Tỷ giá tăng nửa đầu năm
Tỷ giá USD/VND liên ngân hàng tháng 6 tăng nhẹ lên mức 25.459 đồng/USD, đánh dấu mức tăng 4,5% so với đầu năm. Tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục đà tăng lên mức 25.990 đồng/USD, trong khi tỷ giá trung tâm niêm yết tại mức 24.260 đồng/USD, tăng lần lượt 5% và 1,7% so với đầu năm.
Diễn biến bất lợi của tỷ giá một phần do chỉ số đồng USD (DXY) liên tục tăng trong những tháng đầu năm nay, đạt mức 106,3 điểm trong tháng 4 (tăng 4% so với đầu năm), sau đó dần hạ độ cao xuống mức 105 điểm, song vẫn tăng 3% so với đầu năm.
Đồng USD duy trì sức mạnh trong bối cảnh niềm tin của người tiêu dùng được cải thiện, thị trường lao động ổn định, cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ, bất chấp lạm phát vượt xa mục tiêu 2%.
Ông Nguyễn Tú Anh, Viện trưởng, Giám đốc Trung tâm Thông tin dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, chênh lệch lãi suất giữa VND và USD là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến áp lực tỷ giá trong thời gian qua. Tới thời điểm hiện tại, theo đánh giá của ông Tú Anh, áp lực tỷ giá không tác động quá lớn lên nền kinh tế.
Tỷ giá trượt một phần đang hỗ trợ tính cạnh tranh về giá cho hàng hóa xuất khẩu, nhưng nếu kéo dài có thể gây áp lực lên lạm phát, bởi khi giá nhập khẩu đầu vào tăng lên, giá nguyên vật liệu, xăng dầu, giá điện... cũng sẽ điều chỉnh tăng theo.
Bên cạnh đó, áp lực tập trung lên bảng cân đối của Ngân hàng Nhà nước khi phải sử dụng dự trữ ngoại hối để điều tiết tỷ giá, cũng như sức ép trả nợ vay nước ngoài.
Trong khi đó, theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VPBank cho rằng, việc tỷ giá tăng mạnh thường có tác động nhất định lên thị trường chứng khoán và một trong những ảnh hưởng mang tính gián tiếp là nhà đầu tư nước ngoài bán ròng. Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024, khối ngoại bán ròng 55.000 tỷ đồng - con số kỷ lục từ trước đến nay.
Nhìn lại thời điểm cuối năm 2023, do sự ngược chiều về chính sách tiền tệ, VND mất giá khá mạnh so với USD (có thời điểm mất giá hơn 4%). Chỉ số VN-Index cũng biến động rất mạnh trong giai đoạn này và giảm hơn 15% chỉ trong 3 tháng, từ tháng 8 đến tháng 10/2023.
Giảm dần trong nửa cuối năm
Ông Nguyễn Tú Anh đánh giá, VND trong 6 tháng cuối năm tiếp tục đối mặt với sức ép trượt giá. Dù GDP 6 tháng đầu năm tăng trưởng 6,42%, song động lực chủ yếu đến từ dòng vốn FDI. Giải ngân cho hoạt động đầu tư đang gây thất vọng, cũng như đầu tư tư nhân trong nước không có nhu cầu mở rộng sản xuất - kinh doanh.
Điều này kéo theo áp lực Ngân hàng Nhà nước buộc phải duy trì lãi suất ở nền thấp. Thực tế, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tuần ở mức 4,6%/năm vẫn đang thấp hơn so với mức 5,5%/năm ở Mỹ.
Tuy vậy, theo ông Tú Anh, cơ hội của Việt Nam trong việc kiểm soát tỷ giá đến từ hai yếu tố: Thứ nhất, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài duy trì tăng trưởng, 6 tháng đầu năm đạt 15,2 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước; thứ hai, thời điểm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất đang cận kề.
Dự báo về diễn biến tỷ giá USD/VND giai đoạn từ nay đến cuối năm 2024, nhiều chuyên gia đồng quan điểm cho rằng, căng thẳng tỷ giá đang giảm dần khi cơ quan quản lý đã đưa ra hàng loạt biện pháp nhằm bình ổn tỷ giá, như hút ròng tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng nhằm giảm chênh lệch lãi suất trên thị trường này, bán ngoại tệ theo hình thức giao ngay cho các tổ chức tín dụng nhằm cân bằng trạng thái ngoại tệ, tổ chức các phiên đấu thầu vàng trong bối cảnh giá vàng trong nước chịu áp lực tăng cao… Các biện pháp này đang dần có tác động tích cực.
Xét về mặt tích cực, khi tỷ giá USD/VND tăng, các doanh nghiệp xuất khẩu hoặc cho thuê giàn khoan, cho thuê đội tàu hoạt động trên thị trường quốc tế sẽ được hưởng lợi khi thu về USD.
Ở chiều ngược lại, tỷ giá tăng sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc vốn và chi phí tài chính của các doanh nghiệp có tỷ lệ vay nợ bằng USD lớn.
Cùng với đó, dòng vốn FDI giải ngân tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm cũng là yếu tố giúp cho tỷ giá ổn định hơn trong những tháng cuối năm 2024.
Bên cạnh đó, Fed cũng phát đi thông điệp có thể cắt giảm lãi suất USD trong năm nay, với ưu thế nghiêng về một lần giảm lãi suất vào tháng 9 tới.
Do vậy, việc cắt giảm lãi suất sẽ đưa chỉ số DXY giảm nhẹ trong nửa cuối năm 2024 và giảm áp lực lên tỷ giá.
Ông Trần Hoàng Sơn cũng nhận định tỷ giá sẽ dần hạ nhiệt khi kỳ vọng Fed hạ lãi suất vào tháng 9 tới. Thị trường chứng khoán trong nước mặc dù vẫn chịu áp lực bán ròng mạnh nhưng lực cầu của nhà đầu tư trong nước đối ứng rất tốt, giúp các nhịp điều chỉnh ngày càng nhỏ dần, thị trường lấy lại ổn định và tiếp tục đi lên.
Từ góc độ doanh nghiệp, các doanh nghiệp trên sàn đều quan tâm đến tầm quan trọng của việc ổn định tỷ giá để giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, có nguồn ngoại tệ phục vụ xuất nhập khẩu, bởi tỷ giá tăng khiến doanh nghiệp phải hạch toán lỗ chêch lệch tỷ giá, kéo theo giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.
Tỷ giá tăng sẽ tác động bất lợi đến các doanh nghiệp có khoản vay bằng USD và có nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu. Ở chiều ngược lại, VND yếu sẽ là yếu tố thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu ròng.
Xét về mặt tích cực, khi tỷ giá USD/VND tăng, các doanh nghiệp xuất khẩu hoặc cho thuê giàn khoan, cho thuê đội tàu hoạt động trên thị trường quốc tế sẽ được hưởng lợi khi thu về USD. Ở chiều ngược lại, tỷ giá tăng sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc vốn và chi phí tài chính của các doanh nghiệp có tỷ lệ vay nợ bằng USD lớn.
Ngoài ra, các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu đầu vào nhập khẩu cũng sẽ phải chịu rủi ro tăng chi phí, ảnh hưởng tới biên lợi nhuận.
Nhìn chung, tỷ giá tăng sẽ có tác động cả tích cực và tiêu cực tới các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán, nhà đầu tư có thể đánh giá từng nhóm cổ phiếu được hưởng lợi để tìm kiếm cơ hội đầu tư trên thị trường.
Một số doanh nghiệp có các khoản vay lớn bằng USD có thể kể tới như Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (mã HND), Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (mã PPC), Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (mã QTP)... ít nhiều sẽ bị tác động khi hạch toán lỗ tỷ giá.
Mặc dù vậy, tùy vào doanh nghiệp cụ thể, nếu phát sinh doanh thu từ USD, hoặc hưởng lợi từ chêch lệch tỷ giá đồng ngoại tệ khác, từ đó đối ứng nhằm cân bằng khoản lỗ chêch lệch tỷ giá.
Trong khi đó, những doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu sẽ hưởng lợi khi tỷ giá USD/VND tăng như hàng dệt may (TCM, TNG, VGT…); thủy sản (ANV, VHC, CMX…); nông sản, cao su và gỗ (PTB, DRI, PHR, DPR…); công nghệ, xuất khẩu phần mềm (FPT, CMG…)...
Bà Trần Khánh Hiền - Giám đốc Khối nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, áp lực tỷ giá sẽ hạ nhiệt và dao động trong khoảng 25.300 - 25.700 đồng/USD trong nửa sau của năm 2024 với những yếu tố tích cực như thặng dư thương mại tích cực (gần 10 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2024), dòng vốn FDI (10,8 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ) và du lịch phục hồi mạnh mẽ (tăng 58% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2024). Sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng được duy trì và cải thiện hơn nữa sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2024.