Kỷ nguyên năng lượng xanh Việt Nam: 'Ván cờ' tỷ đô và nước đi chiến lược của các tập đoàn

Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư vào pin lưu trữ năng lượng, được xem là yếu tố then chốt để đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững và mở ra cơ hội xuất khẩu. Quy hoạch điện VIII điều chỉnh mới nhất (15/4/2025) đã quy định rõ việc phát triển điện mặt trời tập trung phải đi kèm lắp đặt pin lưu trữ (tối thiểu 10% công suất, tích hợp trong 2 giờ), khẳng định tầm quan trọng thiết yếu của hệ thống này trong bối cảnh năng lượng tái tạo phát triển mạnh mẽ.

Mới đây, trong khuôn khổ Triển lãm và Diễn đàn Quốc tế Năng lượng Việt Nam - Trung Quốc - Asean 2025, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn T&T Group, Chủ tịch T&T Energy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đã chia sẻ về việc liên danh T&T Group - Cospowers (Trung Quốc) ra mắt pin lưu trữ năng lượng vào năm 2026.

“Chúng tôi đặt mục tiêu chiếm lĩnh 40-50% thị phần lưu trữ năng lượng tại Việt Nam và hướng tới xuất khẩu ra các nước trên thế giới trong thời gian tới”, bà Nguyễn Thị Thanh Bình cho biết.

Đây được xem là hướng đi chiến lược của T&T Group, không chỉ thể hiện tham vọng tiên phong trong việc ứng dụng các giải pháp năng lượng mới mà còn cho thấy sự chủ động của tập đoàn trong việc đón đầu xu hướng tích hợp pin lưu trữ, một yêu cầu bắt buộc đối với các dự án năng lượng tái tạo theo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh.

Đặc biệt, thông qua việc hợp tác này, T&T Group tiến tới việc chuyển giao và làm chủ công nghệ, kỹ thuật; từng bước thúc đẩy nội địa hóa chuỗi cung ứng thiết bị, dịch vụ; phát triển các ngành công nghiệp liên quan; đồng thời tạo ra nhiều cơ hội việc làm để người dân địa phương được hưởng lợi trực tiếp từ các dự án.

Là một trong những tập đoàn năng lượng hàng đầu tại Việt Nam, T&T Group đã sớm đặt nền móng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) thông qua hệ sinh thái các công ty, với hàng nghìn tỷ đồng rót vào các dự án điện mặt trời Phước Ninh, Thiên Tân 1.2, 1.3 và 1.4.

Trong năm 2023 và 2024, T&T Group đã có nhiều động thái chiến lược trong lĩnh vực năng lượng: ký biên bản ghi nhớ với doanh nghiệp Trung Quốc về sản xuất pin lưu trữ (11/2024), hợp tác với SK E&S (Hàn Quốc) về điện khí LNG (6/2023), và nhận nhượng quyền dự án điện gió Savan 1 tại Lào (1/2025), đánh dấu bước đầu trong chiến lược đầu tư năng lượng ra nước ngoài.

Kỷ nguyên năng lượng xanh Việt Nam: 'Ván cờ' tỷ đô và nước đi chiến lược của các tập đoàn

Vingroup cho biết đang tái cấu trúc chiến lược phát triển, bổ sung thêm hai mảng lớn là hạ tầng và năng lượng xanh, bên cạnh các lĩnh vực cốt lõi hiện nay.

Thông tin đáng chú ý tại Đại hội cổ đông thường niên 2025, ngày 24/4, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng cũng đã công bố quyết định quan trọng: tập đoàn sẽ "dấn thân" mạnh mẽ vào lĩnh vực năng lượng xanh, xác định đây là một trong hai trụ cột kinh doanh chiến lược mới.

"Thứ nhất, để tạo ra nguồn điện xanh thực sự cho Việt Nam. Thứ hai, để đảm bảo nguồn cung điện dồi dào, đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai. Thứ ba, hưởng ứng lời kêu gọi của Nhà nước về việc các doanh nghiệp lớn chung tay xây dựng đất nước, khẳng định trách nhiệm và quyết tâm làm lớn của Vingroup", ông Vượng cho hay.

Hồi đầu tháng 3/2025, Vingroup đã đề xuất bổ sung vào Quy hoạch điện VIII điều chỉnh kế hoạch phát triển 47.500 MW năng lượng tái tạo giai đoạn 2025-2035, với khoảng 20.500 MW (tổng vốn 20-25 tỷ USD) dự kiến triển khai từ 2025-2030 tại các tỉnh tiềm năng như Sơn La, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Trà Vinh/Sóc Trăng và Khánh Hòa.

Không chỉ riêng Vingroup, T&T Group, trước đó, "sân chơi" năng lượng Việt Nam đã sớm chứng kiến cuộc đổ bộ của hàng loạt ông lớn đa ngành khác, mỗi tập đoàn đều đã khẳng định vị thế riêng trong lĩnh vực đầy tiềm năng này.

Trung Nam Group nổi lên như một trong những "người mở đường" trong lĩnh vực năng lượng Việt Nam, tên tuổi gắn liền với những dự án tầm cỡ như tổ hợp điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam (450MW) tại Ninh Thuận và dự án điện gió Ea Nam (400MW) ở Đắk Lắk.

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trungnam Group, gần đây chia sẻ với báo giới về tầm nhìn xa hơn của doanh nghiệp. Bên cạnh việc tiếp tục khai thác tiềm năng từ điện gió và điện mặt trời, Trungnam Group đang tích cực nghiên cứu và hướng đến các xu hướng năng lượng tương lai như hydrogen và LNG để tạo đà phát triển tiếp theo.

Bamboo Capital (BCG Energy) và Sao Mai Group cũng không đứng ngoài cuộc đua, khi cả hai đều đang xây dựng hệ sinh thái năng lượng tái tạo riêng với hàng loạt dự án lớn, bao phủ từ điện mặt trời, điện gió cho đến các giải pháp năng lượng từ rác thải.

Kỷ nguyên năng lượng xanh Việt Nam: 'Ván cờ' tỷ đô và nước đi chiến lược của các tập đoàn

Các tập đoàn danh tiếng như EDF Renewables, BP, Shell, TotalEnergies… đều đã hoặc đang đầu tư, hợp tác, xúc tiến đầu tư vào các dự án điện gió, điện mặt trời tại nhiều địa phương.

Không chỉ các ông lớn trong nước, Việt Nam còn trở thành "thỏi nam châm" hút mạnh vốn FDI vào lĩnh vực năng lượng sạch. Một làn sóng đầu tư nước ngoài đang âm thầm đổ bộ, với sự hiện diện của các tên tuổi lẫy lừng như EDF Renewables, BP, Shell, TotalEnergies... thông qua các dự án điện gió, điện mặt trời trải dài khắp cả nước.

Đơn cử, chiều 18/4, Tập đoàn SK (Hàn Quốc) bày tỏ mong muốn được hợp tác phát triển các nhà máy điện LNG tại Nghệ An và Thanh Hóa, cho thấy sức hấp dẫn khó cưỡng của thị trường năng lượng Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. SK, với vị thế là tập đoàn đa ngành thứ hai Hàn Quốc và đã rót hơn 3,5 tỷ USD vào Việt Nam, khẳng định cam kết đầu tư lâu dài vào các lĩnh vực công nghệ cao và năng lượng tái tạo tại đây.

Trong bối cảnh Việt Nam quyết tâm chuyển dịch sang một tương lai năng lượng sạch, "cuộc đua tỷ đô" đang diễn ra ngày càng khốc liệt. Những phát biểu và hành động của lãnh đạo các tập đoàn đều cho thấy sự nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của cả công nghệ và tầm nhìn chiến lược trong cuộc chơi đầy tiềm năng nhưng cũng không ít thách thức này. Ai sẽ là người về đích đầu tiên vẫn còn là một ẩn số, nhưng chắc chắn rằng, con đường dẫn đến ngôi vị đó không chỉ dựa vào tiềm lực tài chính mạnh mẽ, mà sẽ được định hình bởi sự đổi mới công nghệ và một tầm nhìn phát triển bền vững, bao quát các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn