Non-prefunding chưa là "cây đũa thần" cản lực bán khối ngoại trong ngắn hạn

Non-prefunding chưa là "cây đũa thần" cản lực bán khối ngoại trong ngắn hạn

Non-prefunding chưa là "cây đũa thần"

Thông tư 68 đi vào vận hành đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài được phép mua cổ phiếu mà không cần phải có đủ tiền. Điều này khiến giới đầu tư kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện diễn biến bán ròng mạnh mẽ của khối ngoại, nhưng thực tế trong ngắn hạn, Thông tư 68 chưa là "cây đũa thần".

Theo thống kê của MBS, tính đến hết tháng 10, giá trị bán ròng của khối ngoại đạt gần 79.000 tỷ đồng - mức chưa từng có trong lịch sử. Riêng tháng 10, khối ngoại bán ròng 9.844 tỷ đồng, với chuỗi bán ròng liên tiếp trong 15 phiên cuối tháng; và chỉ trong 5 phiên giao dịch đầu tháng 11, khối này đã bán ròng hơn 2.700 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong phiên giao dịch ngày 5/11 vừa qua, giá trị khớp lệnh trên sàn HOSE chỉ đạt hơn 8.100 tỷ đồng, giảm 40% so với phiên liền trước và là mức thấp nhất trong vòng gần 1,5 năm qua kể từ đầu tháng 5/2023.

Diễn biến này cho thấy, Non-prefunding chưa phải là "cây đũa thần" để kéo dòng tiền nội trở lại, ngăn dòng tiền ngoại rút ra, mà thị trường đang thiếu động lực đủ lớn, thiếu nhóm cổ phiếu dẫn sóng đủ mạnh mẽ để thu hút dòng tiền vào thị trường.

Ngoài ra, việc thị trường chứng khoán diễn biến thiếu tích cực thời gian qua, theo nhiều chuyên gia, một phần cũng do chịu thêm áp lực ngắn hạn từ diễn biến tỷ giá tăng lại trong 3-4 tuần gần đây.

... nhưng vốn ngoại sẽ sớm quay lại

Ông Young Lee, Giám đốc Điều hành hoạt động kinh doanh cổ phiếu khu vực châu Á, Morgan Stanley cho biết, những quy định mới tại Thông tư số 68/2024/TT-BTC đã giúp TTCK Việt Nam phù hợp hơn với các yêu cầu bắt buộc của FTSE Russell.

"Việc bỏ quy định phải có đủ tiền khi đặt lệnh là yêu cầu quan trọng từ phía các nhà đầu tư và cần nhiều thời gian để sửa đổi cơ chế, chính sách. Thực tế, Việt Nam đã có những thay đổi quan trọng về tiêu chí này chỉ trong một thời gian ngắn và tôi rất vui mừng, cũng như đánh giá cao những nỗ lực này từ phía các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán tại Việt Nam", ông Young Lee nói.

Về triển vọng trong thời gian tới, khi TTCK Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi, đại diện Morgan Stanley dự báo có thể giúp thu hút 800 triệu USD từ các nhà đầu tư thụ động sử dụng bộ chỉ số FTSE và 2 tỷ USD từ các nhà đầu tư thụ động sử dụng bộ chỉ số khác. Đồng thời, các quỹ chủ động sẽ tham gia tích cực hơn, dự kiến sẽ có khoảng 4-6 tỷ USD vào Việt Nam.

Ông Barry Weisblatt David - Giám đốc Khối phân tích - Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT cũng cho rằng, tác động lớn hơn của Thông tư 68 là việc nâng cao khả năng FTSE sẽ công bố nâng hạng lên thị trường mới nổi vào tháng 3/2025. Thông báo này sẽ cải thiện tâm lý thị trường và lực mua của nhà đầu tư cá nhân một cách tích cực.

Bên cạnh đó, các ETFs nước ngoài mô phỏng thị trường Việt Nam có thể gia tăng tài sản quản lý khi nhà đầu tư tại các thị trường nước ngoài kỳ vọng vào việc nâng hạng thị trường mới nổi. Đây có thể là một sự kiện quan trọng và giúp tăng giá cổ phiếu trong quý I/2025.

"Khi Việt Nam chính thức được FTSE nâng hạng vào tháng 9/2025 và các công ty Việt Nam được đưa vào các chỉ số thị trường mới nổi, chúng ta có thể kỳ vọng dòng vốn lớn từ các ETF thị trường mới nổi. Dù có nhiều ước tính khác nhau, tôi nghĩ rằng khoảng 500 triệu - dưới 1 tỷ USD là hợp lý", ông Barry cho biết.

Ghi nhận trên thị trường, các công ty chứng khoán Top đầu về thị phần khách hàng tổ chức như Vietcap (VCI), HSC, SSI... đã sẵn sàng cung cấp dịch vụ Non Pre-funding solution cho nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Các công ty này xem đây là cơ hội lớn nên đã và đang có sự đầu tư, thúc đẩy mở rộng hơn phân khúc khách hàng này.

Chẳng hạn, Vietcap - công ty chứng khoán dẫn đầu thị trường về thị phần môi giới nước ngoài với hơn 30% từ đầu năm đến nay - cho biết, đã tiến hành tiếp xúc, trao đổi và làm việc chặt chẽ với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, các cơ quan quản lý, thành viên thị trường và các nhà tư vấn như FTSE, Asifma… về giao dịch Non-prefunding.

Theo Vietcap, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có nhu cầu lớn và đón nhận giao dịch Non-prefunding ngay khi Thông tư 68/2024/TT-BTC có hiệu lực. Phía Công ty cũng đang làm thủ tục phát hành cổ phiếu riêng lẻ để huy động vốn mới, tăng cường năng lực tài chính cho các hoạt động kinh doanh, bao gồm việc triển khai dịch vụ Non-prefunding.

"Hiện Công ty đã xây dựng hoàn tất quy trình nội bộ và bắt đầu kiểm tra hệ thống, sẵn sàng triển khai ngay khi Thông tư hiệu lực", đại diện Vietcap cho hay.

Tương tự tại VND, Công ty đã triển khai dịch vụ theo yêu cầu khách hàng; đồng thời làm việc với các tổ chức tư vấn, thuộc nhóm kiểm toán Big-4 để thiết lập đánh giá rủi ro cho từng khách hàng...

Mặt khác, nhiều công ty chứng khoán có thị phần khách hàng tổ chức Top dưới, hoặc đang trong giai đoạn bước đầu đẩy mạnh khách hàng tổ chức thì có phần e ngại hơn do vấn đề về vốn và quản trị rủi ro.

Về vấn đề rủi ro, ông Barry Weisblatt David cho rằng, khi triển khai Non-prefunding, các công ty chứng khoán sẽ đối diện với vấn đề mới đó là rủi ro vỡ nợ thanh toán của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài và có thể phải đưa chứng khoán vào danh mục giao dịch tự doanh của công ty. Do đó, các quy trình thẩm định xếp loại tín nhiệm khách hàng, quy trình giao dịch và quy trình toán là những điểm mà các công ty đang nỗ lực để hoàn thiện.

Nhìn chung, giới phân tích đều đưa ra dự báo cho năm 2025, với triển vọng thị trường chứng khoán được các chuyên gia cho rằng sẽ được hỗ trợ từ tăng trưởng lợi nhuận DNNY khả quan; triển vọng nâng hạng ngày càng rõ ràng hơn – trong đó Thông tư 68 là bước tiến quan trọng; các chỉ số vĩ mô ổn định… thì dòng vốn ngoại sẽ sớm quay lại đón đầu cơ hội thị trường.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn