Bản tin kinh tế ngày 11/11/2024
LPBank tiếp tục lùi ĐHĐCĐ bất thường
Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank, MCK: LPB, sàn HoSE) vừa thông báo về việc tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2024.
Theo đó, LPBank dự kiến dời thời gian tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 từ ngày 15/11/2024 sang ngày 16/11/2024. Địa điểm tổ chức cũng được thay đổi từ tầng 4, LPB Tower (số 210 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội) sang Khách sạn Ninh Bình Legend (số 177 đường Lê Thái Tổ, khu đô thị Xuân Thành, phường Ninh Khánh, TP.Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình).
Đối tượng tham dự là các cổ đông của LPBank có tên trong danh sách cổ đông được Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam lập tại ngày 1/7/2024 (ngày chốt danh sách cổ đông) hoặc người được cổ đông ủy quyền tham dự.
Dự kiến, HĐQT LPBank sẽ trình Đại hội phê duyệt bầu bổ sung thành viên HĐQT nhằm đáp ứng sớm Luật các tổ chức tín dụng và tăng vốn điều lệ năm 2024 thông qua hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu bằng việc trả cổ tức với tỷ lệ 16,8%. Ngân hàng cũng dự kiến trình trình cổ đông phương án đầu tư tối đa 5% vốn điều lệ của CTCP FPT.
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý III/2024 LPBank mang về thu nhập lãi thuần gần 3.777,9 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước. Để đạt được kết quả này, LPBank đã tập trung khai thác lợi thế mạng lưới, đa dạng hóa khách hàng, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng ngay từ những tháng đầu năm.
Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ hơn 1.016,1 tỷ đồng, tăng 519% chủ yếu do LPBank đa dạng hóa nguồn thu, thúc đẩy bán chéo các sản phẩm dịch vụ như dịch vụ kinh doanh ngoại tệ, kiều hối, xuất nhập khẩu, chuyển tiền,...
Sau khấu trừ các khoản thuế phí, LPBank báo lãi ròng gần 2.330,8 tỷ đồng, tăng 135% so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập lãi thuần tăng, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng, ngoài ra việc kiểm soát chất lượng tín dụng và đẩy mạng chuyển đổi số toàn diện cũng giúp cho chi phí hoạt động của LPBank giảm so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, LPBank mang về lợi nhuận sau thuế gần 7.051,1 tỷ đồng, tăng 139% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính đến hết ngày 30/9/2024, tổng tài sản của LPBank đang ở mức gần 455.804,7 tỷ đồng, tăng 19,05% so với đầu năm, tổng nợ phải trả gần 415.136,2 tỷ đồng, tăng 19,04%.
Đại gia ngành cá tra tạm ứng cổ tức gần 450 tỷ đồng
Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (MCK: VHC) vừa thông báo ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông nhận cổ tức 20% bằng tiền mặt (tương ứng cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu sẽ nhận được 2.000 đồng cổ tức).
Ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức là ngày 6/12/2024. Ngày thực hiện chi trả dự kiến 18/12/2024.
Với 224,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Thủy sản Vĩnh Hoàn sẽ phải chi 449 tỷ đồng để chia cổ tức đợt này.
Vĩnh Hoàn dự chia cổ tức trong bối cảnh kết quả kinh doanh quý III/2024 của doanh nghiệp có những chuyển biến tích cực.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024, Vĩnh Hoàn thu về 3.277 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 21% so với cùng kỳ. Do giá vốn tăng chậm hơn nên lợi nhuận gộp đạt 578 tỷ đồng, cao gấp 2 lần so với cùng kỳ.
Trong khi doanh thu hoạt động tài chính giảm sâu 51%, còn 56 tỷ đồng thì chi phí tài chính lại tăng gấp 1,7 lần, đạt 80,9 tỷ đồng. Chi phí quản lý được tiết giảm nhẹ thì chi phí bán hàng đạt 89 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước.
Khấu trừ các khoản chi phí, lãi ròng của Vĩnh Hoàn đạt 341 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 3 quý đầu năm 2024, doanh thu thuần của Vĩnh Hoàn đạt 9.329 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán hàng thành phẩm và hàng hóa của doanh nghiệp đạt 7.740 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ và chiếm 82% tổng doanh thu bán hàng của VHC.
Dù lợi nhuận quý III/2024 tăng trưởng hai con số do lợi nhuận quý I và quý II trong năm giảm lần lượt 16% và 26% đã kéo lãi ròng cả 9 tháng giảm xuống mức 870 tỷ đồng, giảm 1,4% so với cùng kỳ.
FLC Faros bổ nhiệm một Phó Tổng Giám đốc 9x
CTCP Xây dựng FLC Faros (ROS) vừa công bố Nghị quyết HĐQT số 10/2024/NQ-HĐQT về việc bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc công ty.
Cụ thể, HĐQT FLC Faros quyết nghị bổ nhiệm ông Trịnh Quốc Thi (SN 1990) giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc doanh nghiệp kể từ ngày 8/11/2024.
Đáng chú ý, ông Trịnh Quốc Thi vừa được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (MCK: AMD, UpCOM) từ ngày 7/10/2024. FLC Stone và FLC Faros đều là thành viên trong hệ sinh thái của tập đoàn FLC.
Liên quan đến vấn đề nhân sự của FLC Faros, HĐQT doanh nghiệp cũng vừa chấp thuận đề nghị thôi giữ chức vụ Kế toán trưởng đối với bà Đoàn Thanh Thủy kể từ ngày 4/11/2024.
Bà Thủy có trách nhiệm bàn giao toàn bộ công biệc và tài liệu liên quan đang phụ trách và/hoặc nắm giữ cho người được giao nhiệm vụ tiếp nhận.
Ở chiều ngược lại, HĐQT FLC Faros bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Ngọc Huyền (SN 1985) giữ chức vụ Kế toán trưởng doanh nghiệp kể từ ngày 4/11/2024.
Xa hơn nữa, ngày 25/9/2024, FLC Faros bổ nhiệm ông Mai Tiến Dũng vào vị trí Tổng Giám đốc. Theo thông báo của FLC Faros, ông Mai Tiến Dũng (SN 1976, trú tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội).
Trong một diễn biến khác, một diễn biến khác, FLC Faros vừa công bố nghị quyết HĐQT triệu tập họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2024. Ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông tham dự là 25/11. Thời gian tổ chức và địa điểm cụ thể sẽ được ROS thông báo sau tới cổ đông.
DIC Corp vừa hoàn tất nâng tỷ lệ sở hữu tại DIC Hospitality
Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, MCK: DIG, sàn HoSE) vừa công bố thông tin về việc hoàn tất việc tăng tỷ lệ sở hữu tại Công ty Cổ phần Du lịch DIC (DIC Hospitality).
Theo đó, thực hiện Nghị quyết của Hội đồng quản trị số 53/NQ-DIC Group-HĐQT ngày 24/6/2024 về việc thông qua chủ trương liên quan đến các khoản đầu tư tài chính của DIC Corp trong năm 2024, công ty đã thực hiện các thủ tục tăng tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn DIC tại DIC Hospitality.
Đến nay, DIC Group đã hoàn tất tăng tỷ lệ sở hữu của công ty tại DIC Hospitality từ 78,3% lên 99,9%.
Cũng thực hiện theo Nghị quyết ngày 24/6/2024, mới đây ngày 30/9/2024 DIC Corp cũng đã hoàn tất thoái một phần vốn góp của công ty tại Công ty Cổ phần Gạch men Anh Em DIC (DIC Anh Em).
Ngoài ra, Nghị quyết ngày 24/2024 còn thông qua chủ trương thoái toàn bộ vốn của DIC Corp tại Công ty Cổ phần Cao su Phú Riềng Kratie, dự kiến chuyển nhượng trước ngày 30/9/2024.
Tính đến thời điểm 30/9/2024, DIC Corp đang sở hữu 10 công ty con trực tiếp và gián tiếp, với tỷ lệ sở hữu từ 42,31% đến 100%. Ngoài ra, công ty còn có 7 công ty liên kết với tỷ lệ sở hữu vốn từ 35,5% đến 80%.
Về DIC Hospitality, được biết tiền thân của DIC Hospitality là Công ty cổ phần Thương mại và du lịch DIC - nhà nghỉ Bộ Xây dựng được thành lập từ năm 1990 với nhiệm vụ ban đầu kinh doanh dịch vụ du lịch và làm công tác điều dưỡng theo kế hoạch của Bộ Xây dựng giao.
Ngày 8/4/2003 theo Quyết định số 390/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng, công ty con 100% vốn nhà nước do công ty mẹ DIC Corp đầu tư vốn, trong mô hình thí điểm "công ty mẹ - công ty con" trên cơ sở sát nhập 3 đơn vị gồm Khách sạn Vũng Tàu, Khách sạn Thủy Tiên và Xí nghiệp DIC Du lịch Biển.
Ngày 27/7/2007, DIC Hospitality được chuyển đổi thành công ty cổ phần theo quyết định số 977/QĐ-BXD ngày 5/7/2007 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Ngày 28/9/2011, DIC Hospitality hoàn thành việc phát hành thêm cổ phiếu, nâng vốn điều lệ công ty từ 75 tỷ đồng lên hơn 112,9 tỷ đồng theo Nghị quyết đại hội cổ đông năm 2011.
PV
Xem thêm tại antt.nguoiduatin.vn