ACG nói gì về khả năng sản xuất viên nén gỗ xuất khẩu sang châu Âu?
Liệu doanh nghiệp xuất khẩu gỗ công nghiệp lớn như CTCP Gỗ An Cường có nghĩ đến việc mở rộng đầu tư vào viên gỗ nén - mặt hàng đang "hot" trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu?
ACG nói gì về khả năng sản xuất viên nén gỗ xuất khẩu sang châu Âu?
Liệu doanh nghiệp xuất khẩu gỗ công nghiệp lớn như CTCP Gỗ An Cường có nghĩ đến việc mở rộng đầu tư vào viên gỗ nén - mặt hàng đang "hot" trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu?
Trong Hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư của CTCP Gỗ An Cường chiều ngày 22/09/2022 trước thềm cổ phiếu ACG chuyển sang niêm yết trên HOSE, một nhà đầu tư đã đặt câu hỏi về khả năng ACG lấn sang thị trường năng lượng, trong bối cảnh mặt hàng viên gỗ nén đang có nhu cầu cao tại châu Âu.
Liệu ACG có nghĩ đến mảng sản xuất viên gỗ nén để đáp ứng nhu cầu thị trường? |
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Thanh Vỹ - Giám đốc khối Quan hệ Nhà đầu tư của ACG cho biết mặt hàng này (viên gỗ nén) xuất phát từ nhu cầu chung của thị trường, khi cuộc xung đột Nga-Ukraine tạo ra cuộc khủng hoảng về năng lượng - đặc biệt là khí đốt và nhiên liệu.
Nhưng viên gỗ nén chỉ là giải pháp tình thế, không phải xu hướng tương lai quá mạnh mẽ, không phải như Tesla sản xuất xe điện. Ban lãnh đạo ACG hiện chưa nghĩ đến hay có định hướng phát triển sản phẩm này, vì các sản phẩm của ACG hiện vẫn đang tập trung ở thị trường nội địa. Các sản phẩm chỉ đáp ứng một thời điểm, và cũng “lạ”, chưa biết đi về đâu nên không phải chiến lược hay.
Hơn nữa, hệ thống lọc trong các nhà máy của ACG có công nghệ cần phải tái sử dụng cả những phế phẩm hậu sản xuất, do đó phụ phẩm từ sản xuất gỗ công nghiệp không dư thừa.
ACG tiền thân là Công ty TNHH Thương mại An Cường, được thành lập từ năm 1994. Công ty chủ yếu mua nguyên liệu từ nguồn cung cấp trong nước qua các nhà cung cấp. Hoạt động kinh doanh chủ yếu gồm sản xuất và kinh doanh vật liệu giải pháp và nội thất làm bằng gỗ công nghiệp và các dịch vụ hỗ trợ đi kèm. Thị trường phân phối của ACG khá rộng, có thể kể đến như Campuchia, Malaysia, Nhật Bản, Canada, Mỹ, Úc...
Về kết quả kinh doanh, lũy kế 6 tháng đầu năm, ACG ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 1.9 ngàn tỷ đồng và gần 279 tỷ đồng, tăng 12% và 17% so với cùng kỳ năm trước.
Lý giải cho sự tăng trưởng này, ACG giải trình do dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt, Công ty có thể thúc đẩy mạnh hoạt động bán hàng để tăng doanh thu. Ngoài ra, lợi nhuận hoạt động tài chính tăng do lợi nhuận thu được từ các khoản đầu tư.
Từ ngày 28/09/2022, gần 136 triệu cp ACG sẽ bị hủy đăng ký giao dịch trên UPCoM, theo thông báo từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Lý do là ACG đã được chấp thuận niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE), thuộc trường hợp hủy đăng ký giao dịch theo quy định.
Cổ phiếu ACG đăng ký giao dịch trên UPCoM từ tháng 8/2021. Tháng 6/2022, HOSE thông báo nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết của Gỗ An Cường.
Châu An