Bán mạnh cuối phiên, VN-Index rơi về sát mốc 1.230 điểm

Đóng cửa, VN-Index giảm 22,83 điểm (1,82%) xuống 1.231,81 điểm, HNX-Index giảm 3,78 điểm (1,59%) xuống 234,6 điểm, UPCoM-Index giảm 1,25 điểm (1,31%) xuống 94,4 điểm.

Sau hai phiên điều chỉnh liên tục, VN-Index mở cửa phiên sáng nay xanh nhẹ hơn 2 điểm. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 1 giờ giao dịch, VN-Index quay đầu giao dịch dưới ngưỡng tham chiếu với sắc đỏ dần lan rộng. Nhìn chung, VN-Index dừng phiên sáng giảm nhẹ với thanh khoản ở mức thấp, nhìn chung các nhóm ngành đều giao dịch quanh tham chiếu, số ít mã giảm trên 2% có thể kể đến như DCL, SMC, YEG, DGC, CSV, TVS, RDP, …

Rổ VN30 phân hóa mạnh, dù vậy biên độ thay đổi giá lại chỉ ở mức thấp. Trong đó, giảm mạnh nhất là MBB và MWG với tỷ lệ mất giá là 1,6% xuống 24.800 đồng/cp và 64.200 đồng/cp. Ở chiều ngược lại, FPT dẫn đầu khi tăng 2,4% lên 127.100 đồng/cp, VRE nhích 1,3% lên 20.300 đồng/cp.

Tuy nhiên, bước sang phiên chiều, áp lực bán ngày một gia tăng khiến VN-Index đổ đèo giảm gần 23 điểm, đóng cửa thấp nhất phiên tại mốc 1.231,81 điểm. Cổ phiếu trụ nói riêng và rổ VN30 nói chung tiếp tục là nhân tố ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số, trong khi VN-Index phiên hôm nay đã để mất điểm đỡ gần quanh khu vực 1.235 – 1.240 điểm.

Thị trường bị sắc đỏ chi phối với 674 mã giảm giá (trong đó có 41 mã giảm sàn), 211 mã tăng giá và 235 mã đóng cửa tại giá tham chiếu. Thanh khoản sụt giảm mạnh với khối lượng giao dịch đạt hơn 831 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 19.967 tỷ đồng, trong đó giá trị trên HOSE đạt gần 18.070 tỷ đồng, giảm gần 15% so với phiên trước.

Top10 cổ phiếu ảnh hưởng tích cực/tiêu cực lên VN-Index. (Nguồn: VNDirect).

Rổ VN30 ghi nhận 24 mã giảm/5 mã xanh, duy nhất VRE giữ giá tham chiếu. Bên chiều tăng điểm, SSB tăng mạnh nhất nhóm với tỷ lệ 1,4% lên 21.450 đồng/cp, theo sau là FPT (+1,1%), VNM (+0,8%), VJC (+0,7%), VIC (+0,2%).

Ở phía đối diện, GVR gần chạm giá sàn khi đóng cửa giảm 6,6% xuống 23.900 đồng/cp, loạt bluechip diễn biến tiêu cực hơn trong phiên chiều có thế kể đến như MBB (-5,2%), TPB (-4,6%), POW (-4,5%), MWG (-4,3%), CTG (-3,7%), BID (-3,6%), STB (-3,3%), ACB (-3%), ….

Theo quan sát, nhóm ngành giảm điểm mạnh nhất vẫn là ngân hàng, hóa chất, chứng khoán, bán lẻ, xây dựng, ... Nhóm cổ phiếu công nghệ với điểm sáng từ FPT không thể níu lại sắc xanh do áp lực bán chung của thị trường.

Ở nhóm ngân hàng, SSB là sắc xanh duy nhất còn lại khi đóng cửa, LPB và VBB giữ giá tham chiếu, trong khi các mã còn lại đồng loạt giảm điểm với mức giảm phổ biến 2 – 4%.

Nhóm phân bón, hóa chất đồng loạt đổ dốc với CSV giảm hết biên độ, NET giảm 7,2% xuống 91.700 đồng/cp, DDV (-6,5%), LAS (-5%), DGC (-4,9%), LIX (-3,7%), DCM (-2,6%), SFG (-1,7%), …

Cổ phiếu của các công ty chứng khoán cũng diễn biến tiêu cực với BSI giảm sàn, HAC mất 9,6% thị giá; BVS, CTS, TVS, MBS, VIX, FTS, CSI, SHS, HCM, SBS giảm 3 – 6,8%.

Tại thị trường quốc tế, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều ghi nhận kết quả tích cực khi cổ phiếu công nghệ quay lại dẫn dắt thị trường.

Cụ thể,  trong phiên giao dịch 22/7, chỉ số S&P 500 đã tăng 1,08% lên mức 5.564 điểm, ghi nhận ngày tốt nhất kể từ đầu tháng 6. Nasdaq Composite cũng tăng 1,58% và đóng cửa với 18.008 điểm. 

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 128 điểm, tương đương 0,32% và chốt phiên ở 40.415 điểm. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ tiếp tục đi lên, với chỉ số Russell 2000 đóng cửa tăng khoảng 1,7%.

Xem thêm tại vietnambiz.vn