Áp lực tỷ giá vơi dần, doanh nghiệp bớt lo âu

Theo báo cáo mới công bố của FiinRatings, tỷ giá VND/USD đã dần hạ nhiệt từ cuối tháng 7. Dữ liệu kinh tế khả quan của Mỹ mới công bố củng cố cho khả năng FED sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất từ tháng 9 năm nay.

tỷ giá USD
Lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt.

Lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt

Cùng với đó, trong tháng 7, Ngân hàng Nhà nước(NHNN) hút 196.100 tỷ đồng qua kênh tín phiếu với lãi suất cao 4,5% để kiểm soát tỷ giá. Khi tỷ giá đã bớt căng thẳng, đầu tháng 8, NHNN đã hạ lãi suất tín phiếu và OMO xuống 4,25%, qua đó giúp hạ nhiệt lãi suất liên ngân hàng và giảm áp lực lên lãi suất huy động.

Tuy nhiên, FiinRatings cho rằng áp lực lên tỷ giá vẫn có thể quay trở lại trong thời gian tới dưới tác động của các yếu tố trong và ngoài nước. Các yếu tố quốc tế có thể kể đến triển vọng nền kinh tế Mỹ, nhu cầu tích trữ đồng USD trước các rủi ro địa chính trị trên toàn thế giới…

Trong nước, cầu USD cũng thường tăng mạnh hơn vào cuối năm do nhu cầu nhập nguyên liệu đầu vào cho các đơn hàng xuất khẩu cuối năm.

Cũng theo báo cáo, chi phí sản xuất và chi phí vốn nước ngoài được kỳ vọng sẽ giảm. Các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn ngoại tệ như xuất nhập khẩu sẽ hưởng lợi trực tiếp từ chi phí đầu vào giảm. Ngoài ra, đây sẽ là động lực để các doanh nghiệp tăng cường tiếp cận dòng vay vốn nước ngoài và phát hành trái phiếu quốc tế cho hoạt động kinh doanh thời gian tới.

Chứng khoán MBS cho rằng áp lực tỷ giá sẽ hạ nhiệt và dao động trong khoảng 25.300-25.700 VND/USD trong thời gian còn lại năm 2024 dưới những yếu tố tích cực như: Thặng dư thương mại tích cực (7 tháng thặng dư hơn 14 tỷ USD), FDI giải ngân đạt hơn 12,5 tỷ USD (mức cao nhất từ trước tới nay) và du lịch phục hồi mạnh mẽ. Sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện hơn nữa sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2024.

Ngân hàng Shinhan Việt Nam cũng dự đoán VND dự kiến sẽ phục hồi khi FED thay đổi chính sách tiền tệ và khi chi tiêu đầu tư công cùng dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh. Dự báo từ Shinhan cho thấy tỷ giá bình quân năm 2024 có thể đạt khoảng 25.040 VND/USD.


Kỳ vọng biến động VND – USD chỉ khoảng 2-3%

Tuy nhiên, các chuyên gia từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) lưu ý rằng sức mạnh của đồng USD sẽ tiếp tục gây khó khăn cho việc điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước từ nay đến cuối năm 2024. Biến động của tỷ giá theo chỉ số USD Index (DXY) đang tăng, đặc biệt kể từ đầu năm đến nay.

tỷ giá USD hôm nay đang có dấu hiệu phục hồi, kéo theo những biến động trên cả thị trường trong nước lẫn quốc tế.
Kỳ vọng biến động VND – USD chỉ khoảng 2-3%.

Từ đầu quý III/2024, chỉ số USD có xu hướng giảm, nhưng VDSC cũng chỉ ra một số yếu tố trong nước có thể gây áp lực lên cung-cầu ngoại tệ. Các yếu tố này bao gồm nhu cầu USD tăng cao vào cuối quý 3, đầu quý 4 do hoạt động nhập khẩu máy móc, nguyên liệu cho đơn hàng xuất khẩu cuối năm; cùng với đó là sự gia tăng áp lực tỷ giá do các yếu tố liên quan đến cán cân thanh toán.

Với sự kết hợp của các yếu tố trên, VDSC cho rằng con đường ổn định tỷ giá có thể sẽ gặp thêm một số khó khăn trước khi đạt được sự ổn định mong muốn.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng sức ép tỷ giá sẽ giảm đi, kỳ vọng biến động VND – USD chỉ khoảng 2-3%. Điều này dựa vào nguồn cung ngoại tệ trên thị trường sẽ tăng thêm từ nay đến cuối năm bởi giải ngân vốn đầu tư nước ngoài, FED cắt giảm lãi suất, hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp hồi phục…

Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhận định tỷ giá vẫn duy trì được sự ổn định và đảm bảo được thị trường ngoại tệ thông thoáng. Đây là sự ổn định lớn mà Việt Nam đang duy trì được.

“Với cách điều hành của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá vẫn đảm bảo sự ổn định và thị trường ngoại tệ thông thoáng, đảm bảo các cân đối chung của ngoại tệ, đảm bảo trạng thái ngoại tệ dương cho các ngân hàng thương mại, cũng như đáp ứng nhu cầu ngoại tệ hợp pháp cho các doanh nghiệp và nhu cầu xuất nhập khẩu,” ông Tú nói.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn