Ai là chủ nợ lớn nhất của Novaland (NVL)?

Như đã thông tin, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va - Novaland (Mã NVL - HoSE) vừa có quý II/2024 kinh doanh khởi sắc với doanh thu 1.550 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 945 tỷ. Mức lợi nhuận đột biến trong quý II giúp Novaland chuyển lãi bán niên 344 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tăng lên mức 13.500 tỷ.

Tại thời điểm cuối tháng 6, tổng nợ phải trả của Novaland ghi nhận hơn 194.500 tỷ đồng (gấp gần 4,3 lần vốn chủ sở hữu). Trong số này, dư nợ vay tài chính tăng nhẹ so với thời điểm cuối quý I lên mức 59.200 tỷ đồng.

Dư nợ vay lớn song trong quý II, Novaland chỉ phải chịu mức chi phí lãi vay 74 tỷ đồng - giảm so với con số 200 tỷ cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng, chi phí lãi vay phải trả chỉ chưa đến 150 tỷ đồng - giảm 52% YoY.

Gần 30.500 tỷ đồng nợ vay của Novaland là các khoản vay ngắn hạn, số vay dài hạn là hơn 28.700 tỷ đồng.

Cơ cấu nguồn vay bao gồm: 10.700 tỷ đồng vay ngân hàng, hơn 38.660 tỷ đồng từ phát hành kênh trái phiếu và hơn 10.000 tỷ đồng vay bên thứ ba. Các con số này đều tăng so với đầu năm.

Ai là chủ nợ lớn nhất của Novaland (NVL)?
Một số khoản vay ngắn hạn của Novaland

Một số khoản vay ngân hàng ghi nhận dư nợ gốc vay gia tăng như tại VietinBank, VPBank, MBBank...

Theo báo cáo thuyết minh, VPBank hiện là chủ nợ lớn nhất của Novaland trong danh sách vay ngân hàng, dư nợ đến cuối tháng 6 ở mức 2.455 tỷ đồng. Theo sau là MBBank với giá trị khoản gốc cho vay 1.900 tỷ đồng.

Về các khoản trái phiếu, Novaland ghi nhận dư nợ ở 37 lô trái phiếu trong đó dư nợ ngắn hạn ở mức 16.440 tỷ đồng, giảm 3.200 tỷ so với đầu năm; dư nợ trái phiếu dài hạn tăng tương ứng lên mức 22.222 tỷ đồng (chủ yếu do một số khoản trái phiếu ngắn hạn được trái chủ gia hạn thời gian thanh toán).

Ở diễn biến liên quan, hồi giữa tháng 7, Novaland đã xin gia hạn thanh toán thêm 1 năm với 6 lô trái phiếu được phát hành trong năm 2020.

Trong nỗ lực xử lý trái phiếu, tập đoàn vừa hoàn thành thỏa thuận tái cấu trúc gói trái phiếu chuyển đổi trị giá 298,6 triệu USD với lãi suất 5,25% và đáo hạn năm 2026 được quyền chuyển đổi thành cổ phần phổ thông.

Theo đó, thời điểm thanh toán là ngày đáo hạn trái phiếu vào tháng 6/2027 hoặc đợt mua lại trước hạn (nếu có) trong tương lai. Dư nợ gốc (sau khi nhập lãi) tương ứng với ngày hiệu lực từ ngày 5/7/2024 của phương án tái cấu trúc sẽ là 320.935.280 USD. Giá trị mua lại sẽ được tính bằng 115% số tiền gốc (sau khi đã trừ đi phần chuyển đổi thành cổ phiếu) cộng với lãi trả chậm và lãi phát sinh. Lãi trả chậm sẽ được tính với mức lãi suất 5,25%/năm.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn