VN-Index tăng hơn 5 điểm

Thị trường chứng khoán hôm nay, dù phần lớn thời gian trong phiên giao dịch diễn ra trong trạng thái giằng co, nhưng nhờ lực kéo mạnh mẽ từ nhóm cổ phiếu nhà Vingroup - đặc biệt là VIC tăng trần đã giúp VN-Index vẫn kết phiên trong sắc xanh.

Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/4, VN-Index tăng 5,88 điểm, tiến lên 1.229,23 điểm. Độ rộng sàn HOSE tích cực khi có tới 256 cổ phiếu tăng giá, 91 mã đứng giá và có 220 cổ phiếu giảm giá.

Chứng khoán ngày 25/4: Lực cầu xuất hiện cuối phiên, VN-Index tăng điểm phiên thứ ba liên tiếp
Diễn biến của VN-Index trong phiên giao dịch ngày 25/4.
Các cổ phiếu hỗ trợ cho VN-Index phiên này có: VIC (+6,86), VHM (+1,8), TCB (+0,78), HPG (+0,39), FPT (+0,36)... Chiều ngược lại, các cổ phiếu đã gây áp lực cho VN-Index gồm: VCB (-1,2), BID (-1,27), CTG (-0,67), VPB (-0,9), ACB (-1,04)...

Độ mở thị trường sắc xanh tiếp tục có phiên chiếm ưu thế với đa phần nhóm ngành tăng điểm như bất động sản, cơ sở hạ tầng, năng lượng... Ở chiều ngược lại, chỉ có thực phẩm tiêu dùng, ngân hàng chịu áp lực điều chỉnh nhẹ.

Trong phiên hôm nay, chỉ số VN30-Index cũng diễn biến tương tự với phiên tăng điểm tốt. Cụ thể, VN30-Index đóng cửa tăng 5,52 điểm, lên mức 1.317,18 điểm. Trong rổ VN30, có 15 mã cổ phiếu tăng giá, 2 mã giữ giá và 13 mã cổ phiếu giảm giá.

Trên sàn Hà Nội, hai chỉ số chính cũng có phiên tăng điểm. Trong đó, chỉ số HNX-Index tăng 0,65 điểm, lên mức 211,72 điểm; chỉ số UPCoM-Index tăng +0,44 điểm, lên mức 92,27 điểm.

Thanh khoản khớp lệnh tăng nhẹ so với phiên hôm qua. Lũy kế đến cuối phiên giao dịch, thanh khoản trên sàn HOSE đạt 863 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị giao dịch đạt 20.350 tỷ đồng.

Trong phiên hôm nay, giao dịch khối ngoại là điểm trừ khi đảo chiều bán ròng 640 tỷ đồng trên toàn thị trường. Trên HOSE, khối ngoại bán ròng xấp xỉ 591 tỷ đồng. Chiều bán, cổ phiếu FPT và VIC bị bán ròng mạnh tay khoảng 147-148 tỷ đồng, STB cũng bị bán ròng 126 tỷ đồng. Theo sau, các mã khác cũng bị bán ròng hàng chục tỷ đồng còn có SHB (-59 tỷ đồng); VCI (-64 tỷ đồng)...

Ngược chiều, cổ phiếu HPG được mua ròng mạnh nhất toàn thị trường với giá trị 87 tỷ đồng, cổ phiếu MSN cũng được mua ròng 64 tỷ đồng. Xếp tiếp theo, cổ phiếu HDB, GEE và NVL đồng loạt được mua ròng khoảng 23-55 tỷ đồng.

Trong khi đó, trên HNX, khối ngoại bán ròng khoảng 24 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng chịu áp lực mạnh

Thị trường chứng khoán hôm nay khởi đầu đầy hứng khởi khi bật tăng mạnh, có lúc chạm mốc 1.230 điểm. Tuy nhiên, áp lực bán gia tăng nhanh chóng khiến đà tăng dần thu hẹp và giao dịch dưới tham chiếu. Tuy vậy, lực cầu xuất hiện vào phiên chiều giúp chỉ số chính bật tăng trở lại.

Trong phiên giao dịch hôm nay, sự xuất sắc của VIC hay VHM là yếu tố then chốt giúp VN-Index vẫn đứng vững trên mốc 1.220 điểm và tăng tốt về cuối phiên. Hoạt động tái cân bằng của các quỹ ETF bám theo chỉ số VN30 đã tạo áp lực bán mạnh lên nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Áp lực bán từ các quỹ như VNFinlead, Diamond… đã được dự tính từ trước. Chỉ số VN30 thay đổi trọng số khiến loạt cổ phiếu ngân hàng như ACB, VIB, VPB… dẫn đầu danh sách phải bán ra.

Trong 14 cổ phiếu ngân hàng của rổ VN30 thì chỉ còn sót lại MBB tăng 1,29%, TCB tăng 0,78%, HDB tham chiếu, số khác đều đỏ. ACB giảm 1,04%, BID giảm 1,27%, VCB giảm 1,2%, VPB giảm 0,9%, LPB giảm 2,12%... đều là các cổ phiếu gây thiệt hại chủ yếu cho VN-Index. Trong 10 cổ phiếu khiến chỉ số mất điểm nhiều nhất có tới 9 mã ngân hàng.

Chứng khoán ngày 25/4: Lực cầu xuất hiện cuối phiên, VN-Index tăng điểm phiên thứ ba liên tiếp
Lực cầu xuất hiện cuối phiên, VN-Index ngày 25/4 tăng điểm phiên thứ ba liên tiếp

Mặc dù chịu áp lực từ nhóm cổ phiếu ngân hàng nhưng cũng có nhiều cổ phiếu trụ khác tăng tốt trong phiên hôm nay. VIC tăng kịch trần sang phiên thứ 2 liên tiếp đã đem về khoảng 3,9 điểm cho VN-Index, gần như cân bằng lại được một nửa số mã ngân hàng đỏ. VHM tăng 1,8%, VNM tăng 3,55%, MSN tăng 3,51%, VJC tăng 6,18%, GAS tăng 1,74%... cũng là các bluechips tăng điểm mạnh.

Bên cạnh đó, nhóm vốn hóa trung bình cũng có một vài đại diện xuất sắc nhưng thanh khoản khá hạn chế. CII kịch trần; GMD tăng 4,08%; GEE tăng 6,75%; VSC tăng 2,76%; CTD tăng 3,19%; ORS tăng 6,92%… là những cổ phiếu đáng chú ý nhất.

Ở phía giảm, ngoài những cổ phiếu ngân hàng còn có VCI giảm 1,09%, NVL giảm 3,98%, DBC giảm 2,68%, DIG giảm 1,34%, VND giảm 1,34%, PNJ giảm 1,27% là các cổ phiếu khác thanh khoản vượt quá trăm tỷ đồng.

Sự giằng co của các cổ phiếu lớn đã giúp cân bằng VN-Index trong một phiên rung lắc khá nhiều. Chỉ số có vài nhịp rơi hẳn xuống dưới tham chiếu và mức thấp nhất đã chạm tới 1.220,67 điểm. Tuy nhiên sức mạnh của VIC, VHM và loạt bluechips khác đã giúp thị trường hồi lên tích cực.

Theo các chuyên gia, xu hướng ngắn hạn VN-Index vẫn giao dịch quanh vùng kháng cự gần nhất 1.230 điểm, tương ứng giá trung bình 20 phiên. Tâm lý và xu hướng của thị trường có thể cải thiện tốt hơn khi vượt qua vùng kháng cự này. VN-Index đang tạo vùng cân bằng quanh vùng giá 1.200 điểm.

Trong ngắn hạn những thông tin về đàm phán thương mại, kỳ vọng giảm các mức thuế đối ứng đã công bố. Áp lực cung ngắn hạn, áp lực bán dư nợ ký quỹ giảm tương đối và kết quả kinh doanh là động lực cho thị trường phục hồi.