Bà chủ kín tiếng đứng sau 2 chuỗi Katinat, Phê La
Nhắc đến những chuỗi đồ uống nổi tiếng trên thị trường hiện nay, không thể không kể đến Katinat và Phê La. Cả hai thương hiệu này đều đang nhanh chóng mở rộng thị phần tại Việt Nam, với các cửa hàng mới liên tục xuất hiện tại những vị trí đắc địa ở TP.HCM và Hà Nội.
Tuy nhiên, thông tin về chủ nhân của 2 chuỗi này không nhiều, đặc biệt là Katinat, đã khiến giới đầu tư tò mò. Đối với Phê La, từ trước đến nay nhiều người vẫn chỉ thấy sự xuất hiện của bà Nguyễn Hạnh Hoa trên truyền thông với tư cách là Founder kiêm CEO.
Ít ai biết rằng, đứng sau sự phát triển của cả 2 chuỗi đồ uống Katinat và Phê La là bà Trương Nguyễn Thiên Kim, một nữ doanh nhân nổi tiếng và là vợ của ông Tô Hải (sinh năm 1973), Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Vietcap (mã VCI).
Vợ chồng doanh nhân Tô Hải và Trương Nguyễn Thiên Kim |
Bà Thiên Kim, sinh năm 1976 tại Đà Lạt, là thạc sĩ Tài chính, Lưu thông tiền tệ và Tín dụng từ Đại học Kinh tế TP.HCM. Bà đã tích lũy nhiều kinh nghiệm trong ngành F&B (Food and Beverage), với một sự nghiệp trải qua nhiều vị trí quản lý cấp cao tại các doanh nghiệp lớn như Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) và Chứng khoán Vietcap.
Bà chủ kín tiếng đứng sau sự bùng nổ của Katinat và Phê La
Trong ngành F&B, bà Thiên Kim đang giữ chức danh Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP D1 Concepts, Chủ tịch HĐQT CTCP Phê La và Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Café Katinat.
Trong đó, D1 Concepts là công ty sở hữu các chuỗi nhà hàng F&B đặc sắc gồm: San Fu Lou (ẩm thực Quảng Đông), Dì Mai (nhà hàng đồ ăn Việt Nam) , Sorae (ẩm thực Nhật Bản), Sens và CaféDa.
Thương hiệu KATINAT ra đời vào năm 2016, thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Café Katinat. Thương hiệu ban đầu có khoảng 9 cửa hàng tập trung tại khu vực trung tâm TP. HCM. Theo Tạp chí điện tử Tri thức, tại Katinat, bà Thiên Kim hiện nắm giữ 3,2 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ sở hữu 84,211%. Các cổ đông khác là ông Lê Ngọc Khánh, đồng sáng lập, nắm giữ 300.000 cổ phần (7,895%) và ông Đinh Việt Hà, nắm giữ 300.000 cổ phần (7,895%).
Cửa hàng của chuỗi Katinat có thiết kế ấn tượng |
Xuất hiện khá sớm trên thị trường nhưng phải đến cuối năm 202, Katinat mới thực tạo ra 'sức bật' cho tên tuổi của mình trên thị trường chuỗi đồ uống Việt với 10 cửa hàng tại TP.HCM, Biên Hòa (Đồng Nai). Sau đó, là sự mở rộng mạnh mẽ của Katinat với tổng cộng 73 cửa hàng trong năm 2023, chiếm 1,35% thị phần cà phê chuỗi tại Việt Nam với doanh thu gần 470 tỷ đồng. Đặc biệt các cửa hàng của Katinat thường có thiết kế ấn tượng, nằm tại những mặt bằng đắc địa và hút mắt.
Sự bành trướng của Katinat diễn ra sau khi chuỗi này nhận được sự hậu thuẫn từ D1 Concepts. Tháng 4/2023, Katinat đã tái định vị thương hiệu thành Katinat Coffee & Tea House, tập trung vào hai dòng sản phẩm chính là trà và cà phê.
Đối với Phê La, chuỗi trà sữa này được cho là 'sinh sau đẻ muộn' so với các tên tuổi khác trên thị trường nhưng độ phủ của thương hiệu lại khá nhanh chóng. Slogan mới lạ "Chúng tôi bán Ô long đặc sản Đà Lạt" của hãng đã tạo ra nét riêng giữa vô vàn thương hiệu trên thị trường. Cửa hàng đầu tiên của Phê La khai trương vào tháng 3 năm 2021 trên đường Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 1 năm, Phê La đã nhanh chóng mở được 15 cửa hàng tại Hà Nội, TP. HCM và Đà Lạt. Hiện tại thương hiệu đã chạm mốc 20 cửa hàng trên cả nước, với chi nhánh mới nhất vừa mở tại phố cổ Hội An, Đà Nẵng.
Theo số liệu của Vietdata, chuỗi trà sữa này ghi nhận doanh thu gần 300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng vài chục tỷ đồng trong năm 2023. Tương tự như Katinat, hiện các cửa hàng Phê La nằm tại các vị trí đắc địa ở TP. HCM và Hà Nội, thách thức các thương hiệu lớn như Highlands Coffee và Starbucks.
Một cửa hàng trà sữa Phê La |
Tại Phê La, bà Thiên Kim hiện nắm giữ 9,18 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ sở hữu 51%. Các cổ đông khác là bà Nguyễn Hạnh Hoa, nhà sáng lập nắm giữ 6,48 triệu cổ phần (36%); ông Nguyễn Hoàng, nắm giữ 2,34 triệu cổ phần (13%) (số liệu từ Tạp chí điện tử Tri thức).
Trước đó, nhiều khách hàng tinh ý đã nhận ra nét tương đồng của 2 thương hiệu này khi cùng chiến lược đẩy mạnh sử dụng nông sản Việt và sự xuất hiện của những chiếc ly đặc biệt (ly hoa nổi và ly đổi màu) ở hai chuỗi cà phê trong cùng một thời điểm.
Nữ doanh nhân ghi dấu ấn mạnh mẽ trên thương trường
Bên cạnh những thành công trong ngành F&B, bà Trương Nguyễn Thiên Kim đã sớm nổi danh trong lĩnh vực tài chính khi là một trong những cổ đông lớn của Chứng khoán Vietcap, sở hữu hơn 22,8 triệu cổ phiếu VCI, trị giá khoảng 1.100 tỷ đồng. Cùng với chồng bà là ông Tô Hải, người nắm giữ hơn 49,4 triệu cổ phiếu VCI, tổng tài sản của cặp đôi này ước tính khoảng 3.500 tỷ đồng.
Đồng thời bà Kim cũng đang giữ nhiều vị trí quan trọng khác trong các doanh nghiệp lớn như Thành viên HĐQT CTCP Sữa Quốc tế (UPCoM: IDP) và Thành viên HĐQT độc lập CTCP Thương mại Dịch vụ Bến Thành (HoSE: BTT), Thành viên Ban kiểm soát CTCP Bến xe Miền Tây (HNX: WCS).
Tại Sữa Quốc tế, Chứng khoán Vietcap là một trong những cổ đông lớn nhất với hơn 8,8 triệu cổ phiếu, trị giá gần 2.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, cá nhân ông Tô Hải và bà Kim không sở hữu bất kỳ cổ phiếu IDP nào, dù họ giữ các vai trò quản lý cấp cao tại đây.
Bà Thiên Kim (váy đỏ) trong buổi khai trương nhà hàng San Fu Lou |
Chứng khoán Vietcap hiện đứng trong Top 4 công ty chứng khoán trên thị trường, nổi bật với hoạt động đầu tư. Nhiều cổ phiếu Vietcap nắm giữ đều báo lãi như: IDP, KDH, TDM, FPT hay PNJ.
Với khối tài sản khổng lồ và tầm ảnh hưởng lớn trong ngành tài chính lẫn F&B, bà Trương Nguyễn Thiên Kim vẫn khá kín tiếng và không xuất hiện nhiều trên truyền thông. Tin tức mới nhất về bà Thiên Kim là thông tin bà đã đăng ký bán 13,2 triệu cổ phiếu VCI của Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcap. Dự kiến sau giao dịch, bà Thiên Kim giảm tỷ lệ sở hữu từ 5,17% xuống còn 2,18%, không còn là cổ đông lớn. Thời gian thực hiện giao dịch dự kiến từ ngày 4/9 đến 3/10.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn