Ba thị trường giúp Vĩnh Hoàn thu về gần nghìn tỷ trong tháng 11
Báo cáo kinh doanh của CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) cho thấy doanh thu tháng 11 tăng 13% so với cùng kỳ lên 968 tỷ đồng.
Trong đó, doanh thu từ sản phẩm cá tra chiếm 54% và ghi nhận 524 tỷ, tăng 39% so với tháng 11/2023. Bên cạnh đó, nguồn thu từ phụ phẩm cũng tăng 48% so với cùng kỳ lên 171 tỷ đồng. Trái lại, doanh thu từ các sản phẩm khác, phồng tôm, bún và bánh gạo, sản phẩm chăm sóc sức khoẻ đều suy giảm.
Về cơ cấu thị trường, doanh thu của Vĩnh Hoàn tăng trưởng trong tháng 11 nhờ lực đẩy từ thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc, trong khi nguồn thu nội địa và các thị trường khác lại sụt giảm so với cùng kỳ.
Mỹ là thị trường xuất khẩu chính của Vĩnh Hoàn với 298 tỷ doanh thu tháng qua, tăng 40% so với tháng 11 năm ngoái. Thị trường EU đem về 163 tỷ, Trung Quốc đạt 80 tỷ; cùng tăng 32% so với tháng 11/2023.
Song nếu so với tháng 10, tổng doanh thu tháng 11 của Vĩnh Hoàn lại giảm 20%, trong đó tất cả các thị trường trừ Việt Nam đều báo doanh thu sụt giảm. Riêng doanh thu từ mảng cá tra giảm 31%.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo biên lợi nhuận gộp của Vĩnh Hoàn trong quý IV khó tăng mạnh so với quý trước khi giá cá nguyên liệu có xu hướng tăng trở lại và khả năng thỏa thuận tăng giá bán gặp khó khăn khi mùa lễ hội đi qua.
Giá cá nguyên liệu tháng 11 đã tăng lên 28.000 đồng/kg sau khi duy trì ở mức 26.000 - 27.000 đồng/kg kể từ hồi tháng 4 do tồn kho cá tra nguyên liệu đã xuống mức thấp kỷ lục 14.000 tấn (giảm 81% so với cùng kỳ).
Với mức giá cá nguyên liệu tăng lên, Vĩnh Hoàn sẽ cố gắng thỏa thuận tăng giá bán để ổn định biên gộp. Tuy nhiên, giá bán sẽ khó tăng khi nhu cầu trữ hàng cho mùa lễ hội cũng giảm dần và mức độ cạnh tranh mạnh mẽ với cá Minh Thái Alaska Mỹ, đơn vị phân tích nêu quan điểm.
Đánh giá tác động bước đầu của chính sách Trump 2.0 lên ngành cá tra Việt Nam, dựa theo những phát ngôn trong giai đoạn tranh cử, ông Trump có kế hoạch áp thuế 10-20% lên tất cả các mặt hàng nhập khẩu, và 60% lên mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhìn nhận cá da trơn (bao gồm cá tra) là loại cá phổ biến thứ 3 được nhập khẩu vào Mỹ, và Việt Nam là đối tác xuất khẩu cá tra lớn nhất của Mỹ.
Vì vậy, mức thuế thuế 10-20% sẽ có thể có tác động đa chiều lên xuất khẩu cá tra Việt Nam. Kim ngạch nhập khẩu có thể tăng mạnh trong ngắn hạn do các khách hàng gia tăng nhập hàng trước các lo ngại liên quan tới thay đối chính sách thuế quan, rồi biến động tùy theo độ bất lợi của chính sách thuế.
BVSC cho rằng ảnh hưởng lên ngành cá tra trong tương lai sẽ dựa trên chính sách thuế được công bố trong thời gian tới như: (1) Chính sách thuế được công bố trong thời gian tới, và (2) biến động của nguồn cung Trung Quốc, Nga, và nội địa Mỹ.
Xem thêm tại vietnambiz.vn