Băn khoăn về khả năng thanh toán của một số doanh nghiệp có hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn năm 2024
Năm 2024 sẽ là đỉnh điểm đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), trong đó có những lô trái phiếu trị giá hàng nghìn tỷ đồng của các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng và vật liệu, du lịch và giải trí. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong số này lại khá bết bát. Điều này đặt ra băn khoăn về khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu của các doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp lỗ triền miên, nợ gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu
Là doanh nghiệp có lô trái phiếu đáo hạn lớn nhất năm 2024 (6.574 tỷ đồng) song số liệu kinh doanh của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI Corp, chủ đầu tư của siêu dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An - tên thương mại The Global City) lại không mấy tích cực.
Theo thông tin công bố trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), nửa đầu năm 2023, doanh nghiệp ghi nhận lỗ sau thuế gần 5.402 tỷ đồng, trong khi năm 2022 đã lỗ sau thuế 3.096 tỷ đồng.
Việc tiếp tục lỗ nặng trong nửa đầu năm 2023 đã khiến vốn chủ sở hữu của SDI Corp tại thời điểm ngày 30/6/2023 chuyển âm 1.557 tỷ đồng, trong khi thời điểm cuối năm 2022 vẫn ở mức dương 749 tỷ đồng.
Không chỉ âm vốn chủ sở hữu, SDI Corp còn duy trì tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao. Hệ số nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu tại ngày 30/6/2023 ở mức âm 62,37 lần, tương ứng nợ phải trả khoảng 97.100 tỷ đồng. Năm 2022, hệ số nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp ở mức 128,72 lần, tương đương nợ phải trả ở mức 96.382 tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu duy trì ở mức 6.570 tỷ đồng.
Năng lực tài chính cũng là dấu hỏi với Công ty CP Đầu tư Golden Hill (Golden Hill Invest - chủ đầu tư của dự án cao ốc tại số 87 đường Cống Quỳnh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP. Hồ Chí Minh) khi doanh nghiệp này sẽ có lô trái phiếu trị giá 5.760 tỷ đồng đáo hạn vào ngày 15/4 tới đây.
Theo báo cáo tình hình tài chính gần nhất được công bố, lợi nhuận sau thuế năm 2022 của Golden Hill Invest âm gần 276 tỷ đồng, gấp 48 lần mức âm 5,8 tỷ đồng của năm 2021.
Đến cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu của công ty ở mức 2.421 tỷ đồng, giảm hơn 10% so với cuối năm 2021. Nợ phải trả gần 12.347 tỷ đồng, gấp 5,1 lần vốn chủ sở hữu.
Không chỉ kết quả kinh doanh bết bát, cuối tháng 1 vừa qua, Golden Hill Invest còn bị Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Quản lý Hàng đầu tư trực thuộc Cục Hải Quan TP. Hồ Chí Minh ra quyết định cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Lý do bị cưỡng chế là do Golden Hill Invest có tiền thuế nợ quá 90 ngày kể từ ngày hết thời gian nộp thuế, hết thời hạn gia hạn nộp thuế theo quy định. Số tiền bị cưỡng chế là hơn 1.289 tỷ đồng.
Với Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Nam An - doanh nghiệp có lô trái phiếu 4.700 tỷ đồng đáo hạn vào tháng 9/2024, tình hình kinh doanh cũng không khá hơn là bao.
Báo cáo tình hình tài chính bán niên 2023 của công ty cho thấy, 6 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp lỗ sau thuế gần 256 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi sau thuế hơn 679 tỷ. Đến giữa năm 2023, nợ phải trả của công ty tăng mạnh so với cùng kỳ lên 13.784 tỷ đồng, gấp 5,64 lần vốn chủ sở hữu.
Hay với Công ty TNHH Phát triển Bất động sản An Khang (có lô trái phiếu 1.000 tỷ đáo hạn vào tháng 6/2024), nửa đầu năm 2023, doanh nghiệp này lỗ thêm 119 tỷ đồng, sau khi đã lỗ sau thuế lần lượt 112 tỷ đồng và 831 tỷ đồng trong hai năm 2021, 2022. Nợ phải trả đến hết tháng 6/2023 của công ty 14.050 tỷ, gấp 26,99 lần vốn chủ sở hữu.
Tương tự, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Du lịch Hoàng Trường (có lô trái phiếu trị giá 1.400 tỷ đồng đáo hạn vào tháng 12/2024) cũng báo lỗ sau thuế 140 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023, sau khi đã lỗ ròng hơn 267 tỷ đồng trong năm 2022 và 120 tỷ đồng năm 2021.
Không đến mức ghi nhận lợi nhuận âm, song kết quả kinh doanh của Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Danh Việt (có 8 lô trái phiếu đáo hạn vào tháng 8/2024 với tổng giá trị hơn 3.400 tỷ đồng) cũng không mấy khả quan. Năm 2022, công ty này chỉ lãi vỏn vẹn 4 tỷ đồng và vẫn chưa công bố tình hình tài chính 6 tháng và cả năm 2023.
Hồi tháng 12/2023, doanh nghiệp này từng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xử phạt vì không công bố thông tin về tình hình sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu cũng như báo cáo tình hình, thanh toán lãi, gốc trái phiếu năm 2022.
Ẩn số về khả năng trả nợ cũng được đặt ra với một số doanh nghiệp như Công ty CP Đầu tư kinh doanh và phát triển đô thị Phương Nam (có lô trái phiếu trị giá 4.695 tỷ đồng, đáo hạn vào tháng 9/2024), Công ty TNHH Bất động sản Lan Việt (có lô trái phiếu 4.100 tỷ đồng, đáo hạn vào tháng 11/2024), Công ty CP Đại Phú Hoà (có một lô trái phiếu trị giá 3.560 tỷ, đáo hạn vào tháng 12/2024) hay Công ty CP Phú Thọ Land (có lô trái phiếu 1.900 tỷ, đáo hạn vào tháng 8/2024),… khi cho đến nay các doanh nghiệp này vẫn chưa công bố bất kỳ thông tin nào về tình hình tài chính trên chuyên trang về trái phiếu của HNX.
Áp lực thanh toán khó giải tỏa
Có thể thấy, trong bối cảnh tình hình kinh doanh khó khăn, áp lực thanh khoản đối với các doanh nghiệp sẽ càng tăng lên khi phải chuẩn bị nguồn tiền để trả nợ gốc và lãi trái phiếu.
Báo cáo thị trường trái phiếu năm 2023 của Công ty Chứng khoán VNDirect chỉ ra, trong năm 2023, danh sách các công ty chậm thanh toán nợ TPDN tiếp tục gia tăng.
Kể từ quý IV/2022 danh sách các tổ chức phát hành chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ TPDN đã liên tục tăng lên. Theo số liệu tổng hợp của VNDirect, tính đến cuối năm 2023, có khoảng hơn 70 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc TPDN. Ước tính, tổng dư nợ TPDN của các doanh nghiệp này là khoảng hơn 172.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 16,5% dư nợ TPDN toàn thị trường. Phần lớn trong số này là các doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản.
VNDirect cho biết trong bối cảnh nhiều tổ chức phát hành vẫn khó khăn trong hoạt động kinh doanh và khó khăn về dòng tiền, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp bất động sản, nhiều tổ chức phát hành đã lựa chọn giải pháp đàm phán với các trái chủ để gia hạn thời hạn các lô trái phiếu sắp đến hạn để có thêm thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh và tạo ra đủ dòng tiền chi trả cho các khoản nợ trái phiếu.
Đến cuối năm 2023 đã có gần 70 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn trái phiếu với các trái chủ và có báo cáo chính thức lên HNX, với tổng giá trị trái phiếu đã được gia hạn kỳ hạn hơn 116 nghìn tỷ đồng.
Báo cáo về triển vọng thị trường vốn năm 2024 của FiinRatings cũng cho biết, từ sau khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP cho phép cơ cấu lại nợ trái phiếu ra đời, các doanh nghiệp có xu hướng lựa chọn các phương án tái cấu trúc để xử lý vấn đề thanh khoản trước mắt.
Số liệu từ đơn vị xếp hạng tín nhiệm này cho thấy, có 62,04% giá trị TPDN tái cấu trúc với gia hạn gốc/lãi (chiếm 76,13% tổng giá trị TPDN tái cấu trúc) là phương án được áp dụng phổ biến nhờ tính chất tối ưu chi phí và chỉ cần đồng thuận giữa hai bên liên quan, bên cạnh các phương án cần định giá phức tạp hơn như thanh lý tài sản đảm bảo, hoán đổi tài sản bất động sản hoặc quyền thu. Một số lô TPDN cũng ghi nhận thay đổi các điều khoản như điều chỉnh lãi suất, bổ sung tài sản đảm bảo, cùng các cam kết khác.
Tuy nhiên, theo FiinRatings, sang năm 2024, bên cạnh áp lực đáo hạn trái phiếu lớn (khoảng 239.000 tỷ, tăng 19,7% so với năm 2023), thị trường sẽ đối mặt thêm gánh nặng từ các lô TPDN chậm gốc/lãi được gia hạn trước đó thông qua Nghị định 08, ước tính giá trị cần xử lý đạt 94.100 tỷ đồng.
"Áp lực thanh toán của doanh nghiệp bất động sản được dự kiến khó được giải tỏa khi thị trường chưa phục hồi hoàn toàn, vướng mắc pháp lý vẫn tiếp diễn vì độ trễ chính sách và các doanh nghiệp cần thời gian để cân đối lại dòng tiền hoạt động. Rủi ro chậm trả của thị trường cũng sẽ gia tăng do một số điều khoản gia hạn trong Nghị định 08 đã hết hiệu lực lẫn áp lực từ các đợt phát hành TPDN có cam kết mua lại trong năm 2024", FiinRatings nhận định.
Dù vậy, FiinRatings vẫn kỳ vọng thị trường TPDN năm 2024 sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới theo hướng chặt chẽ hơn với việc áp dụng những yêu cầu cao hơn đối với tất cả các thành viên tham gia thị trường, qua đó giúp cho hoạt động phát hành trái phiếu mới dần phục hồi. Nhiều quy định trong Nghị định 65/2022/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực vào năm 2024 sẽ thiết lập kỷ luật chặt chẽ hơn đối với tất cả các bên liên quan và hỗ trợ cho việc khôi phục niềm tin của thị trường.
Thực tế, thời gian qua, trong nỗ lực nhằm minh bạch thị trường TPDN, UBCKNN cũng đã tăng cường xử phạt các doanh nghiệp có các vi phạm liên quan đến công bố thông tin về trái phiếu. Gần đây nhất, vào đầu tháng 2/2024, UBCKNN đã ban hành quyết định xử phạt một loạt doanh nghiệp vì không công bố thông tin về việc hoàn tất mua lại trái phiếu.
Theo đó, UBCKNN đã xử phạt nhóm doanh nghiệp gồm Công ty CP WorldWide Capital, Công ty CP Air Link và Công ty CP Xây dựng Kiến Hưng Thịnh vì không gửi nội dung công bố thông tin cho HNX về việc hoàn tất mua lại trước hạn các lô trái phiếu trước hạn do các doanh nghiệp này phát hành vào năm 2022, cũng như thông tin về tình hình sử dụng vốn huy động từ trái phiếu, tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu trong hai năm 2022, 2023.
Trước đó, hồi tháng 3/2022, WorldWide Capital đã phát hành hai lô trái phiếu mã WWCCB2223001 và WWCCB2223002 với giá trị lần lượt là 1.260 tỷ đồng và 2.150 tỷ đồng; Air Link phát hành hai lô trái phiếu mã ALICB2223001 và ALICB2223002 trị giá 1.240 tỷ đồng và 2.570 tỷ đồng; Kiến Hưng Thịnh phát hành hai lô trái phiếu mã KHTCB2223001 và KHTCB2223002 trị giá 2.500 tỷ đồng và 1.110 tỷ đồng. Các lô trái phiếu trên đều có kỳ hạn 18 tháng, đáo hạn vào ngày 30/9/2023 và đã được các công ty mua lại trước hạn.
Cả WorldWide Capital, Air Link và Kiến Hưng Thịnh đều là ba doanh nghiệp đã nhận chuyển nhượng dự án thành phần thuộc dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An - tên thương mại The Global City (do SDI Corp là chủ đầu tư và Masterise Homes là đơn vị phát triển dự án).
Ngoài ra, một doanh nghiệp khác thuộc hệ sinh thái của Masterise là Công ty CP Đầu tư Vast King hay một số doanh nghiệp liên quan đến Vạn Thịnh Phát như Công ty CP Đầu tư và phát triển Sunny World, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Eagle Side, Công ty CP Xây dựng Minh Trường Phú cũng bị xử phạt vì vi phạm tương tự.
Xem thêm tại cafef.vn