Áp lực đáo hạn trái phiếu bất động sản cuối năm

Theo báo cáo từ Chứng khoán MBS, trong tháng 8, giá trị trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn ước tính khoảng 2,4 nghìn tỷ đồng, giảm 93% so với tháng trước đó. Trong đó, nhóm ngân hàng chiếm 44%, còn nhóm bất động sản chiếm 9%. Tính từ đầu năm, đã có hơn 110,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước.

Một tín hiệu tích cực là từ đầu tháng 8 đến nay, chưa có thêm doanh nghiệp nào công bố chậm thanh toán các nghĩa vụ liên quan đến trái phiếu. Tuy nhiên, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm thanh toán hiện nay ước tính khoảng 209,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 30% dư nợ trái phiếu toàn thị trường, trong đó bất động sản tiếp tục là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất với khoảng 68% giá trị chậm trả.

-1422-1724400068.jpg

Dự báo trong vòng 1 năm tới, khoảng 52.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn có nguy cơ không thể trả nợ đúng hạn.

MBS dự báo rằng khoảng 49,4 nghìn tỷ đồng và 34,6 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sẽ lần lượt đáo hạn trong quý III và quý IV năm nay, thấp hơn so với mức đỉnh 69,1 nghìn tỷ đồng trong quý II. Tuy nhiên, tổ chức xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam cảnh báo rằng trong tháng 8, khoảng 7.300 tỷ đồng trái phiếu có nguy cơ không thể trả nợ đúng hạn, chủ yếu là từ ngành bất động sản.

Dự báo trong vòng 12 tháng tới, khoảng 52.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn có nguy cơ không thể thanh toán đúng hạn, trong đó 90% đã từng chậm trả ít nhất một lần. Điều này gây lo ngại cho các nhà đầu tư, bởi nếu doanh nghiệp không thể phục hồi sau giai đoạn gia hạn, số tiền của nhà đầu tư sẽ gặp nhiều rủi ro.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng tối đa Nghị định 08 để đàm phán gia hạn thời gian trả nợ trong vòng 2 năm. Ông Lực cho biết, hiện có 60% doanh nghiệp đã gia hạn thành công đến tháng 6/2025, đồng thời chủ động mua lại trái phiếu theo điều kiện phát hành và phát hành lại để giảm áp lực vốn.

Một tín hiệu tích cực khác là khối lượng trái phiếu chậm trả mới phát sinh lần đầu tiếp tục giảm mạnh, chỉ bằng khoảng 1/10 so với năm trước. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinRatings, áp lực đáo hạn vẫn rất lớn trong giai đoạn 2024-2025.

Thống kê của FiinRatings cho thấy số dư trái phiếu doanh nghiệp đến hạn trong năm 2024 là 315.000 tỷ đồng và năm 2025 đạt đỉnh với 334.000 tỷ đồng. Đặc biệt, số dư trái phiếu bất động sản đến hạn năm 2024 là 60.000 tỷ đồng và năm 2025 ước tính lên tới 135.000 tỷ đồng.

Dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, một tín hiệu lạc quan là đã có 35.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản mới được hấp thụ từ đầu năm đến nay, tập trung vào các đơn vị phát hành uy tín và được xếp hạng tín nhiệm đầy đủ. Điều này cho thấy sự cải thiện về kỷ luật và quản trị rủi ro trên thị trường.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, để giảm bớt áp lực đáo hạn, việc cải thiện sức khỏe thực sự của doanh nghiệp thông qua việc đưa các dự án vào kinh doanh hiệu quả là giải pháp lâu dài. Bên cạnh đó, các luật liên quan đến bất động sản mới cũng sẽ hỗ trợ quá trình phê duyệt pháp lý dự án, giúp tái cơ cấu lại hoạt động kinh doanh và tăng khả năng trả nợ cho trái chủ.

Thanh Hoa

Xem thêm tại vnbusiness.vn