 cát.
Từ ngày 11 đến 23/4/2024, Ban Giao thông đã đi khảo sát tổng cộng 44 mỏ vật liệu tại các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang. Sau khi khảo sát thì có 28 mỏ đạt chất lượng với tổng trữ lượng khoảng 37 triệu m3, trong khi nhu cầu cho Dự án đường Vành đai 3 chỉ là 9,3 triệu m3.
Sau khi TP.HCM làm việc với các địa phương thì đến nay, tỉnh Vĩnh Long, thống nhất cung cấp cho Dự án đường Vành đai 3 với tổng khối lượng 2 triệu m3; tỉnh Tiền Giang cung cấp 6,3 triệu m3 (năm 2024 cung cấp 3,6 triệu m3); tỉnh Bến Tre cung cấp 2 triệu m3 (năm 2024 là 1,6 triệu m3).
Dù 3 địa phương đã có chủ trương hỗ trợ cung cấp cát đắp nền cho Dự án đường Vành đai 3 nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là phải đẩy nhanh tiến độ triển khai và hoàn thành các thủ tục liên quan để có thể sớm khai thác và cấp cho dự án bắt đầu từ tháng 5/2024.
Do tính chất cấp bách của dự án Ban Giao thông kiến nghị UBND TP.HCM sớm có văn bản báo cáo Tổ công tác liên ngành tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục khai thác các mỏ vật liệu để cung cấp cát cho Dự án đường Vành đai 3.
Để đảm bảo tiến độ thi công, Ban Giao thông cũng kiến nghị UBND TP.HCM đề nghị tỉnh An Giang và Đồng Tháp, chia sẻ một phần khối lượng các mỏ đang khai thác cho Dự án đường Vành đai 3 với khối lượng 0,4 triệu m3 để các nhà thầu có thể mua thương mại ngay trong tháng 5/2024 nhằm đảm bảo tiến độ xử lý nền đất yếu.
Hải Dương có thêm 2 cụm công nghiệp tổng diện tích hơn 134 ha
Theo quyết định số 981/QĐ-UBND tỉnh Hải Dương, cụm công nghiệp phía Tây Việt Hoà có diện tích 59,9 ha, tổng mức đầu tư hơn 732 tỷ đồng tại phường Việt Hòa, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Tân Hưng.
Cụm công nghiệp Tây Việt Hoà có vị trí phía Bắc giáp kênh tiêu và đường Phố Văn; phía Nam giáp đường sắt Hà Nội - Hải Phòng; phía Đông giáp kênh tiêu và đường Tân Dân và phía Tây giáp đất canh tác xã Cẩm Văn, xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng.
Về tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, Dự án sẽ được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn I sẽ được thực hiện từ quý II năm 2024 đến hết quý IV năm 2025, giai đoạn II từ quý I năm 2026 đến hết quý I năm 2028.
Cụm công nghiệp nhằm tạo quỹ đất sạch, hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, đồng bộ, đáp ứng đầy đủ các điều kiện cho hoạt động sản xuất; thực hiện việc di chuyển các cơ sở sản xuất tại cụm công nghiệp Tây Ngô Quyền và thu hút, di chuyển các cơ sở sản xuất đang hoạt động gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hải Dương vào cụm công nghiệp.
Sau khi giải quyết xong việc di chuyển các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường của thành phố, phần còn lại cụm công nghiệp sẽ bố trí các ngành nghề phù hợp với Đề án phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Đối với việc thành lập cụm công nghiệp Thái Tân, theo quyết định số 979/QĐ-UBND của tỉnh Hải Dương, cụm công nghiệp thuộc địa bàn các xã Thái Tân, Nam Hồng và Hồng Phong, huyện Nam Sách. Cụm công nghiệp có diện tích khoảng 75 ha, tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Toàn Cầu.
Cụm công nghiệp Thái Tân có vị trí phía Bắc giáp đường quy hoạch đường Vành đai 2 Hải Dương; phía Nam giáp thôn Đoàn Kết, xã Hồng Phong; phía Đông giáp cụm công nghiệp Nam Hồng - Hồng Phong; phía Tây giáp đất nông nghiệp xã Thái Tân và xã Hồng Phong.
Dự án được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn I từ quý II năm 2024 đến hết quý IV năm 2025 còn giai đoạn II được thực hiện từ quý I năm 2026 đến hết quý IV năm 2028.
Theo đó, hoạt động sản xuất kinh doanh được bố trí tại cụm công nghiệp Thái Tân bao gồm nhóm các dự án sản xuất công nghệ cao, công nghệ sinh học, điện tử, vật liệu mới trong xây dựng; nhóm ngành sản xuất năng lượng tái tạo; nhóm ngành nghề thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp. Các ngành công nghiệp thu hút tại cụm công nghiệp đảm bảo thân thiện với môi trường, ưu tiên thu hút các dự án công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, không gây ô nhiễm môi trường. Các ngành nghề thu hút đầu tư phù hợp với Đề án phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3164/QĐ-UBND ngày 29/10/2021.
Theo quyết định của UBND tỉnh Hải Dương, chủ đầu tư của 2 cụm công nghiệp trên có trách nhiệm triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định pháp luật.
Sau 4 tháng, TP.HCM giải ngân gần 8.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 10% kế hoạch
Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm của Cục Thống kê TP.HCM cho biết, trong tháng 4, vốn đầu tư thực hiện xây dựng cơ bản và sửa chữa lớn từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý đạt 3.253 tỷ đồng, tăng 15,5% so với tháng trước và tăng 36,7% so với cùng kỳ.
Dự án tuyến đường sắt Metro số 1 đã hoàn thành khoảng 98% khối lượng, dự kiến khai thác vận hành thương mại trong quý IV/2024. Ảnh: Lê Toàn |
Tính chung 4 tháng đầu năm 2024 ước thực hiện 9.623 tỷ đồng, tăng 29,6% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn ngân sách cấp Thành phố quản lý ước thực hiện 9.603 tỷ đồng, đạt 12,1% vốn Kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; vốn ngân sách cấp huyện ước thực hiện 20 tỷ đồng, đạt 17,7% Kế hoạch.
Ước tính đến hết tháng 4/2024, giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố là 7.988 tỷ đồng, đạt 10,1% kế hoạch và gấp 3,2 lần so cùng kỳ năm ngoái.
Theo Cục Thống kê TP.HCM, trong tháng qua, Thành phố tập trung tháo gỡ vướng mắc giải phóng mặt bằng, khơi thông các nguồn lực, tìm giải pháp khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn cát cho các dự án đầu tư trọng điểm.
Trong đó, Thành phố tiến tới khép kín các đoạn Vành đai 2 dở dang, tăng tốc triển khai Vành đai 3, hoàn thành thử nghiệm tuyến Metro số 1 và hoàn tất bàn giao mặt bằng cho dự án Metro số 2.
Cụ thể, Dự án tuyến đường sắt Metro số 1 đã hoàn thành khoảng 98% khối lượng. Công tác thử nghiệm các hệ thống trên toàn tuyến đang diễn ra liên tục ngày đêm cùng công tác đào tạo nhân sự để phục vụ vận hành. Dự kiến giai đoạn chạy thử 3 tháng từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2024 và miễn phí vé cho người dân sử dụng; đến tháng 10 sẽ nghiệm thu, thẩm định an toàn và chính thức khai thác vận hành thương mại trong quý IV/2024.
Với Dự án tuyến đường sắt Metro số 2, việc di dời và bàn giao mặt bằng đạt khoảng 90%, mặt bằng còn lại đã duyệt điều chỉnh đơn giá bồi thường và dự kiến tiến hành chi trả hoàn tất vào quý II/2024. Đồng thời, đôn đốc các nhà thầu triển khai di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật cơ bản trong năm 2024 để bàn giao mặt bằng thi công cho công trình.
Đối với dự án đường Vành đai 3, mặc dù công tác bồi thường đang được đẩy nhanh tiến độ với mặt bằng bàn giao đạt hơn 98% và đã đấu thầu xong 10 trong tổng số 14 gói thầy xây lắp, song dự án vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là nhu cầu vật liệu cát đắp nền; nguồn vật liệu này quyết định lớn đến công tác chuẩn bị mặt bằng thi công và tiến độ các hạng mục.
Riêng với Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đang tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục như kè bờ kênh, đường, cầu giao thông, các cống cấp 2, hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh công viên… Song song với công tác xây lắp, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và giải quyết các trường hợp tái lấn chiếm đang thực hiện quyết liệt.
Tuy nhiên, dự án hiện vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc như công tác thu hồi mặt bằng tái lấn chiếm, pháp lý bãi tiếp nhận đất, bùn từ quá trình thi công các dự án và thiếu cát san lấp, cát đổ bê tông, cát xây tô.
TP.HCM dừng Dự án đầu tư nhà thi đấu Phan Đình Phùng theo hình thức BT
Văn phòng UBND TP.HCM vừa có thông báo số 426/TB-VP về kết luận của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi về Dự án xây dựng Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng tại số 8 đường Võ Văn Tần, quận 3.
Khu đất xây dựng nhà thi đấu Phan Đình Phùng cỏ mọc um tùm giữa trung tâm TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn |
Theo thông báo, ngày 25/4/2024, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì cuộc họp Tổ công tác giải quyết vướng mắc liên quan đến Dự án xây dựng Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng (còn gọi là nhà thi đấu Phan Đình Phùng).
Sau khi nghe báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư (Tổ trưởng Tổ công tác) cùng ý kiến của các thành viên Tổ công tác, Chủ tịch Phan Văn Mãi kết luận, chỉ đạo dừng đầu tư dự án xây dựng Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng tại số 8 đường Võ Văn Tần, Quận 3 theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT) để chuyển sang phương thức đầu tư công.
Chủ tịch TP.HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn chỉnh báo cáo, tham mưu, dự thảo Tờ trình của UBND Thành phố báo cáo Ban cán sự Đảng UBND Thành phố về việc dừng đầu tư dự án theo hình thức BT để chuyển thành phương thức đầu tư công.
Sở Văn hóa và Thể thao được giao chủ trì, phối hợp Sở tài chính, Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan xem xét cơ sở pháp lý, rà soát các công việc nhà đầu tư đã thực hiện, xác định chi phí hợp lý, đúng quy định để làm cơ sở đàm phán, thương thảo, trao đổi thống nhất với nhà đầu tư về hướng xử lý dứt điểm theo nguyên tắc hợp lý, hài hòa, theo đúng quy định.
Đồng thời, có Văn bản gửi kết quả làm việc đến Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, tham mưu nội dung làm việc của Lãnh đạo UBND TP.HCM với nhà đầu tư vào cuối tháng 5/2024.
Ngoài ra, giao Sở Văn hóa và Thể thao là cơ quan thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư Dự án xây dựng Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng tại số 8 đường Võ Văn Tần, Quận 3 theo phương thức đầu tư công.
Khẩn trương tổ chức lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án theo đúng trình tự, thủ tục quy định; hoàn thành trước tháng 7/2024 để trình HĐND Thành phố thông qua chủ trương đầu tư dự án.
UBND TP.HCM cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn Sở Văn hóa và Thể thao thực hiện thủ tục, phấn đấu hoàn thành thủ tục đầu tư, khởi công dự án trước ngày 30/4/2025 để trở thành một trong những công trình tiêu biểu của Thành phố chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Dự án Trung tâm Thể dục - Thể thao Phan Đình Phùng tọa lạc tại khu đất “vàng” trên diện tích 1,44 ha tại khu vực trung tâm quận 3, TP.HCM.
Ngày 28/7/2016, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 3861/QĐ-UBND phê duyệt dự án. Đầu năm 2017, Trung tâm Thể dục - Thể thao Phan Đình Phùng được tháo dỡ để xây dự án mới.
Nhưng khi Dự án chưa kịp khởi công thì hình thức đầu tư BT bị “khai tử”, vì Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (Luật PPP) có hiệu lực từ đầu năm 2021. Từ đó đến nay, Dự án vẫn bị tắc.
Do dự án chậm tiến độ nhiều năm, tổng mức đầu tư liên tục tăng từ mức ban đầu 988 tỷ đồng lên 1.352 tỷ đồng và đến nay tăng lên thành 1.953 tỷ đồng.
Quảng Ngãi chỉ đạo rà soát, gỡ vướng các dự án lớn
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có nhiều dự án còn vướng mắc, chưa đảm bảo thực hiện hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ theo quy định để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trong năm 2024.
Liên quan đến việc này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các sở, ngành, địa phương theo nhiệm vụ được phân công chịu trách nhiệm rà soát lại toàn bộ quy trình, thủ tục, hồ sơ thực hiện để tập trung xem xét, xử lý theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao; trường hợp vượt thẩm quyền, tham mưu UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo giải quyết từng dự án cụ thể; thời gian hoàn thành, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 15/5/2024.
Dự án Khu dân cư trục đường Mỹ Trà - Mỹ Khê sẽ được tổ chức đấu giá trong năm 2024. |
Đối với UBND TP Quảng Ngãi, Phó chủ tịch UBND tỉnh giao trách nhiệm rà soát, cập nhật, điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 thành phố đối với các dự án theo nội dung Báo cáo nêu trên của Sở Tài nguyên và Môi trường, kể cả vị trí điều chỉnh quy hoạch để xây dựng Bảo tàng tổng hợp tỉnh và Thư viện tổng hợp tỉnh tại vị trí dự kiến triển khai dự án Chỉnh trang đô thị khu Bắc núi Thiên Bút, phường Nghĩa Chánh, thành phố Quảng Ngãi.
Đồng thời, khẩn trương xác định, phê duyệt giá đất để tính tiền bồi thường khi nhà nước thu hồi đất của 2 dự án khai thác quỹ đất do Ban Quản lý dự án ĐTXD các công trình Giao thông tỉnh làm chủ đầu tư.
Liên quan đến dự án Khu dân cư trục đường Mỹ Trà - Mỹ Khê, Phó chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm rà soát lại các quy hoạch có liên quan, trình tự, thủ tục, phương thức thực hiện dự án để đề xuất phương thức thực hiện đảm bảo theo đúng quy định hiện hành.
Được biết, dự án này Năm 2015, UBND tỉnh Quảng Ngãi có chủ trương thực hiện dự án với quy mô dự án gần 33 ha, trong đó giai đoạn 1 có diện tích 19,42 ha, tổng mức đầu tư gần 340 tỷ đồng, do Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng và kinh doanh dịch vụ Quảng Ngãi (QISC) làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện dự án vẫn không hoàn thành, chủ đầu tư đã có thông báo về việc chấm dứt hoạt động đầu tư Dự án khu dân cư trục đường Mỹ Trà - Mỹ Khê (giai đoạn 1) theo quy định. UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã có quyết định số 198 chấm dứt hiệu lực pháp lý chủ trương đầu tư dự án này và giao các cơ quan chức năng chịu trách nhiệm thực hiện các thủ tục liên quan đến việc nhà đầu tư tự chấm dứt hoạt động dự án theo quy định.
Đến tháng 10/2022, UBND tỉnh Quảng Ngãi bàn giao khu đất của dự án khu dân cư trục đường Mỹ Trà - Mỹ Khê cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Quảng Ngãi.
Sau khi tiếp nhận dự án, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Quảng Ngãi rà soát lại và phát hiện còn nhiều vướng mắc trong thủ tục bàn giao, khu tái định cư do QISC thực hiện trước đó lại không thống nhất vị trí nên phải khoanh lại để thực hiện.
Năm 2023, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Quảng Ngãi tổ chức đấu giá khu đất 10,2 ha tại dự án khu dân cư Mỹ Trà - Mỹ Khê để lựa chọn nhà đầu tư nhưng không thành nên sẽ tiếp tục thực hiện trong năm 2024.
Đối với Khu dịch vụ chất lượng cao - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Sở tài chính chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở y tế, Thanh tra tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh phương án xử lý dứt điểm nếu sau ngày 30/4/2024, Công ty Bệnh viện đa khoa quốc tế tỉnh Quảng Ngãi chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ liên quan giá trị tài sản gắn liền với đất.
Đối với 2 dự án (Dự án Đầu tư xây dựng kè chống sạt lở kết hợp tạo quỹ đất bờ Bắc sông Trà Khúc, đoạn qua xã Tịnh Long và xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi; Dự án Đầu tư xây dựng kè chống sạt lở kết hợp tạo quỹ đất bờ Bắc sông Trà Khúc, đoạn qua xã Tịnh An và xã Tịnh Long, thành phố Quảng Ngãi), UBND tỉnh giao Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Giao thông tỉnh (Chủ đầu tư) chịu trách nhiệm rà soát, lựa chọn một trong hai dự án có tính khả thi hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2024 để đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo thực hiện.
Mới đây, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Giao thông tỉnh Quảng Ngãi cũng đã có báo cáo về 2 dự án trên gửi UBND tỉnh.
Theo đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi đề nghị UBND tỉnh xem xét, cho phép điều chỉnh thời gian hoàn thành toàn bộ 2 công trình trên, bàn giao quỹ đất sạch để tổ chức đấu giá thu tiền sử dụng đất sang năm 2025 và điều chỉnh giảm kế hoạch vốn năm 2024 đã bố trí cho dự án cho phù hợp với tình hình thực tế thực hiện. Chỉ đạo UBND Thành phố Quảng Ngãi khẩn trương giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; lập các thủ tục thu hồi, giao đất để tổ chức đấu giá thu tiền sử dụng đất.
Xem xét phương án đầu tư Quốc lộ 15D theo phương thức PPP
Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị vừa có ý kiến về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến Quốc lộ 15D đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, tỉnh Quảng Trị.
Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo phương thức đối tác công tư - PPP do Liên danh nhà đầu tư Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn - Công ty TNHH Phonesack Việt Nam - Công ty TNHH Nam Tiến lập.
Một đoạn trên tuyến Quốc lộ 15D hiện hữu. |
Về lựa chọn phương án đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị cho rằng, trên cơ sở kết quả phân tích, đánh giá của các phương án thì phương án 1 (không hầm) đi theo hướng tuyến hoạch định, có phạm vi nghiên cứu, quy mô đầu tư phù hợp với quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phương án này có tổng mức đầu tư thấp nhất, với kết quả tính toán các chỉ tiêu tài chínhliên quan thì Dự án có mức độ khả thi cao và thời gian thu hồi vốn ngắn nhất (18 năm 10 tháng), mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư khi tham gia dự án. Do đó, phương án 1 mà nhà đầu tư, đơn vị tư vấn đã lựa chọn là phương án tối ưu.
Tuy nhiên, Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị cũng cho rằng, phương án 1 có phạm vi ảnh hưởng bởi diện tích giải phóng mặt bằng khoảng 243,19 ha (đất vườn 0,44 ha; rừng đặc dụng và rừng phòng hộ 139,04 ha; rừng sản xuất 86,53 ha; còn lại là đất trống quy hoạch là đất rừng 17,18 ha). Đối chiếu với quy định tại Điều 12 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020, dự án thực hiện theo phương án 1 thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội.
Do vậy, Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị có ý kiến đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh phối hợp với Liên danh nhà đầu tư và đơn vị tư vấn nghiên cứu hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo hướng trình Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Về nguồn vốn nhà nước tham gia dự án, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xác định vốn nhà nước tham gia vào dự án 223,371 tỷ đồng (chiếm 5,59%). Trong đó, vốn nhà nước tham gia đảm nhiệm các hạng mục chi phí giải phóng mặt bằng và một phần chi phí xây dựng.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh phối hợp với Liên danh nhà đầu tư và đơn vị tư vấn nghiên cứu, phân tích xác định rõ các hạng mục chi tiết sử dụng vốn nhà nước.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị cho rằng, về khả năng cân đối nguồn vốn nhà nước, hiện qua rà soát, điều chỉnh, vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cơ bản đã được bố trí theo các danh mục chương trình, dự án nên không còn khả năng để bố trí để tham gia dự án này.
"Hiện nay, kế hoạch tài chính ngân sách 5 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 chưa được xây dựng; các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước cho giai đoạn 2026-2030 chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền bố trí vốn đầu tư công giai đoạn 2026-2030 làm vốn nhà nước tham gia vào dự án khi đảm bảo đủ điều kiện", Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị nhấn mạnh.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, đại diện Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị - đơn vị được UBND tỉnh Quảng Trị giao tiếp nhận hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến Quốc lộ 15D đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện nay, Ban đang xin ý kiến thẩm định từ các sở, ban, ngành, địa phương liên quan đối với 2 phương án được Liên danh nhà đầu tư đưa ra trong báo cáo.
Trong đó, phương án 1 có tổng chiều dài 42,11 km. Phương án này không có hầm, tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng, bám sát quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phương án này ảnh hưởng 139,04 ha rừng đặc dụng và rừng phòng hộ.
Còn phương án 2 là có hầm, giảm tối đa diện tích ảnh hưởng rừng, chiều dài 41,18 km. Mặc dù giảm khoảng 1 km so với phương án 1, tuy nhiên tổng mức đầu tư tăng khá cao - gần 7.165 tỷ đồng, đồng thời trên tuyến có khoảng 1 km đi theo đường Hồ Chí Minh tây.
Việt Nam - Nhật Bản sớm hiện thực hóa dự án Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội
Ngày 29/4, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, ông Tetsuo Saito, Bộ trưởng Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản đã tới thăm Dự án Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội và làm việc với Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội (liên doanh giữa Tập đoàn Sumitomo - Nhật Bản và Tập đoàn BRG - Việt Nam).
Đây là một dự án trong danh sách những dự án hợp tác kinh tế trọng điểm trong tuyên bố chung giữa 2 Chính phủ tại chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính năm 2023.
Phối cảnh dự án Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội |
Tại buổi làm việc, ông Tetsuo Saito đã nghe đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội báo cáo tổng thể dự án cũng như thực trạng công tác chuẩn bị triển khai dự án hiện nay.
Theo đại diện công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội, hiểu được vai trò quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa 2 tập đoàn hàng đầu của 2 nước và là biểu tượng bền vững cho quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản với kỳ vọng hiện thực hóa một trung tâm đô thị đẳng cấp quốc tế, xanh, đẹp, hiện đại, tất cả các cán bộ nhân viên của công ty đang nỗ lực hoàn tất các công tác chuẩn bị cần thiết để sẵn sàng triển khai dự án, phấn đấu hoàn thành đúng tiến độ đề ra, sớm đưa dự án vào khai thác và vận hành.
Trước đó, ngày 24/4, trong chuyến làm việc tại Nhật Bản, ông Takashi Yanai, Tổng Giám đốc Khối Hạ tầng – Sumitomo Corporation và bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội cũng đã có buổi làm việc với ông Hajime Wakuda, Phó Ủy viên phụ trách các vấn đề quốc tế, Cục Tài nguyên và Năng lượng, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Tokyo về dự án Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội.
Tại cuộc gặp, đại diện Tập đoàn Sumitomo và Tập đoàn BRG cho biết kỳ vọng phát triển thành phố Thông minh Bắc Hà Nội là khu đô thị trung hòa carbon đầu tiên không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới và mong muốn nhận được sự hỗ trợ và tham gia tích cực từ phía Nhật Bản để thành phố Thông minh Bắc Hà Nội đạt được mục tiêu này, trở thành một điển hình tiêu biểu của Hà Nội và của cả Việt Nam trong việc phát triển môi trường ngày càng bền vững và góp phần thúc đẩy sớm hoàn thành cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26 về việc đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030.
Dự án Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội do Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội, liên doanh giữa Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) và Tập đoàn BRG (Việt Nam) làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư là 4,2 tỷ USD, tổng diện tích gần 272 ha tại huyện Đông Anh, Hà Nội.
Xem thêm tại baodautu.vn